VCCI đề nghị bổ sung trình tự, thủ tục công bố 'tình trạng khẩn cấp'
Góp ý Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị bổ sung trình tự, thủ tục công bố 'tình trạng khẩn cấp'.
VCCI vừa trả lời Công văn số 5867/BQP-TM của Bộ Quốc phòng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp.
Theo đó, liên quan đến nội dung xác định tình trạng khẩn cấp, VCCI cho rằng, Khoản 1 Điều 2 Dự thảo đưa ra định nghĩa về tình trạng khẩn cấp là “trạng thái xã hội đặc biệt được thiết lập khi tính mạng của nhân dân, tài sản của nhà nước, tổ chức, cá nhân, quốc phòng, an ninh quốc gia tại một hay nhiều địa phương trên cả nước bị đe dọa gây thiệt hại hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến mức phải áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn và khắc phục hậu quả xảy ra để nhanh chóng ổn định tình hình”.
Theo VCCI, thay vì liệt kê các tình trạng khẩn cấp, dự thảo tiếp cận theo hướng xác định nội hàm của tình trạng khẩn cấp. Cách thức quy định này có thể bao quát được các tình trạng khẩn cấp có thể có, nhưng lại đặt ra nguy cơ xác định chưa chính xác về tình trạng khẩn cấp.
“Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp quản lý đặc biệt, trong đó có những biện pháp ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức – những quyền được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, xác định các tình trạng khẩn cấp cần thật chính xác và thận trọng để vừa đảm bảo tính ổn định, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe, an ninh quốc gia, quốc phòng vừa bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức” – VCCI nêu thông tin.
Cũng theo VCCI, chương III Dự thảo quy định về các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, trong đó xác định các tình trạng khẩn cấp như: Thảm họa (Điều 13); Dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng (Điều 14); tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội (Điều 15); tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (Điều 16).
Điều này có thể được hiểu, các trường hợp quy định tại từ Điều 14 - Điều 16 là tình trạng khẩn cấp. Tuy vậy, dự thảo không đưa ra định nghĩa về các trường hợp này.
Sự thiếu rõ ràng của các khái niệm cũng như tiêu chí để xác định tình trạng khẩn cấp sẽ khiến cho việc xác định chính xác các tình trạng khẩn cấp gặp khó khăn khi triển khai. Theo đó, VCCI đề nghị, Ban soạn thảo cân nhắc quy định bên cạnh đưa ra định nghĩa về tình trạng khẩn cấp, cần liệt kê các trường hợp là tình trạng khẩn cấp.
Về trình tự, thủ tục xác định tình trạng khẩn cấp, dự thảo quy định về thẩm quyền đề nghị và ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp, nhưng chưa quy định về trình tự, thủ tục để xác định tình trạng khẩn cấp và công bố, ban bố về tình trạng này.
"Nếu tình trạng khẩn cấp ở một địa phương thì cơ quan nào sẽ xác định và trình lên Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội? Có cơ quan để xem xét yếu tố khẩn cấp để xác định chính xác địa phương đó rơi vào tình trạng khẩn cấp hay không?" - VCCI nêu câu hỏi.
Theo quy định tại Điều 9 dự thảo, tình trạng khẩn cấp chỉ xác định ở một hoặc nhiều địa phương mà không quy định tình trạng khẩn cấp của cả nước. Trên cơ sở đó, VCCI đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đề nghị ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp.
Theo VCCI: Việc xác định các tình trạng khẩn cấp cần thật chính xác và thận trọng để vừa đảm bảo tính ổn định, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe, an ninh quốc gia, quốc phòng vừa bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức.