Vatican xác nhận Giáo hoàng Francis qua đời

Giáo hoàng Francis, vị Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh và là lãnh đạo tối cao của giáo hội Công giáo Roma, đã qua đời ở tuổi 88, Vatican thông báo trong một tuyên bố phát sóng video vào hôm 21.4.

Theo Reuters, sự ra đi của ông khép lại một triều đại đầy sóng gió, được đánh dấu bởi những nỗ lực cải tổ một trong những tổ chức tôn giáo lâu đời và bảo thủ nhất thế giới.

"Anh chị em thân mến, với nỗi buồn sâu sắc, tôi xin thông báo Đức Thánh Cha Francis đã qua đời", Hồng y Kevin Farrell phát biểu trên kênh truyền hình chính thức của Vatican.

Giáo hoàng Francis - Ảnh: Reuters

Giáo hoàng Francis - Ảnh: Reuters

Trước đó không lâu, Giáo hoàng Francis vừa vượt qua một đợt viêm phổi kép nghiêm trọng.

Giáo hoàng Francis có tên thật là Jorge Mario Bergoglio, ông được bầu làm giáo hoàng vào ngày 13.3.2013 - một kết quả khiến nhiều người bất ngờ, bởi ông từng được xem là người ngoài cuộc trong cuộc bầu chọn tại Mật nghị Hồng y (cuộc họp kín của Hồng y đoàn để bầu ra vị giáo hoàng mới). Tuy nhiên, chính sự giản dị, quan tâm tới người nghèo và tinh thần cải cách đã giúp ông chinh phục giáo hội.

Khác với các vị tiền nhiệm, Giáo hoàng Francis từ chối sống trong các căn hộ xa hoa tại điện Tông tòa. Ông chọn sống trong một khu nhà chung của Vatican để "giữ gìn sức khỏe tinh thần" và thể hiện lối sống đơn giản.

Đối mặt với khủng hoảng và chia rẽ

Khi nhậm chức, Giáo hoàng Francis thừa kế một giáo hội đang bị tấn công bởi các vụ bê bối lạm dụng tình dục và những mâu thuẫn nội bộ trong bộ máy hành chính Vatican. Ông được kỳ vọng sẽ khôi phục kỷ cương và lòng tin nơi tín đồ.

Tuy nhiên, quá trình cải tổ của ông không hề suôn sẻ. Ông phải đối mặt với chỉ trích mạnh mẽ từ phe bảo thủ, những người cáo buộc ông "phá bỏ truyền thống thiêng liêng" của giáo hội. Ngược lại, nhiều người theo đường lối tiến bộ lại cho rằng ông chưa hành động đủ mạnh để hiện đại hóa một giáo hội đã tồn tại hơn 2.000 năm.

Dù nội bộ đầy căng thẳng, Giáo hoàng Francis lại trở thành một biểu tượng toàn cầu. Ông thu hút đám đông hàng triệu người trong các chuyến công du khắp thế giới, kêu gọi đối thoại liên tôn, hòa bình và sự ủng hộ với những nhóm yếu thế, đặc biệt là người di cư và người nghèo.

Một "triều đại" đặc biệt trong lịch sử Vatican

"Triều đại" của Giáo hoàng Francis trở nên đặc biệt khi có đến hai giáo hoàng cùng mặc áo trắng sống tại Vatican trong nhiều năm. Sau khi Benedict XVI bất ngờ từ chức năm 2013 - điều hiếm có trong lịch sử Giáo hội - ông vẫn tiếp tục sống tại Vatican cho đến khi qua đời vào tháng 12.2022. Giáo hoàng Benedict là biểu tượng của phe bảo thủ, và sự hiện diện song song của ông từng tạo ra những áp lực âm ỉ cho Giáo hoàng Francis.

Tuy vậy, sau khi Giáo hoàng Benedict qua đời, Giáo hoàng Francis trở thành người duy nhất nắm giữ ngôi vị đứng đầu giáo hội, với toàn quyền định hình tương lai.

Di sản và người kế nhiệm

Tính đến tháng 2.2025, gần 80% số hồng y có quyền bầu giáo hoàng tiếp theo đã được chính Giáo hoàng Francis bổ nhiệm. Điều này đồng nghĩa rằng, người kế nhiệm ông - dù chưa được xác định - có nhiều khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi các chính sách cải cách và cấp tiến mà ông để lại, bất chấp sự phản đối không nhỏ từ giới bảo thủ trong giáo hội Roma.

Sự ra đi của Giáo hoàng Francis không chỉ khép lại một giai đoạn đầy biến động của giáo hội Công giáo Roma, mà còn mở ra một thời điểm bản lề quan trọng cho tương lai của hơn 1,3 tỉ tín đồ trên toàn thế giới.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vatican-xac-nhan-giao-hoang-francis-qua-doi-231771.html
Zalo