Vất vả mưu sinh giữa phố

Càng khó khăn thì càng phải cố gắng và trong sự cố gắng đó họ phải ra đường mưu sinh để mong người thân trong gia đình mình có được cuộc sống no đủ

Mỗi khi đi xe ôm hay taxi công nghệ, tôi thường trò chuyện với tài xế để tìm hiểu về công việc mưu sinh của họ. Bên cạnh một số ít người chạy xe để giết thời gian, có thêm đồng ra đồng vào thì tuyệt đại đa số xem đó là một công việc mưu sinh nghiêm túc.

Kiếm tiền không dễ

Có người làm thời vụ trước khi tìm việc khác; có người mất việc trong lúc bí bách đành làm công việc này để sinh nhai; có người không có điều kiện tay nghề, sức khỏe nên chỉ có thể chạy xe ôm công nghệ... Kể cả người chạy taxi không phải người nào cũng sống thoải mái khi mà phải trả góp xe, chạy mỗi ngày 12 - 14 giờ, thu nhập vừa đủ trang trải mà không tính được khấu hao xe... Đặc biệt, trong khoảng nửa năm gần đây, đa số đều giảm thu nhập do ngày càng có nhiều người chạy xe hơn. Tức đang có một số người mất việc, chưa tìm được việc làm, tạm thời phải chạy xe để kiếm sống.

Hôm nào đi ngang một quán trà sữa, quán bún thịt nướng... chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh rất đông người mặc áo xanh, áo vàng chờ nhận đơn hàng để giao cho khách. Hay trên đường, số người điều khiển xe máy mặc đồng phục đó chiếm số lượng không nhỏ, cùng với các loại taxi có biểu tượng của các hãng xe công nghệ. Thành phố vốn đã đông đúc, chật chội, dường như ngày càng đông hơn bởi những người được nhận diện đang là một lực lượng lao động đặc thù! Kể cả trong ngày nắng gắt mấy tháng vừa qua, những người đó cũng không ít đi, chỉ là họ dường như hối hả hơn, chắc không chỉ để tránh nắng mà còn bận rộn hơn với việc mưu sinh…

Mưu sinh trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Mưu sinh trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Đủ kiểu xoay xở

Chúng ta dễ nhận ra có rất nhiều người đang kiếm sống bằng những cách khác nhau: có quầy hàng đặt ở các nhà mặt tiền, "đóng" ở một chỗ trên vỉa hè, rong ruổi trên vỉa hè, dưới lòng đường… Đương nhiên, trừ những cửa hiệu, cửa hàng có biển hiệu với mức chi thuê mặt bằng không hề rẻ, nhiều người vẫn "ké" một góc của mặt tiền nào đó để đặt một bàn vé số, một tủ thuốc lá, một xe cà phê "take away"… hoặc những xe lôi bán trái cây đủ loại…; có thể cố định ở một vỉa hè nào đó hay di động, rong ruổi theo các con đường quen thuộc. Kể cả người bán vé số dạo, người đi nhặt ve chai... cũng rất quen thuộc với chúng ta và đó đã là một phần của sự sôi động ở thành phố này, dù rằng thời gian gần đây, dường như họ xuất hiện nhiều hơn!

Trên lề đường ở đây đó xuất hiện một số mặt hàng ăn uống mới, như trà chanh giã tay, lạp xưởng nướng đá, gà nướng ống tre, gà ủ muối… Dường như nhiều người cố gắng nghĩ ra một sản phẩm gì đó mới mẻ, hấp dẫn hoặc cải biến mặt hàng mình đang bán sao cho bắt mắt để mong thu hút nhiều khách hàng hơn.

"Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành thị"

Nhiều người vẫn nói "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành thị". Hẳn nhiên "ngồi lê" không phải là "ngồi lê đôi mách", cũng không phải là "ngồi yên" mà có lẽ là lê la buôn bán ngoài đường. Vậy nên, gần như tất cả cuộc mưu sinh giản đơn, không cần trình độ, cần kiến thức, không cần vốn liếng nhiều... đều được thực hiện trên đường.

Từ sau dịch COVID-19 đến nay, kinh tế trở nên khó khăn, nhiều người từng có việc ở văn phòng, ở xí nghiệp, công xưởng... bỗng bị mất việc, giãn việc nên phải đổ ra đường. Nhiều người cần tìm việc làm nhưng đang lúc việc ít người nhiều nên phải "chữa cháy" bằng việc gì đó tạm thời, cũng chọn ra đường. Ở quê không có đất đai, làm thuê không đủ sống cũng quay trở lại thành phố và chọn "bán mặt cho đường" để kiếm sống…

Càng khó khăn thì càng phải cố gắng và trong sự cố gắng đó có khi phải ra đường để mưu sinh. Đương nhiên, có rất nhiều việc khác không làm ngoài đường nhưng rõ ràng chúng ta luôn thấy sự sôi động ở ngoài đường, trong đó có cuộc mưu sinh. Từ sáng sớm hay kéo dài đến nửa đêm, đến khuya, trong ngày nắng nóng hay lúc mưa giông ngập đường vẫn có rất nhiều người đang kiếm sống.

Ai cũng thấy kiếm tiền ngoài đường là vất vả, đầy rủi ro nhưng nhiều người không thể có chọn lựa khác vì điều kiện cuộc sống khó khăn, họ phải hy sinh bản thân để mong người thân trong gia đình mình có được cuộc sống no đủ.

Đa số người kiếm sống ngoài đường là người nghèo, chịu nhiều thiệt thòi khi có các biến động kinh tế - xã hội xảy ra. Do đó, ở góc độ quản lý, nhà nước phải thực sự quan tâm đến nhóm đối tượng này khi ban hành các chính sách, sao cho hạn chế tác động tiêu cực đến họ. Ở góc độ nhân văn, cần có sự chia sẻ của cộng đồng với bà con bằng những hành động thiết thực chứ không nên xem họ là đối tượng "bắt nạt" hay "trục lợi".

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, các bình trà đá miễn phí công cộng thực sự làm mát lòng rất nhiều người nghèo, khiến thành phố này thực sự nghĩa tình như cách diễn đạt của nhà văn Phan Hoàng trong tác phẩm "Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra" của anh!

Nguyễn Minh Hải

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vat-va-muu-sinh-giua-pho-196240810213125059.htm
Zalo