'Vật vã' dạy tiếng Việt cho vợ Mỹ: Mất cả tháng để phát âm đúng tên chồng
Quyết dạy tiếng Việt để cô vợ gen Z người Mỹ hòa nhập ở Việt Nam, Vũ gặp nhiều tình huống 'bất lực'; cô mất 1 tháng để đọc đúng tên chồng, 2 tháng học cách xưng hô.
Các clip ghi lại cảnh anh Văn Tấn Vũ (33 tuổi) dạy tiếng Việt cho cô vợ Mỹ Brooklyn Văn (24 tuổi) thu hút người xem trên TikTok và Youtube bởi những tình huống hài hước, nhất là biểu cảm stress và bất lực của người chồng trước vẻ ngơ ngác không hiểu của vợ. Phía sau những clip vui vẻ đó là hành trình dài đầy nỗ lực cặp đôi khi chuyển từ Mỹ về Việt Nam.
Vò đầu bứt tai dạy tiếng Việt cho vợ Mỹ
Họ quen nhau tại Mỹ và kết hôn tại Hà Nội hồi tháng 1. Văn Tấn Vũ kể về thời kỳ đầu khó khăn của họ khi mới đưa nhau về Việt Nam làm đám cưới và lý do anh quyết tâm dạy vợ học tiếng Việt: "Brooklyn ở bên kia trưởng thành và độc lập, rất là ổn định với công việc toàn thời gian tại bệnh viện. Tuy nhiên khi về Việt Nam, Brooklyn tựa như một em bé vậy, không giao tiếp được cùng ai, đến các việc mua bán hàng ngày cũng là điều khó khăn. Tôi và vợ sống cùng bố mẹ nhưng vì rào cản ngôn ngữ nên cũng khó nói chuyện".
Để vợ có thể làm quen với mọi người xung quanh dễ dàng hơn, Vũ bắt đầu dạy cô tiếng Việt. Công việc này không dễ như anh tưởng, bởi đa phần người phương Tây rất khó nhớ và phát âm tiếng Việt, đặc biệt là những âm có dấu mũ như Ư, Ơ, Ă, Â... hay từ có dấu sắc, nặng, ngã, huyền. Mỗi ngày, anh đều dành khoảng 30 phút trước khi đi ngủ để rèn tiếng Việt cho Brooklyn. Cô cũng tải các ứng dụng học tiếng Việt về máy để tự mình luyện.
Từ đầu tiên Vũ dạy cô phát âm thật chuẩn là tên riêng của anh, vì trước đó cô toàn gọi anh là "Vu". "Khó như mình đi dạy trẻ nhỏ ấy, nhưng trẻ nhỏ thì không bướng bỉnh bằng. Chỉ cái tên riêng cũng mất đến cả tháng luôn đấy", Vũ chia sẻ.
Tiếp theo, anh dạy vợ các đại từ nhân xưng để chào hỏi những người xung quanh. Không như tiếng Anh chỉ có "I" và "You", đại từ nhân xưng trong tiếng Việt lại quá đa dạng, liên quan đến các kiểu quan hệ nên người phương Tây muốn học thì rất đau đầu; Vũ phải lập bảng, vẽ sơ đồ để giúp vợ nhớ. Việc này cũng mất đến 2 tháng.
Nội dung học tiếp theo là tên các món ăn Việt Nam. Brooklyn thích nhất là ăn bún chả rồi đến phở, nhưng việc gọi tên hai món này lại quá "khó nhằn". Riêng với từ "phở", cô vợ trẻ luyện mãi vẫn phát âm sai, khiến chồng cũng phải sợ. Vai trò thầy giáo không chuyên khiến Vũ căng thẳng đến nỗi cuối cùng anh đành thuê cả gia sư tiếng Việt về hỗ trợ.
Trong mắt Văn Tấn Vũ, vợ anh là người hơi nhút nhát, lại có nét tính cách điển hình của gen Z Mỹ: Cả thèm chóng chán, thiếu kiên trì, không vững tâm. Quyết định sang Việt Nam của cô chính là sự dũng cảm vượt lên bản thân. Vì thế, Vũ khi đưa vợ về Hà Nội sống gần bố mẹ, anh xác định phải dành nhiều thời gian cho vợ để giúp cô hòa nhập với cộng đồng mới. Dạy tiếng Việt cho vợ là một cách để đạt được điều đó.
Trong quá trình luyện tiếng Việt cho vợ, bản thân Vũ cũng học được nhiều điều. Anh hiểu vợ hơn, biết cách quan tâm, an ủi cô hơn. Trước khi hễ có mâu thuẫn, anh thường bảo: "Có gì to tát đâu mà chúng ta lại cãi nhau?". Còn bây giờ, anh sẽ đặt mình vào vị trí của bạn đời, vị trí của một người sẵn sàng bỏ lại mọi thứ ở quê nhà, đến một xứ sở xa lạ để chung sống với anh, đương đầu với bao thử thách mới.
"Brooklyn còn trẻ, rất cần có người bên cạnh. Ở Việt Nam, em ấy bị sốc văn hóa, không có bạn bè, không có sự kết nối xã hội nên thiếu sự hỗ trợ cần thiết về mặt tinh thần. Tôi sẵn sàng lắng nghe vợ nhiều hơn, nắm tay vợ hàng đêm để em ấy bớt tủi thân", Vũ chia sẻ. Nhìn vợ, anh như thấy chính mình mới sang Mỹ, một chàng trai 18 tuổi ngơ ngác, không biết gì về đất nước mới lạ, rộng lớn này. Nghĩ vậy, anh càng dành nhiều tâm huyết giúp vợ quen với cuộc sống Việt Nam.
Gen Z Mỹ về Việt Nam làm dâu
Năm 2008, Văn Tấn Vũ đặt chân lên nước Mỹ khi còn là một cậu học sinh. Một mình ở xứ người, anh phấn đấu vào đại học và trở thành một chuyên viên tài chính, kế toán. Năm 2019, Vũ gặp được Brooklyn qua một người bạn chung, lần gặp đầu tiên chưa tạo nhiều thiện cảm. Cuối năm 2021, tình cờ gặp lại khi đi nhà thờ, họ mới gần gũi hơn và đi đến hẹn hò.
Vũ tự nhận anh là người truyền thống, yêu và kết hôn với phụ nữ quốc tịch nào cũng được nhưng cô ấy cần phù hợp với văn hóa Việt Nam.
"Tôi rất yêu thích các giá trị Việt Nam truyền thống. Khi yêu Brooklyn, một cô gái gen Z người Mỹ kém mình 9 tuổi, tôi nhận thấy khá nhiều khác biệt. Cả hai phải dần thích nghi, học cách thay đổi bản thân để phù hợp với nhau hơn. Tôi bớt đi sự nóng tính, còn Brooklyn cũng trở nên mạnh dạn hơn trong cuộc sống", Vũ chia sẻ.
Điều mà Vũ đặc biệt thích ở Brooklyn là cô rất tốt bụng, rất quan tâm đến người khác giống như phụ nữ Việt Nam, có lẽ vì cô làm y tá, luôn chăm sóc những người xung quanh. Sau 9 tháng hẹn hò tìm hiểu, họ chính thức yêu nhau và sau đó đính hôn.
Dù sống ở Mỹ đã lâu nhưng Vũ luôn tâm niệm sẽ về sống tại Việt Nam vì anh là con trai duy nhất trong nhà, muốn ở gần bố mẹ khi họ đến tuổi già. Đầu năm 2023, khi anh lần đầu ngỏ ý muốn cùng Brooklyn rời nước Mỹ trở về Việt Nam làm đám cưới và sinh sống, cô từ chối. Đã xác định trước, chàng trai Việt kiên trì tìm cách thay đổi quyết định của bạn gái.
Mỗi ngày, anh đều kể về những điều hay, điều đẹp của Việt Nam cho cô nghe, từ ẩm thực, con người, phong cảnh đẹp đến các truyền thống văn hóa, khiến cô gái Mỹ ngày càng bị hấp dẫn bởi Việt Nam, ngày càng yêu thích đất nước quê hương của bạn trai mình. Đến một ngày, cô quyết định theo anh trở về. Cả hai từ bỏ công việc đang ổn định ở Mỹ, nắm tay lao vào một hành trình mới nhiều thử thách. Họ kết hôn hồi tháng tại Hà Nội.
Theo chồng về xứ lạ, lúc đầu Brooklyn rất ngần ngại và lo âu. Cô vốn nhút nhát nên khá hoang mang khi từ bỏ sự ổn định và môi trường quen thuộc để đến một đất nước xa xôi nơi cô không quen ai, không chút am hiểu về con người, nếp sống, đồ ăn thức uống...
Trước khi về Việt Nam, cặp đôi có một chuyến lái xe đi xuyên nước Mỹ từ miền Tây sang miền Đông, tổng cộng qua 8-9 bang. Họ cãi nhau không ít lần trong một tuần đó. Vũ bảo cãi nhau như thế mới đỡ chán và có thêm điều để nhớ. Trong khi ngắm cảnh nước Mỹ, anh vẫn không quên kể chuyện về Việt Nam, miêu tả các danh lam thắng cảnh của nước mình cho vị hôn thê nghe, để sau đó khi về nước thì đưa cô đi "kiểm chứng" ở Hạ Long, Quy Nhơn và nhiều nơi khác.
Sau gần một năm sống ở quê chồng, Brooklyn nhận thấy cuộc sống tại Việt Nam có nhiều điểm tốt hơn tại Mỹ, chẳng hạn như cô có thể thường xuyên được đi ăn hàng quán cùng chồng mình. Ở Mỹ, nếu muốn ra ngoài ăn, họ thường phải lên kế hoạch vì phải di chuyển đường dài, đặt bàn và trả số tiền khá lớn. Trong khi đó ở Việt Nam, bất cứ khi nào thích là cả hai đều có thể vào ngay một quán vỉa hè nào đó, giá rất rẻ mà ăn rất ngon.
Brooklyn rất thích thú với việc sơn móng tay và làm đẹp ở Việt Nam. Trước kia, cô làm y tá nên phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về móng tay và tóc tai. Nay, cứ 2 tuần là cô đi làm móng, làm tóc một lần; hồi đầu còn nhờ chồng dẫn đi, sau thì thành khách quen, tự mình "thích là nhích".
Hiện cả hai vợ chồng làm công việc dạy tiếng Anh trực tuyến. Trong thời gian tới, họ dự định phát triển kênh Youtube chuyên về dạy ngôn ngữ. Hai người cũng xác định mỗi năm về Mỹ vài tháng để thăm người thân, bạn bè.
"Sơ kết" cuộc sống vợ chồng, Vũ tâm sự: "Bài học lớn nhất mà tôi học được trong mấy tháng vừa qua là hạ cái tôi xuống. Hồi còn ở bên kia, các quyết định vẫn luôn xoay quanh bản thân, nhưng giờ đây có vợ, có gia đình thì phải khác đi. Hôn nhân không phải điều dễ dàng, đừng tưởng hạnh phúc là cứ thế mãi mãi mà luôn phải vun đắp. Điều này còn đúng hơn khi có bạn đời khác quốc tịch, khác biệt về văn hóa".