Vật liệu xây dựng tăng mạnh
Thời gian gần đây, giá nhiều loại vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và nhiều khu vực lân cận đang có xu hướng tăng mạnh, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, thi công các công trình xây dựng, nhất là các công trình nhà ở của người dân.
Thép, cát xây dựng “rủ nhau” tăng giá
Theo báo cáo diễn biến thị trường VLXD tháng 4/2025 của Viện Kinh tế Xây dựng cho biết giá thép bình quân tháng 4/2025 tăng 1,44 - 1,90% so với tháng 3/2025. Cùng diễn biến tăng giá với thép là cát xây dựng và đá xây dựng tăng 0,27 - 1,3% so với tháng 3/2025…

Từ đầu năm đến nay, thép là một trong những loại VLXD có giá tăng mạnh
Từ đầu tháng 5 trở lại đây, nhiều loại VLXD vẫn đang trên đà tăng giá. Theo khảo sát của phóng viên tại một số cửa hàng VLXD trên ở huyện Khoái Châu, giá cát vàng đang dao động từ 850.000 – 900.000 đồng/m³, trong khi cách đây chỉ một tuần giá mới ở mức 550.000 đồng/m³. Cát đổ nền cũng tăng mạnh, từ mức 180.000 đồng/m³ lên 250.000 – 300.000 đồng/m³, thậm chí nhiều nơi không đủ hàng để cung ứng.
Không chỉ cát, giá sắt, thép cũng leo thang. Sắt Hòa Phát, thương hiệu được nhiều người lựa chọn hiện luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Chị Hường, chủ đại lý VLXD ở xã Hải Thắng (Tiên Lữ) thông tin: Giá sắt hiện dao động ở mức 18.000 - 18.300 đồng/kg, tăng khoảng 3.000/kg so với đầu năm 2025. Nhưng điều đáng ngại hơn là tình trạng thiếu hàng, đặc biệt là sắt phi 10 – loại dùng phổ biến trong đổ mái. Hiện tại, trung bình 1 ngày cửa hàng chỉ nhập được 3 tấn hàng, giảm 80-90% so với cuối năm 2024.
Theo tìm hiểu, giá VLXD tăng đột biến thường chịu tác động bởi nhiều yếu tố như: cung – cầu thị trường, chi phí sản xuất, vận chuyển, cũng như các biến động của thị trường quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu xây dựng tăng cao trở lại, trong khi nguồn cung chưa kịp thích ứng, dẫn đến việc mất cân đối cung - cầu…
Người dân, doanh nghiệp gặp khó
Giá VLXD tăng cao và khan hiếm tạo áp lực chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Một số công trình xây dựng phải điều chỉnh tiến độ, doanh nghiệp sản xuất, cơ sở kinh doanh gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung.
Đối với người dân, đặc biệt là các hộ đang xây dựng nhà ở, việc giá VLXD tăng khiến tổng chi phí bị đội lên hàng chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng tùy theo quy mô công trình. Nhiều gia đình phải cắt bớt phần thiết kế hoặc giãn tiến độ thi công để chờ giá vật liệu “hạ nhiệt”.

VLXD tăng giá và khan hiếm tạo áp lực chi phí cho người dân khi xây dựng nhà ở
Gia đình anh Nguyễn Văn May ở xã Đồng Tiến (Khoái Châu) đang trong quá trình xây dựng ngôi nhà mới. Tuy nhiên, thay vì phấn khởi, anh không giấu được nỗi lo lắng khi chi phí xây nhà bị đội lên đáng kể. Anh May cho biết: Gia đình tôi xây dựng ngôi nhà 3 tầng với diện tích 100m²/tầng. Do còn thiếu tiền nên có vay mượn thêm. Nhưng, từ đầu năm đến nay, giá VLXD tăng chóng mặt khiến chi phí đội thêm 15-20% so với dự kiến ban đầu.
Với các cửa hàng kinh doanh VLXD, mặc dù nhu cầu cao nhưng nguồn cung không ổn định khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng. Việc giữ “chữ tín” với khách hàng trở nên khó khăn khi các đơn hàng không thể giao đúng hẹn do thiếu nguyên vật liệu. Bà Hoàng Thị Quế, chủ một cửa hàng VLXD ở xã Phùng Hưng (Khoái Châu) cho biết: Từ đầu năm đến nay, lượng khách hàng nhiều hơn mọi năm, mặc dù tôi đã đặt hàng nhiều loại VLXD từ trước nhưng thời gian gần đây, một số loại như sắt, gạch, cát... vẫn thường xuyên “cháy hàng”. Giá tăng nhanh và tình trạng khan hiếm khiến việc kinh doanh của cửa hàng gặp nhiều khó khăn, đồng thời làm chậm tiến độ xây dựng của nhiều hộ.

Dự án Khu nhà ở Bình Minh Phố Hiến (Khoái Châu)
Giá VLXD tăng cao làm đẩy giá công trình xây dựng lên cao, gây ra nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty cổ phần Ánh Khoa (công ty xây dựng) ở thị trấn Yên Mỹ (Yên Mỹ) cho biết: Hiện nay, trong một dự án bất động sản, chi phí sắt thép chiếm khoảng 15 - 20%. Tuy nhiên, với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán cho khách mua nhà. Do đó, khi chi phí xây dựng tăng cao buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán tăng thêm. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm lợi nhuận.
Không chỉ các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn với bài toán VLXD tăng giá, mà chủ đầu tư các công trình, dự án từ nguồn vốn đầu tư công cũng đang lo lắng khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư. Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng kiến nghị cần có biện pháp bảo đảm cân đối cung, cầu và bình ổn thị trường VLXD để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và người dân. Các ngành chức năng cần có biện pháp kiểm soát giá cả và nguồn cung VLXD để ổn định thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất – kinh doanh VLXD nhằm ngăn chặn hành vi găm hàng, đẩy giá. Đồng thời, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất vật liệu sớm nâng công suất, tăng lượng cung ra thị trường...
Trong khi chờ các biện pháp can thiệp hiệu quả từ phía cơ quan chức năng, người dân và doanh nghiệp vẫn phải tự điều chỉnh kế hoạch xây dựng và sản xuất kinh doanh của mình để ứng phó với biến động giá vật liệu. Một mùa xây dựng mới đang diễn ra nhưng thay vì vui mừng, nhiều người lại thấp thỏm với bài toán chi phí ngày càng khó giải.