Vấp mây

Ở Mã Lai (Malaysia) bây giờ đã bước vào mùa mưa. Cuối tháng Năm, đầu tháng Sáu, Việt Nam mưa, Mã Lai mưa, cũng có thể toàn cõi Đông Nam Á đều mưa.

Thời gian của các nước trong khu vực cũng chẳng lệch nhau mấy, cứ cộng thêm hoặc bớt đi một tiếng tùy theo múi giờ mỗi nước. Đi ra nước ngoài làm người ta siêng làm toán hơn. Một đồng nước này bằng mấy đồng nước mình? Mua gì cũng quy đổi, để biết mắc hay rẻ. Nhưng giờ bạn đã mệt rồi, đã đến lúc nhận phòng khách sạn. Lại theo phong tục gõ cửa mấy cái trước khi mở cửa bước vào phòng. Thông báo cho ai đó biết bạn chỉ là khách trọ ghé tạm vài đêm.

Xa xa màn hình quảng cáo trên cao ốc đang giới thiệu dòng nước hoa cao cấp. Cô người mẫu cười duyên, cả cô cũng xa lạ như những con người xa lạ đang đi trên phố. Một chiếc phi cơ bay ngang trời, đôi cánh hiển lộ giữa mây nhờ ánh đèn từ thành phố bên dưới hắt lên, rồi cỗ máy nhanh chóng biến mất, để lại những đốm sáng nhỏ lập lòe chớp nháy xa xa. Đó có thể là chiếc phi cơ mới chở bạn đến đất nước này mấy tiếng trước.

Bạn nằm xuống giường và để ý thấy trên trần phòng có dán một mũi tên nhỏ. Đa phần khách sạn ở Mã Lai đều có dấu hiệu này để báo cho người theo đạo Hồi biết thánh địa của mình ở đâu để họ hướng về đó mà cầu nguyện.

Trên đường vào Kuala Lumpur, xe có ghé một nhà thờ Hồi giáo. Chắc hẳn bạn sẽ chạnh lòng đôi chút vì bảng thông báo đại ý dặn bạn đừng làm ồn hay xin đừng vào bên trong cạnh tiếng Anh, tiếng Hoa, còn cả… tiếng Việt. Nhưng vẻ đẹp cổ kính của thánh đường có thể làm lòng bạn bình yên trở lại. Bên trên, những đám mây xếp lại như vẩy rồng, mới trưa nhưng nhìn trời như thể mặt trăng mọc giữa ban ngày.

Đi hết những cao tốc chạy giữa những dãy đồi là đến thủ đô của Mã Lai. Tháp đôi Petronas - tòa tháp đôi lớn nhất thế giới, biểu tượng của thành phố hiện ra như một chỉ dấu để bạn tìm đến khu trung tâm. Dưới chân tháp đôi sau khi chụp đủ ba trăm sáu mươi tấm hình, cố chọn được một góc bình yên né được ba trăm sáu chục con người rải rác khắp quảng trường cũng đang muốn chụp hình giống bạn.

Tòa tháp đôi lớn nhất thế giới Petronas, biểu tượng của thành phố Kuala Lumpur hiện ra như một chỉ dấu khu trung tâm. Ảnh: PAT

Tòa tháp đôi lớn nhất thế giới Petronas, biểu tượng của thành phố Kuala Lumpur hiện ra như một chỉ dấu khu trung tâm. Ảnh: PAT

Giờ thì khi đã có một tấm hình đánh dấu cho cộng đồng mạng biết mình từng đến Kuala Lumpur, bạn có thể bắt đầu tỏa ra muôn hướng trong thành phố để khám phá cái nhịp đời mỗi nơi mỗi vẻ.

Một chuyến tàu điện vụt qua trên cao. Chợt nhớ ở quê nhà có chuyến tàu bạn đã chờ đợi mấy năm nay. Dưới bóng đường tàu, bạn thấy những người đứng ngồi la liệt. Qua trang phục và ngoại hình, bạn có thể đoán được họ là người gốc Mã Lai, Hoa hay Ấn.

Bạn bắt đầu so sánh sự giống nhau của các thành phố trên thế gian, những tòa nhà chọc trời, phố cũ chen lẫn phố mới, rải rác vài khu nhà còn giữ nét kiến trúc từ thời cựu thuộc địa, nhắc nhở rằng quá khứ vẫn là một phần cố kết của thực tại này, một thực tại nhập nhòe như cơn mưa giăng ngoài kia, giục bạn rẽ nhanh vào phố Tàu với những bảng hiệu viết thứ Hán tự cách điệu hệt như các cửa hàng ở Chợ Lớn. Bạn trú tạm vào một chốn giống trung tâm thương mại. Mấy du khách phương Tây cao lớn, kéo cao áo và rụt cổ bước nặng nề.

Mặc cơn mưa ồn ào và dòng người không ngừng qua lại, con mèo vẫn nằm ườn ra ngủ say mê ngay trước lối ra vào. Nhìn chiếc khăn quàng trên cổ nó, có thể đoán chủ nhân con mèo đang quản lý một quầy hàng nào đó trong trung tâm nhỏ này. Có thể là chủ cửa hàng đồ cũ, bán đầy những món linh tinh từ băng cát xét đến đĩa nhạc, mấy món đồ chơi, ba lô, áo khoác, một quyển tập viết Hán tự của một trường tiểu học hồi nửa thế kỷ trước. Nép bên hành lang là một cây dương cầm cũ, không rõ có còn chơi được không.

Một lối đi dẫn lên tầng trên và bạn sắp bước vào một nhà sách với những chiếc kệ cao đụng trần với hàng hàng lớp lớp sách dựng như tường lũy, làm những người đi qua đi lại như người lính chen nhau dưới giao thông hào.

Vẻ kiên cố đó không thể bảo vệ độc giả trước những du khách tò mò với những chiếc điện thoại và máy ảnh đầy đe dọa. Nên đứng một hồi, có cảm giác như những cuốn sách buồn bã vì đánh mất chức năng của chúng là được đọc chứ không phải trở thành một món trang trí trưng bày chỉ sống động trong một bức hình rồi sẽ bị lãng quên trong muôn tỷ bức hình trên mạng xã hội.

Khi chúng tôi rời khỏi trung tâm mua sắm, con mèo vẫn nằm im trước cửa. Chị Gu Gồ bảo chúng tôi quẹo trái. Vừa qua ngã ba, thoát khỏi thế giới sầm uất của bán mua là một thế giới khác, một lối nhỏ các cửa hàng đóng im lìm và mặt tiền nhanh chóng bị những người vô gia cư chiếm ngự. Họ ngủ luôn luôn, hoặc nếu thức thì ngồi yên mắt nhìn xa xăm. Họ không nói gì khi chúng tôi đi qua, xin xỏ cũng không, như thể thế gian chỉ còn là nỗi muộn phiền chán nản.

Chị Gu Gồ bảo chúng tôi quẹo phải. Thành phố lại có vẻ giống thành phố, với những cửa hàng thắp đèn cả ban ngày, cứ như trời không bao giờ đủ sáng.

Ở đây, có cảm giác trời sáng rất lâu, giơ đồng hồ lên xem đã gần bảy giờ mà trời mới về chiều một chút. Có lẽ vì thế nên chợ đêm thường mở muộn và thi thoảng đâu đó trong khuôn viên chợ, ai đó bắn pháo hoa theo một tiết độ kỳ cục, lụp bụp, đột ngột, lóe lên đôi chút rồi tắt, rồi lại lụp bụp, lụp bụp.

Mưa dữ dội hơn. Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy mình đứng trong gian hàng bán đồ uống của một chú trung niên có nụ cười hiền. Khách không đông, nhưng ông làm chậm nên dồn ứ. Trước khi đến đây chúng tôi được dặn rằng người bản xứ làm cái gì cũng từ từ từ từ (phải kéo dài những bốn lần như vậy mới diễn tả được cái từ từ của người bán trà sữa Mã Lai).

Cuối cùng, khi ông phục vụ xong khách hàng và ngưng tay thì mưa đã lớn đến mức chúng tôi không thể đi đâu được nữa. Đứng yên mà chẳng nói chẳng rằng cũng ngại, vậy là câu chuyện vãn bắt đầu. Ông mở một cuốn sổ ghi chép, nhờ chúng tôi chỉ ông nói xin chào, cảm ơn bằng tiếng Việt, hỏi tỷ giá hối đoái giữa đồng Việt Nam và ringgit (đơn vị tiền tệ của Mã Lai). Tiếng Anh bắc cầu cho chúng tôi, thứ tiếng Anh chẳng ai nghe ra đối phương nói gì nhưng lại hiểu.

Mã Lai dưới mây, nhìn từ cửa sổ máy bay. Ảnh: CTV

Mã Lai dưới mây, nhìn từ cửa sổ máy bay. Ảnh: CTV

Chúng tôi dùng thứ tiếng Anh đó suốt hành trình của mình, dường như những phụ nữ hành khất trong khu chợ đêm cũng muốn hướng đến đối tượng tiềm năng là những du khách như chúng tôi. Họ đeo khăn trùm đầu, ẵm theo một đứa bé, mấy chữ tiếng Anh trên tấm bảng họ cầm nói rằng họ là người tị nạn chiến tranh đến từ Palestine.

Chiến tranh. Trong khu chợ đêm sôi động sực nức mùi thức ăn, sặc sỡ màu trái cây nhiệt đới ở các hàng giải khát, sặc sỡ trên những bộ quần áo du khách chen chúc nhau, bỗng nhiên, người ta thấy chiến tranh, nó đi kèm một khuôn mặt đã bị nước mưa làm nhòa đi.

Cơn mưa ấy theo chúng tôi về khách sạn, kéo dài đến sáng hôm sau lúc chuẩn bị lên máy bay. Và thế là lần nữa thấy mình được sống phiêu bồng giữa những đám mây. Một bác người Việt vui tính nào đó ngồi ở băng ghế sau cứ nhắc đi nhắc lại “tai nạn máy bay bên Sing”, cái điều mà tôi đã tránh nghĩ tới suốt chuyến đi này.

Đường đột, đèn thông báo phát hiệu mọi người cài chặt dây an toàn, cơ trưởng phát loa nói với hành khách mình sắp qua vùng nhiễu động, bà con cô bác chú ý. Chưa kịp dứt lời, một tấm mền mây đã trùm lấy chúng tôi. Phi cơ rung lắc dữ dội đến nỗi áo phao cứu nạn ở băng ghế trước rơi ra, nằm dưới sàn. Mọi thứ tối sầm. Tôi nhìn qua khung cửa, hình dung một cánh buồm nâu nhấp nhô trong cơn bão.

Rồi đột ngột như lúc bắt đầu, mọi thứ bỗng yên bình trở lại.

Tôi không thích những chuyến đi xa nhà, ra nước ngoài lại càng ngán. Có lẽ một phần vì cái rườm rà của những thủ tục bay, cái bồng bềnh này đôi lúc làm tôi bất an. Bạn không biết dựa vào thứ gì cả, khi phi cơ vút lên cao và thoáng chốc màu trắng gần như chiếm ngữ toàn bộ không gian của bạn. Mây. Rất nhiều mây. Bạn đang đi trong mây, những dải mây bàng bạc như mù sương dẫu nắng rạng làm cho thứ sương mù đó rõ ràng đến nỗi bạn thoát ra khỏi cơn mơ hồ bồng bềnh. Mây đùn lại, hóa thành cồn trắng phau, tưởng chừng sẽ có một cánh buồm nâu vén mây trồi lên lướt qua khung cửa sổ máy bay.

Qua loa phóng thanh, cơ trưởng thông báo điều gì rè rè mà phải cố lắm mới nghe ra… máy bay sắp hạ cánh. Bạn vừa kết thúc một hành trình. Bạn sắp xếp lại những ký ức rời rạc của vùng đất bạn mới đến và đi.

Chúng ta đã gặp nhau chúng ta đã tới đây
Tất cả chuyện này có vẻ gì không thực (*)

Câu thơ lách tách bên tai bạn. Bạn đang bên ngoài phi trường và những con đường ẩm ướt như vừa gánh trận mưa nặng nề. Mấy vũng nước đọng thu nhiếp tòa nhà chọc trời vào lòng, cái thế giới nước sóng sánh đầy bất an làm tòa nhà lay động luôn luôn, nhòe đi mỗi khi có giọt nước còn vương trên những đám mây nhỏ xuống cầm chừng.

Huỳnh Trọng Khang

_______________

(*) Thơ Lưu Quang Vũ.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vap-may-44295.html
Zalo