Vào lớp 1 không chỉ biết đọc, biết viết

Tôi ngạc nhiên khi bọn nhỏ trong xóm chuẩn bị vào lớp 1, nhưng bố mẹ lại chưa cho đi học thêm. Không cuống cuồng bắt con đánh vật với con chữ, họ chú tâm dạy con những kỹ năng tự phục vụ khi đến trường.

 Làm quen với những nét chữ đầu đời

Làm quen với những nét chữ đầu đời

Cậu con trai thứ 2 của chị Nguyễn Thị Hà chuẩn bị vào lớp 1. Rút kinh nghiệm từ đứa lớn, chị không nhồi nhét con học chữ trước, thay vào đó, chị lên kế hoạch để bày con những điều cần phải làm khi đến trường. Chị Hà hướng dẫn con sinh hoạt có nền nếp, giờ nào việc nấy; bày con cách mặc quần áo, sắp xếp sách vở vào ba lô; cất sách vở ở đúng ngăn, kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập trước khi ra về... Cẩn thận hơn, chị còn dạy con kỹ năng giao tiếp, trò chuyện với các bạn, thầy cô và mọi người xung quanh.

Lướt facebook của bạn bè, thấy hay hay khi nhiều người không còn nặng nề chuyện học chữ trước cho con trẻ. Chị Trúc Anh kể dí dỏm về việc tối nào mình cũng phải làm “cô giáo” cho cô con gái chuẩn bị vào lớp 1. Mà “học trò” của chị lạ lắm, không học chữ, chỉ thích làm quen với bảng chữ cái, ngồi ngay ngắn và dong tay phát biểu khi muốn bày tỏ nhu cầu. Thích chơi những trò chơi để tăng khả năng tập trung cũng như sự kiên nhẫn. Rồi chị kể cho con nghe về ngôi trường mới, nơi có nhiều bạn bè; cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập…

Đồng tình với quan điểm của nhiều phụ huynh không nên cho con học chữ trước, cô Nguyễn Thị Oanh, giáo viên có thâm niên 30 năm dạy lớp 1 chia sẻ: Vào lớp 1, các con sẽ được học đọc, học viết những nét chữ đầu đời. Vì thế, nếu bố mẹ lo lắng quá mà ép con đi học trước, sẽ khiến trẻ chủ quan và không chú ý nghe cô giảng. Thậm chí, có trẻ bị ức chế về tâm lý, căng thẳng, mệt mỏi, đánh mất sự hứng thú, tìm tòi và động lực học tập của trẻ.

Nhớ lại khi cậu con trai lớn vào lớp 1, chị Hà vẫn không hết ngỡ ngàng. Tâm lý lo con không theo kịp chương trình phổ thông mới và cũng do ảnh hưởng của “trào lưu” khi thấy nhiều gia đình cho con học trước chương trình, chị Hà nhờ một giáo viên dạy lớp 1 về nhà dạy cho con. Tất nhiên mức học phí mà chị phải trả khá cao. Chưa hết, buổi tối mẹ con chị lại luyện tập viết, tập đọc, làm toán dù con có khóc lóc, mẹ có mệt mỏi. Đến khi vào năm học, con chị đã đọc thông, viết thạo nhưng cảm giác không muốn đi học khiến chị vất vả vô cùng.

Tại Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy học trước chương trình lớp 1, Bộ GD&ĐT khẳng định, dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1 vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1; ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.

Theo các chuyên gia giáo dục, chương trình giáo dục lớp 1 được thiết kế để giúp các em bước đầu làm quen với chữ viết và số học. Chương trình, sách giáo khoa mới nặng hay nhẹ là do giáo viên. Bởi các cô được giao quyền linh hoạt trong dạy học làm sao đảm bảo mục tiêu cần đạt cuối kỳ, cuối năm. Tất cả các tiết học của trẻ sẽ phải được tiến hành đầy đủ, cho dù học sinh đã biết chữ trước hay chưa. Thế nên, dù trẻ học trước hay không thì các bài học vẫn được diễn ra hoàn toàn từ đầu.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/vao-lop-1-khong-chi-biet-doc-biet-viet-142936.html
Zalo