Vành đai 3 trên cao đóng cửa để sửa chữa
Sở Xây dựng Hà Nội đã cấm toàn bộ xe lưu thông trên đường Vành đai 3 trên cao, bắt đầu từ đêm ngày 26/3 để đảm bảo an toàn giao thông và tiến hành sửa chữa.
Lực lượng chức năng đã tiến hành cấm toàn bộ phương tiện lưu thông trên tuyến đường Vành đai 3 trên cao đoạn từ Mai Dịch đến đại lộ Thăng Long vào 22h đêm ngày 26/3. Nhà thầu cũng triển khai hai mũi thi công thay thế khe co giãn.
Ông Đỗ Quang Thái, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông 135 – Liên danh sửa chữa cầu cạn Vành đai 3, cho biết: "Ban ngày từ 6h-22h sẽ phân luồng cho các phương tiện đi 1/2 mặt đường, 1/2 mặt đường còn lại sẽ dùng để thi công. Từ 22h-6h sáng hôm sau sẽ cấm toàn bộ phương tiện theo từng phân đoạn. Phân đoạn 1 từ Mai Dịch đến Đại lộ Thăng Long, phân đoạn 2 từ Đại lộ Thăng Long đến đường Nguyễn Trãi, phân đoạn 3 từ Nguyễn Trãi đến Pháp Vân và theo chiều ngược lại".
Tổng chiều dài tuyến đường cần sửa chữa dài 14km, từ Mai Dịch đến Pháp Vân, với 64 vị trí khe co giãn được thay thế. Ngoài ra, các trụ gối cầu bị xô lệch, mòn hỏng cũng sẽ được tiến hành sửa chữa. Phương án tổ chức thi công được chia thành 6 phân đoạn. Hiện tại, công trình đang triển khai thi công phân đoạn 1 từ Mai Dịch đến Đại lộ Thăng Long trong một tháng, từ nay đến ngày 27/4. Đơn vị thi công sẽ đào toàn bộ khe co giãn cũ, hư hỏng dạng ray tàu để thay thế bằng hệ thống khe co giãn hình răng lược, nhằm tạo sự an toàn, êm thuận cho các phương tiện.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, lưu lượng thực tế so với tính toán vượt rất nhiều. Sau thời gian dài khai thác, tuyến đường đã có sự xuống cấp. Để đảm bảo an toàn, cần có các vật liệu thay thế. Đây là đợt sửa chữa đường Vành đai 3 lớn nhất kể từ khi đưa vào khai thác và sử dụng.
Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trong suốt quá trình sửa chữa tuyến đường, đơn vị chủ đầu tư sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng bố trí, hướng dẫn phân luồng tại các chốt trực, lắp đặt đầy đủ biển báo, rào chắn, biển báo tốc độ. "Nhà thầu đã tiến hành cắt, đục bê tông khe co giãn cũ; vệ sinh tẩy gỉ cốt thép, lắp đặt cốt thép mới; khoan cấy neo, lắp đạt máng inox; lắp đặt khe co giãn răng lược và quét keo dính bám, hoàn trả bê tông khe co giãn mới làm bằng vữa không co ngót", ông Đỗ Quang Thái cho biết thêm.
Theo kế hoạch, việc sửa chữa sẽ diễn ra trong khoảng 6 tháng, từ nay đến tháng 9. Tuy nhiên, với mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, tiến độ thi công sẽ phụ thuộc vào tình hình thực tế triển khai. Để hạn chế tối đa tình trang ùn tắc trên tuyến giao thông huyết mạch, các đơn vị sẽ phấn đấu hoàn thành việc sửa chữa trong thời gian nhanh nhất.