Vang vọng tiếng trống Mê Linh của Hai Bà Trưng
Mùa Xuân năm Ất Tỵ 2025, cả nước kỷ niệm 1985 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Nghĩa khí từ cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc của 2 nữ anh hùng và các tướng sĩ không chỉ là niềm tự hào của người Việt mà còn gây cảm kích cho những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Hình tượng Hai Bà Trưng được sân khấu hóa tại lễ kỷ niệm ở đền Hạ Lôi - Mê Linh.
Truyền cảm hứng khát vọng hòa bình
Ngày 9-3, trong cuộc giao lưu ra mắt tiểu thuyết Bố con cá gai tại Hà Nội, nhà văn Hàn Quốc Cho Chang-in nói rằng, ông rất ấn tượng với chí khí Hai Bà Trưng. Hình tượng cuộc đời và sự nghiệp oanh liệt của hai nữ anh hùng có thể là nguồn cảm hứng cho tác phẩm tiếp theo của ông.
Nhà văn Cho Chang-in cho hay, Việt Nam là đất nước mang lại cho ông nhiều cảm xúc mà càng tìm hiểu sâu ông càng trân trọng những giá trị lịch sử, văn hóa của người Việt. Trong đó, những câu chuyện về huyền thoại Hai Bà Trưng để lại ấn tượng mạnh mẽ và gợi nguồn cảm hứng đặc biệt cho ông.
Còn nhớ, trước đây trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đề cập đến chủ quyền độc lập, tự do chia sẻ: “Đó chính là những cảm xúc bỏng cháy trong trái tim mọi nhà ái quốc và mọi dân tộc. Chủ nhà Việt Nam hiểu được cảm xúc này không chỉ từ 200 năm trước mà từ 2 ngàn năm. Đó là vào năm 40 sau Công nguyên khi Hai Bà Trưng thức tỉnh tinh thần của người dân trên đất nước này. Đó cũng là lần đầu tiên người dân Việt Nam đứng lên đòi độc lập và phẩm giá của mình”.
Trò chuyện với chúng tôi tại Liên hoan Thơ quốc tế Thượng Hải vào cuối năm 2023, một nhà thơ Ba Lan khi nói về lịch sử và văn hóa Việt Nam cũng rất cảm kích về hành động vì nghĩa lớn của Hai Bà Trưng. Hai vị nữ anh hùng còn tượng trưng cho sự bình đẳng giới từ xưa của người Việt. Hai Bà Trưng không chỉ là niềm tự hào cho nòi giống Lạc Hồng mà tiếng trống Mê Linh huyền thoại còn vang vọng thế giới, truyền cảm hứng cho những người yêu chuộng hòa bình nhân loại.
Từ thuở ấu thơ tôi hay nghe bà ngoại và má ru em bằng nhiều bài ca dao, dân ca, truyện thơ Nôm. Trong đó có bài diễn ca về Hai Bà Trưng nghe má đọc hoài tôi cũng thuộc nằm lòng. Khi được học ở nhà trường tôi mới biết đây là đoạn văn vần trong tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca do vua Tự Đức nhà Nguyễn lệnh cho Lê Ngô Cát viết bằng chữ Nôm, về sau Phạm Đình Toái biên soạn, Phan Đình Thực hiệu chỉnh và Đặng Huy Trứ in ấn. Bản chữ quốc ngữ đầu tiên của Đại Nam quốc sử diễn ca do Trương Vĩnh Ký diễn âm xuất hiện từ năm 1870.
Tôi lớn lên thời kỳ đất nước đã thống nhất. Nhiều đoàn cải lương từ Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ thường ra miền Trung biểu diễn. Tiếng trống Mê Linh là một trong những vở cải lương tôi say mê nhất. Và vở tuồng chấm dứt khi quân xâm lược nhà Hán của Thái thú Tô Định bị quân Nam anh dũng đánh đuổi ra khỏi bờ cõi và anh hùng Trưng Trắc tuyên bố: “Hãy nổi trống đồng, cho con cháu ngàn sau tiếp nối hồn thiêng giống nòi bất khuất... Đất nước Nam độc lập muôn đời!”
Phát biểu khai mạc tại Lễ kỷ niệm 1985 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở đền Hạ Lôi vào ngày 3-2 vừa qua, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, trong những nhân tài đất Việt, hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc, đã nêu tấm gương oanh liệt, là niềm tự hào của phụ nữ và nhân dân Việt Nam. Đây là cuộc khởi nghĩa tập hợp rất nhiều nữ tướng từ khắp mọi miền, quyết tâm, đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm giành lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân.
Linh thiêng những ngôi đền thờ Hai Bà Trưng
Hai Bà Trưng là tên chỉ chung hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị. Theo truyền thuyết, quê nội của Hai Bà ở làng Hạ Lôi, nay thuộc huyện Mê Linh còn quê ngoại ở làng Nam Nguyễn, nay thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng khởi đầu mùa Xuân tháng 3 năm Canh Tý - 40, nhận được sự hưởng ứng của quân dân khắp các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố. Thái thú Tô Định thua bỏ chạy. Đất nước độc lập. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, hay còn gọi là Trưng Vương cùng em Trưng Nhị cai quản Lĩnh Nam, chọn Mê Linh đóng đô.
Hiện, trên cả nước có hơn 100 địa điểm thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh thuộc quyền. Trong đó, Hà Nội là nơi tập trung nhiều nơi thờ phụng Hai Bà Trưng, mà lớn nhất là ba ngôi đền thiêng ở Đồng Nhân, Hát Môn - Phúc Thọ và Hạ Lôi - Mê Linh. Đền Hát Môn là Di tích Quốc gia đặc biệt, có không gian đẹp, rộng thoáng, nằm trong khu đất phong thủy “long chầu hổ phục”. Hàng năm, theo âm lịch, Lễ hội đền Hát Môn được tổ chức vào các ngày: mùng 6-3, 4-9 và ngày 24 tháng Chạp với nhiều nét riêng độc đáo qua từng năm.
Tương truyền, sau khi Hai Bà Trưng nhảy xuống sông Hát Giang tự vẫn và hóa thành tảng đá trắng trôi về bến bãi Đồng Nhân của sông Hồng, nhân dân đã dùng vải đỏ rước tượng Trưng Trắc và Trưng Nhị về thờ phụng. Năm 1142, vua Lý Anh Tông truyền lập đền thờ Hai Bà Trưng ngay tại bờ sông. Đến năm 1819, do bến sông sạt lở, đền thờ Hai Bà Trưng được chuyển vào khu Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương. Hiện nay tại đây hình thành Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng.
Mùa Xuân năm Ất Tỵ 2025, tại đền Đồng Nhân đã diễn ra Lễ kỷ niệm 1985 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và công bố quyết định ghi danh Lễ hội đền Hai Bà Trưng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 5-3. Trước đó, tại đền thờ Hai Bà Trưng ở quê hương làng Hạ Lôi, huyện Mê Linh cũng đã diễn ra Lễ rước vua Bà và kỷ niệm 1985 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khai hội đền Hai Bà Trưng trong 3 ngày xuân.