Vàng, USD, tiền ảo quay cuồng vì thương chiến
Thị trường tài chính toàn cầu biến động chóng mặt với diễn biến của thương chiến thời Trump 2.0, kéo theo các kênh đầu tư trong nước cũng xoay chuyển chóng mặt là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.
Tuần qua, thị trường vàng trong nước biến động mạnh do tác động bởi giá vàng thế giới và diễn biến bởi cầu vàng ngày Thần Tài trong nước.
Cụ thể, trong 3 ngày đầu tiên mở cửa sau Tết Nguyên đán, giá vàng trong nước đã tăng 3 triệu đồng/lượng, chênh lệch mua - bán được đẩy lên 3 triệu đồng/lượng khi nhà vàng tăng giá bán ra nhưng giảm giá mua vào để phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, vào ngày 9-10 tháng giêng, giá vàng giảm nhanh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến cáo, người dân mua vàng dịp này chỉ mua ít để “lấy may”, do giá vàng trước ngày Thần Tài bị đẩy lên cao.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư MayBank Investment Bank, nếu mua ít vàng để lấy may ngày Thần Tài, thì giá cao hay thấp không phải là vấn đề. Còn nếu mua đầu tư thì nhà đầu tư nên tránh dịp này vì rất dễ bị lỗ. Thực tế nhiều năm qua, giá vàng thường giảm mạnh sau ngày Thần Tài.
Sau khi tăng kỷ lục vào năm 2024, dự báo giá vàng sẽ tiếp tục lập đỉnh mới vào năm 2025, thậm chí nhiều chuyên gia phân tích quốc tế dự đoán, giá vàng có thể lên tới 3.000 USD/ounce.
Năm 2024, cầu vàng thế giới tăng chưa từng có, cả giá và khối lượng giao dịch đều đạt mức kỷ lục (gần 5.000 tấn, giá trị 382 tỷ USD). Đặc biệt, các ngân hàng trung ương tiếp tục là động lực tăng trưởng của thị trường khi mua vượt 1.000 tấn trong năm thứ ba liên tiếp. Các quỹ ETF vàng cũng hồi sinh từ cuối năm 2024 sau nhiều năm gần như xa rời kênh đầu tư này.
Bà Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng thế giới kỳ vọng, năm 2025, các ngân hàng trung ương tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và các nhà đầu tư ETF vàng sẽ tích cực tham gia thị trường vàng, nhất là khi lãi suất giảm, song vẫn có sự biến động.
“Bất ổn về địa chính trị và kinh tế vĩ mô có thể là những tình huống xảy ra thường xuyên trong năm nay và làm tăng nhu cầu về vàng như một tài sản lưu trữ của cải và phòng ngừa rủi ro”, bà Louise Street nhận định.
Theo ông Phan Dũng Khánh, có nhiều yếu tố hỗ trợ vàng tăng giá nửa đầu năm nay. Đầu tiên là bóng ma chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn. Nếu thương chiến gia tăng và lan rộng, nhà đầu tư sẽ tránh xa các tài sản rủi ro, trú ẩn vào vàng. Tuy vậy, mức tăng giá vàng sẽ không mạnh như năm 2024, một phần do USD mạnh lên, khiến vàng đắt đỏ hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2025, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thận trọng hơn với quyết định giảm lãi suất, khiến USD bị neo ở mức giá cao khiến đà tăng của giá vàng bị hạn chế.
Dù vậy, ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc), kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng thế giới nhận định, thực tế năm 2024, mối quan hệ giữa vàng - lãi suất - USD không còn mạnh như trước. Nhiều nhà đầu tư trên thế giới mua vàng bởi những lý do không hề liên quan đến lãi suất hay giá trị USD.
Đơn cử, nửa đầu năm 2024, nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong thúc đẩy nhu cầu vàng. Nhóm nhà đầu tư này lao vào mua vàng vì các loại tài sản khác ở Trung Quốc (bất động sản, chứng khoán…) kém hiệu quả, không liên quan đến USD.
“Hay như lực cầu của nhóm ngân hàng trung ương. Các ngân hàng trung ương mua vàng vì nhiều lý do, gồm rủi ro địa chính trị và mong muốn quản lý rủi ro trong danh mục đầu tư của họ, chứ không xuất phát từ lãi suất của Mỹ hay sự tăng giảm của USD”, ông Shaokai Fan cho biết.
Với tình hình này, các chuyên gia nhận định, ngay cả khi USD duy trì mức giá “đỉnh” năm 2025, thì cầu vàng vẫn sẽ tăng mạnh, chủ yếu do kinh tế địa chính trị vẫn biến động mạnh. Theo đó, các tổ chức, cá nhân và ngân hàng trung ương tiếp tục mua vàng như “tấm đệm” dự phòng rủi ro.
Hội đồng Vàng Thế giới: Bất ổn sẽ làm tăng nhu cầu vàng năm nay
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, sự bất ổn về địa chính trị và kinh tế vĩ mô có thể sẽ xảy ra thường xuyên trong trong năm nay, thúc đẩy nhu cầu về vàng như một tài sản lưu trữ, phòng ngừa rủi ro.
Báo cáo về Xu hướng Nhu cầu Vàng trong quý 4 và cả năm 2024 của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho thấy tổng nhu cầu vàng hàng năm (bao gồm cả giao dịch trên thị trường phi tập trung) đạt mức cao kỷ lục mới là 4.974 tấn, do nhu cầu đầu tư tăng cùng với hoạt động mua vào mạnh mẽ và liên tục của khối ngân hàng trung ương. Sự kết hợp giữa giá vàng cao kỷ lục và khối lượng giao dịch đã làm tổng giá trị nhu cầu vàng đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 382 tỷ USD.
Các ngân hàng trung ương đã liên tục mua vàng với tốc độ nhanh trong năm 2024, với số lượng mua vượt 1.000 tấn trong năm thứ ba liên tiếp. Hoạt động mua vào tăng đáng kể trong quý 4, đạt 333 tấn và nâng tổng lượng mua vào hàng năm của các ngân hàng trung ương lên 1.045 tấn.
Nhu cầu đầu tư vàng trên toàn cầu tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023 lên 1.180 tấn - mức cao nhất trong 4 năm - do sự hồi sinh nhu cầu của quỹ hoán đổi danh mục vàng (ETF) trong nửa cuối năm 2024. Các quỹ ETF toàn cầu đã nắm giữ thêm 19 tấn vàng trong quý 4 năm 2024, đánh dấu hai quý liên tiếp có dòng tiền chảy vào vàng. Nhu cầu về vàng miếng và vàng xu duy trì ở mức tương đương với khối lượng năm 2023, đạt 1.186 tấn trong năm 2024.
Trong năm 2024, các thị trường trong khu vực ASEAN chứng kiến sự tăng trưởng về nhu cầu đầu tư vàng hàng năm.
Trong quý IV/2024, Việt Nam đi ngược lại xu hướng của khu vực với mức giảm 14% so với cùng kỳ năm 2023, sự thiếu hụt nguồn cung đã hạn chế khả năng mua vàng miếng của các nhà đầu tư và dẫn đến mức chênh lệch giá cao hơn. Trong bối cảnh này, một số nhà đầu tư đã chuyển sang mua vàng nhẫn. Mặc dù vàng nhẫn được xếp vào vàng trang sức nhưng những chiếc nhẫn vàng trơn này thường được sử dụng làm tài sản đầu tư.
Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới nhận định: “Sức mạnh của giá vàng đã tác động đến nhu cầu trang sức năm 2024. Bức tranh quý 4 cũng tương tự: nhu cầu vàng toàn cầu giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, giảm xuống mức thấp trong quý IV trong vòng 4 năm, trong khi giá trị đạt mức cao kỷ lục mới là 47 tỷ USD”,
"Chúng tôi không ngạc nhiên khi giá vàng tăng cao đã làm giảm nhu cầu về vàng trang sức, với mức tiêu thụ hàng năm giảm 11% xuống còn 1.877 tấn. Trong bối cảnh giá vàng tăng cao kỷ lục, sự sụt giảm này chủ yếu do nhu cầu yếu đi ở Trung Quốc (giảm 28% so với cùng kỳ năm 2023), trong khi nhu cầu về vàng trang sức ở Ấn Độ vẫn ổn định, chỉ giảm 2% trong năm 2024", ông Shaokai Fan nói.
Giá vàng cao là trở ngại lớn đối với ngành trang sức trên khắp các thị trường ASEAN, đặc biệt là ở Việt Nam. Việt Nam chứng kiến mức giảm theo năm và trong quý IV đều là 15%, do ảnh hưởng của giá vàng cao, sự hạn chế trong chi tiêu và sự trấn áp của chính phủ đối với hành vi trốn thuế.
Ngành công nghệ đã chứng kiến mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ quý IV/2021 với nhu cầu vàng lên tới 84 tấn. Sự gia tăng nhẹ trong sử dụng vàng ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và điện tử đã đóng góp vào mức tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức 326 tấn.
Tổng nguồn cung vàng tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023, đạt mức cao kỷ lục mới là 4.794 tấn. Sự tăng trưởng cả trong hoạt động sản xuất khai thác mỏ và tái chế đã góp phần làm tăng tổng nguồn cung vàng.
Bà Louise Street, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Hội đồng Vàng Thế giới, kỳ vọng, năm 2025, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo và các nhà đầu tư ETF vàng sẽ tích cực tham gia vào thị trường vàng, nhất là khi lãi suất giảm, nhưng vẫn có sự biến động.
“Sự bất ổn về địa chính trị và kinh tế vĩ mô có thể sẽ là những tình huống xảy ra thường xuyên trong trong năm nay, và làm tăng nhu cầu về vàng như một tài sản lưu trữ của cải và phòng ngừa rủi ro”, bà Louise Street nhận định.
Bitcoin lại đánh rơi mốc 100.000 USD, nhà đầu tư giảm kỳ vọng Fed hạ lãi suất
Sáng nay, USD hạ nhiệt, đa phần nhà đầu tư không kỳ vọng Fed giảm lãi suất trong phiên họp chính sách tháng tới. Trong khi đó, thị trường tiền ảo liên tục đảo chiều, tái chinh phục mốc 100.000 USD/BTC sau đó để mất mốc giá này.
Sáng nay (4/2/2025), chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm so với cập nhật đầu giờ sáng qua, hiện ở mức 108,5 điểm, giảm 0,7% so với hôm qua.
USD giảm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tạm dừng áp thuế quan mới đối với Mexico và Canada sau khi hai bên đạt thỏa thuận siết hoạt động buôn lậu và nhập cư với hai nước này.
Trước đó, trong phiên hôm qua, đồng bạc xanh tăng mạnh sau khi Tổng thống Hoa Kỳ (US) Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với Canada và Mexico, và 10% đối với Trung Quốc. USD Index phiên hôm qua có lúc lên tới 109,88 điểm, mức cao nhất 3 tuần.
Dù thuế quan mới được tạm hoãn, song bóng ma thương chiến vẫn khiến thị trường hạ thấp kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất. Hiện tỷ lệ đặt cược về khả năng Fed giảm lãi suất 0,25% chỉ là 13,5% trong khi có tới 86,5% nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất. Một tháng trước, tỷ lệ đặt cược giữa hai khả năng này ở mức khá cân bằng.
Phiên họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19/3 tới.
Theo các chuyên gia phân tích, dù tâm lý rủi ro đã cải thiện đáng kể sau thông báo tạm hoãn thuế quan của Mỹ song những lo ngại về thương mại có thể bắt đầu đè nặng lên thị trường một lần nữa nếu không có dấu hiệu rõ ràng nào về tiến triển trong một thỏa thuận lâu dài vào cuối tháng này.
Trước mắt, quyết định tạm hoãn áp dụng mức thuế quan mới với Mexico và Canada không chỉ giúp peso Mexico, đô la Canada và nhân dân tệ tăng giá trở lại mà còn khiến thị trường tiền ảo xoay chuyển chóng mặt.
Trong phiên giao dịch hôm nay, bitcoin đã có lúc vượt 102.00 USD/BTC, tăng 12% so với mức thấp nhất ngày hôm qua. Tuy nhiên, kết thúc sáng nay, bitcoin lại để mất mốc 100.000 USD/BTC và hiện đang giao dịch quanh mốc 99.000 USD/BTC.
Trong phiên hôm qua, nhiều đồng tiền điện tử trong top 30 tiền điện tử có giá trị vốn hóa lớn nhất đã mất 15-20% giá trị chỉ trong vòng 24h. Bitcoin đã lùi về mức thấp nhất ba tuần, chỉ còn hơn 91.000 USD/BTC do nhà đầu tư lo ngại về rủi ro chiến tranh thương mại.
Trong phiên "đổ máu" của thị trường tiền ảo hôm qua, ước tính, hàng tỷ USD đã được thanh lý. Dù vậy, cũng không ít nhà đầu tư đã mua vào.
Thị trường TPDN: Ngân hàng áp đảo lượng phát hành, doanh nghiệp phi tài chính đua mua lại trước hạn
Tất cả 100% đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp tháng 1/2025 (tính tới ngày công bố thông tin 24/1/2025) đều thuộc về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành phi tài chính chạy đua mua lại trước hạn.
Theo dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, tính đến ngày công bố thông tin 24/01/2025, chỉ có 4 đợt phát hành TPDN ra công chúng trong tháng 1 năm 2025 được ghi nhận với tổng giá trị đạt 5,554 tỷ đồng.
Toàn bộ khối lượng phát hành này thuộc về lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán (chứng khoán chỉ có 300 tỷ đồng, còn lại là thuộc lĩnh vực ngân hàng). Trong đó, Vietinbank phát hành lớn nhất với khối lượng lên tới 4.000 tỷ đồng.
Không chỉ không huy động được vốn qua kênh trái phiếu mà từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp ngành phi tài chính, đặc biệt là năng lượng và bất động sản đang phải chật vật tìm cách mua lại trái phiếu trước hạn.
Mới đây, Công ty Cổ phần Điện Mặt trời Trung Nam vừa công bố Nghị quyết Hội nghị người sở hữu trái phiếu của doanh nghiệp. Theo đó, Nghị quyết đã thông qua thay đổi điều khoản mua lại trước hạn 12 lô trái phiếu do công ty phát hành từ năm 2019 với tổng giá trị 2.100 tỷ đồng, dư nợ còn lại đang là 1.800 tỷ đồng.
Năm 2025, Điện Mặt trời Trung Nam lên kế thực hiện 4 đợt mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 29/1/2025, 29/4/2025, 29/7/2025 và 29/10/2025 với tổng giá trị mua lại là 40 tỷ đồng. Còn lại 1.760 tỷ đồng trái phiếu sẽ được thực hiện mua lại như sau: mua 660 tỷ đồng vào ngày 29/1/2026, 550 tỷ đồng vào ngày 29/1/2027 và 550 tỷ đồng vào ngày 29/1/2028.
Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã ck: NVL) cũng vừa tiếp tục hoàn tất việc mua lại trước hạn 15 gói trái phiếu phát hành từ năm 2020 (trái phiếu NVL2020) với tổng giá trị 5.110 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 06/1/2025, Novaland cũng đã mua lại trước hạn 5 gói trái phiếu NVL2020, trị giá 1.550 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm đầu tháng 2/2025, Novaland đã mua lại tổng cộng 20 lô trái phiếu với giá trị 6.660 tỷ đồng, trong tổng số 21 lô trái phiếu theo kế hoạch công bố trước đó.
Trước đó, từ cuối tháng 12/2024 tới nay, một loạt doanh nghiệp bất động sản như Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty Cổ phần Bất động sản HT Land (HT Land), Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát… cũng tích cực mua lại trước hạn trái phiếu.
Trong tháng 1/2024, khối lượng mua lại trước hạn TPDN của các doanh nghiệp còn lớn hơn lượng TPDN phát hành mới. Tổng gái trị TPDN mua lại trước hạn trong tháng 1/2025 là 5.661 tỷ đồng.
Theo thống kê của VIS Rating, có 22% trái phiếu đáo hạn trong tháng 1/2025 có nguy cơ chậm trả nợ gốc (2/9 trái phiếu đáo hạn, đều thuộc nhóm ngành bất động sản Nhà ở).
Cả năm 2025 có khoảng 110.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản nhà ở đáo hạn trong đó có 31.000 tỷ đồng chậm trả gốc lãi trước đó. Những trái phiếu này đã chậm trả lãi hoặc chậm trả nợ gốc trước khi gia hạn đến năm 2025.
Trong 224.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn năm 2025, ước tính 17% trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro chậm trả nợ gốc, 94% giá trị trái phiếu rủi ro này đến từ nhóm bất động sản nhà ở và du lịch, nghỉ dưỡng.
Năm 2024, tỷ lệ nợ chậm trả trái phiếu là 14,5%. Nhóm Năng lượng có tỷ lệ chậm trả cao nhất ở mức 43%, trong khi nhóm bất động sản Nhà ở chiếm 62% tổng lượng trái phiếu chậm trả.
Báo cáo của VIS Rating cho thấy, có 19% số tổ chức phát hành phát hành trái phiếu trong tháng 12/2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức ‘Dưới trung bình’ hoặc yếu hơn, hầu hết đều thuộc nhóm phi tài chính.
Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, từ nay đến cuối năm 2025, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 203,405 tỷ đồng. 56.6% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 115,169 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 41,166 tỷ đồng (chiếm 20.2%).
Trước đó, trong năm 2024, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 466.518 tỷ đồng với 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32.914 tỷ đồng (chiếm 7.1% tổng giá trị phát hành) và 451 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 433.604 tỷ đồng (chiếm 92.9% tổng số). Tổng giá trị mua lại TPDN trước hạn năm 2025 là 218.099 tỷ đồng, giảm 13.1% so với năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 73.9% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 161.225 tỷ đồng).
Ngân hàng Nhà nước hút ròng trở lại sau tháng bơm ròng mạnh trước Tết
Trong phiên giao dịch đóng cửa tuần qua (7/2), trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hút ròng 9.581,1 tỷ đồng. Trước Tết nguyên đán, trong tháng 1/2025, NHNN bơm ròng với quy mô gấp 5 lần tháng trước đó.
Trên kênh cầm cố, trong phiên giao dịch cuối tuần qua (7/2), NHNN hút ròng 9.581,1 tỷ đồng, đây là phiên hút ròng thứ hai của NHNN tuần qua. Như vậy, trong tuần đầu tiên làm việc sau Tết nguyên đán, NHNN chỉ còn bơm ròng 34.310 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 1/2025, NHNN bơm ròng mạnh ra thị trường để hỗ trợ thanh khoản.
Theo thống kê của Công ty chứng khoán MBS, trong tháng 1/2025, NHNN đã phát hành gần 162.500 tỷ đồng tín phiếu, với lãi su 4%, kỳ hạn 7 - 14 ngày. Cùng với đó, NHNN cũng bơm khoảng 233.600 tỷ đồng qua kênh OMO, với mức lãi suất 4% và kỳ hạn 7, 14 và 21 ngày.
Tổng cộng, trong tháng 1/2025, NHNN đã bơm ròng khoảng 67.500 tỷ đồng ra thị trường, tăng hơn 5 lần so với tháng trước trong bối cảnh áp lực tỷ giá giảm và nhu cầu chi tiêu của người dân trong dịp Tết tăng cao khiến áp lực thanh khoản gia tăng.
Hiện lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức 4,5%. Trước Tết nguyên đán, lãi suất cho vay qua đêm duy trì ở mức 4.6%.
Trên thị trường dân cư, lãi suất huy động diễn biến trái phiều, tổng thể vẫn giữ ổn định. Cụ thể, trong tháng 1/2024 có 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động với mức tăng từ 0.1% - 0.9%/năm. Xu hướng tăng lãi suất huy động diễn ra chủ yếu ở các NHTM quy mô nhỏ khi các nhà băng đang chuẩn bị nguồn vốn lớn để phục vụ cho kế hoạch tín dụng trong năm nay.
NHNN mới đây đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% nhằm đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025. Do đó các ngân hàng cần tập trung thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như huy động vốn ngay từ đầu năm để đạt được mục tiêu đề ra.
Tuy vậy, trong tháng 1 cũng có tới 7 ngân hàng giảm lãi suất đầu vào với mức giảm khá đáng kể khi giảm từ 0.1% - 0.75%/năm.
“Đến cuối tháng 1, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm NHTM duy trì ở mức 5.1% - không thay đổi so với tháng trước. Trong khi đó, lãi suất của các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 4.7%. Chúng tôi dự báo lãi suất đầu vào duy trì ở mức 5% - 5,2%/năm trong năm 2025”, chuyên viên phân tích chứng khoán MBS dự báo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ bị hạn chế hơn so với dự kiến dưới áp lực của đồng USD mạnh lên và rủi ro về việc Mỹ tiếp tục thực hiện các cuộc điều tra về thao túng tiền tệ. Trong kịch bản đó, NHNN có thể sẽ cần áp dụng một lập trường chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiểm soát sự ổn định của tỷ giá, đồng nghĩa với việc dư địa cho việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ có thể bị hạn chế.
Nhiều khả năng, sẽ không có bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất chính sách nào trong năm 2025.
Cùng với đó, sự phục hồi của hoạt động sản xuất và việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ là yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, qua đó sẽ gia tăng áp lực lên lãi suất đầu vào.
Hiện tại, USD đã hạ nhiệt đáng kể sau khi Mỹ tạm hoãn áp dụng mức thuế quan mới với Mexico và Canada. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá vẫn cần được chú ý trong thời gian tới. Các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới của Mỹ, các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực, lượng vốn FDI giải ngân dồi dào và du lịch phục hồi mạnh mẽ…
Ngoài ra, sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% năm 2025
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% và nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/2, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, mức tăng trưởng trên 8% hướng đến 10% của năm 2025 là con số rất ấn tượng mà Chính phủ đặt ra và để có được mức tăng trưởng kinh tế 8% thì đòi hỏi rất nhiều chính sách cũng như giải pháp đồng bộ tất cả các lĩnh vực.
"Muốn có tăng trưởng thì phải có đầu tư, mà muốn đầu tư thì phải có vốn để bảo đảm phát triển. Năm 2023, GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình hơn 2% tăng trưởng tín dụng sẽ giúp tăng trưởng 1% tăng trưởng GDP", Phó thống đốc phân tích và cho biết, năm 2025, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% và nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%.
"Vấn đề làm sao phải có đủ vốn phục vụ tăng trưởng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các kênh huy động vốn trung, dài hạn như chứng khoán, trái phiếu vẫn còn những vấn đề cần củng cố. Trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025", Phó thống đốc lưu ý.
Theo ông Tú, để đạt được con số tương đồng với mức tăng trưởng này, việc điều hành chính sách tiền tệ NHNN sẽ thực hiện trước hết quan điểm vẫn phải là làm sao đạt mục tiêu, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền; hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng nền kinh tế và đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế. Với quan điểm cũng như mục tiêu đó cùng với những kinh nghiệm, bài học trước đây, điều hành chính sách tiền tệ năm nay tiếp tục linh hoạt, chặt chẽ và phù hợp với chính sách tài khóa cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác như chính sách xuất nhập khẩu, chính sách thương mại…
Cụ thể hơn, phải bảo đảm thành quả cho nền kinh tế, cho các nhà thương mại. Các thành quả này chính là đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh vốn huy động, vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế từ doanh nghiệp, người dân và có chính sách lãi suất hợp lý để huy động vốn này.
Trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu thì NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành của mình trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.
Tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để đảm bảo phù hợp với lãi suất chung của nền kinh tế cũng như phù hợp với các yêu cầu khác trong quan hệ vĩ mô của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm các chi phí của mình, ứng dụng công nghệ giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân.
Trong điều hành hạn mức tín dụng, ông Tú cho biết, NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng 16% nhưng cũng có thể cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép, và đạt mục tiêu tăng trưởng. Phương thức điều hành quản lý hạn mức này đã có đổi mới trong năm 2024 và tiếp tục đổi mới và tạo thuận lợi, chủ động cho các ngân hàng thương mại trong năm 2025. "Nếu cho vay tích cực, đúng đối tượng và phát huy được nguồn vốn cũng như bảo đảm được an toàn, lành mạnh của Ngân hàng thì việc chủ động được nâng cao. NHNN sẽ kiểm soát cũng như đảm bảo tổng thể mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế", ông Tú khẳng định.
Bên cạnh đó, điều hành tỷ giá của thị trường ngoại tệ cũng tiếp tục hóa giải những tác động của thế giới để duy trì một thị trường ngoại tệ ổn định. Ngay từ đầu năm, mặc dù đã có tác động không tích cực đối với nền kinh tế, đối với ngoại tệ nhưng NHNN đã chủ động điều hành. Từ giữa tháng 1 đến nay, hầu như thị trường trở lại trạng thái rất tích cực trên cơ sở ngoại hối, kiều hối, dòng tiền xuất nhập khẩu, và điều đó tạo điều kiện cho thị trường tiền tệ. NHNN cũng sử dụng các biện pháp can thiệp khi cần thiết để đảm bảo được quan hệ ngoại tệ một cách tích cực và đảm bảo tỷ giá ở mức hợp lý, tránh tâm lý găm giữ cũng như đối phó.
Phó thống đốc cũng cho biết NHNN sẽ tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ để giảm bớt chi phí hỗ trợ cho doanh nghiệp, tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp khó khăn trong bão số 3 (bão Yagi), các chính sách tín dụng ưu đãi khác, lãi suất thấp sẽ được triển khai tích cực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...