Vàng thật - giả lẫn lộn trên chợ mạng, người dân cẩn trọng

Giá vàng neo cao, người dân không dễ mua vàng tại các cửa hàng, nên đã tìm tới chợ mạng. Tuy nhiên, lại nhận 'trái đắng' khi mua phải vàng giả.

Vàng - thau lẫn lộn

Sáng nay (24/2), giá vàng trong nước neo cao ở mức trên 91 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Phú Quý… niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 89,5 - 91,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá vàng nhẫn được nhiều doanh nghiệp niêm yết cao hơn vàng miếng. Theo đó, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn 90,6 - 92,2 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Giá vàng nhẫn tại Phú Quý niêm yết 90,4 - 91,9 triệu đồng/lượng.

Thời gian gần đây, giá vàng liên tục tăng khiến người dân đổ xô mua tích trữ. Nhiều thời điểm trên thị trường, các cửa hàng đều khan hiếm vàng và bán ra với số lượng hạn chế. Do không dễ mua được vàng tại các cửa hàng, không ít khách hàng có nhu cầu tìm tới chợ mạng để mua, bán vàng trao tay.

Anh Tuấn Anh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, gia đình cần mua 3 chỉ vàng làm quà cưới cho con, nhưng đã đi hết 4 tiệm vàng trên đường Cầu Giấy đều nhận được câu trả lời “hết vàng”. Cuối cùng, vì không để lỡ cơ hội mua vàng, anh chấp nhận mua 3 chỉ vàng nhẫn từ một người bán trên facebook với giá 9,2 triệu đồng/chỉ, cao hơn giá niêm yết 200.000 đồng/chỉ. “Giá hơi cao nhưng tôi cần mua để tặng cho con nên đành chịu” -anh Tuấn Anh nói.

Ghi nhận của Báo Công Thương, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện rất nhiều nhóm kín lẫn công khai về trao đổi, sang tay vàng miếng, vàng nhẫn. Qua tìm hiểu, các nhóm này hoạt động khá nhộn nhịp, trạng thái đăng tải mua - bán vàng đa dạng và liên tục nhận được bình luận của các thành viên.

Vàng thật-giả lẫn lộn trên chợ mạng, người dân cẩn trọng

Vàng thật-giả lẫn lộn trên chợ mạng, người dân cẩn trọng

Tại nhóm “Mua bán, giao dịch vàng miếng SJC” trên mạng xã hội Facebook với hơn 19.600 thành viên, thông tin liên quan đến việc mua - bán trao đổi vàng nhận được nhiều tương tác. Một tài khoản ẩn danh đã đăng tải trạng thái: “Em cần ít hàng 91.3 ai cần bán thì ib nhé. Em ở HN”, ngay lập tức có những bình luận phản hồi như: “Nhắn tin riêng nhé, cần hàng là sẽ có”, “giao dịch trực tiếp, uy tín 100%”...

Dù có thể mua dễ dàng được vàng nhưng giao dịch trên các hội nhóm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Mới đây, trên các hội nhóm mua - bán vàng đồng loạt chia sẻ câu chuyện giao dịch vàng trong nhóm trên Facebook của một tài khoản của khách hàng tại Bắc Ninh bị lừa mua phải vàng giả.

Cụ thể, người này đã mua lại vỉ vàng nhẫn tròn trơn có trọng lượng 1 chỉ, loại Vàng Rồng Thăng Long của thương hiệu Bảo Tín Minh Châu. Người này giao dịch với người bán, với giá rẻ hơn thị trường 70.000 đồng/chỉ song không nhận bất kỳ giấy tờ đảm bảo nào.

Khi người này đến bán vỉ nhẫn tại một tiệm vàng ở Bắc Ninh, chủ tiệm vàng cho biết, đây là vàng giả với thủ đoạn tinh vi. Cụ thể là làm giả tem mác, vỏ vỉ, chất liệu. Khi người mua liên hệ lại người bán liền bị phủi bỏ trách nhiệm.

Sản phẩm vàng giả được rao bán trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Sản phẩm vàng giả được rao bán trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, phía Bảo Tín Minh Châu cho biết, đã nắm được vụ việc diễn ra và khẳng định vỉ vàng vị khách hàng Bắc Ninh đã mua là hàng giả, không phải vàng thật. Đơn vị này cho rằng, sự vụ này không chỉ gây thiệt hại kinh tế, tinh thần cho người mua mà còn vi phạm pháp luật, vi phạm quyền kinh doanh sản phẩm, uy tín thương hiệu.

Chia sẻ về cách phân biệt vàng thật và vàng giả, đại diện Bảo Tín Minh Châu cho hay: “Các sản phẩm vàng bạc, đá quý của Bảo Tín Minh Châu trên vỉ vàng và sản phẩm đều có thông tin ký hiệu, mỹ hiệu riêng. Lớp vỏ plastic trơn được dập chữ Công ty Bảo Tín Minh Châu, màu của vàng sẽ là màu vàng óng, khi cân lên sẽ được 1,3 chỉ (tính cả vỏ). Sản phẩm có tem chống giả và mã vạch chứa thông tin để kiểm soát nguồn gốc, chất liệu”.

Người tiêu dùng cẩn trọng khi giao dịch

Đại diện Bảo Tín Minh Châu cho biết thêm, không chỉ lừa bán vàng giả trên các hội nhóm, hiện nay, trên không gian mạng còn xuất hiện tình trạng rất nhiều trang Facebook và website đã giả mạo thương hiệu này nhằm lợi dụng lòng tin của khách hàng để trục lợi bất chính.

Giá vàng neo cao, giao dịch vàng lại sôi động

Giá vàng neo cao, giao dịch vàng lại sôi động

Không chỉ diễn ra trên không gian mạng, tình trạng giao dịch vàng trao tay ngay tại cửa các tiệm vàng lớn cũng trở thành vấn đề đáng lo ngại. Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương tại phố vàng Trần Nhân Tông (Hà Nội), một số người đứng chào mời khách hàng ngay bên ngoài các cửa hàng lớn, đề nghị mua bán vàng với giá chênh lệch nhằm kiếm lời.

“Để tránh rủi ro khi mua bán vàng, khách hàng nên đến trực tiếp các cơ sở kinh doanh uy tín để được mua đúng, đủ; được kiểm tra tiền, vàng trong khi giao dịch; đặc biệt là được cấp giấy tờ có chữ ký, đóng dấu khi mua bán” - Bảo Tín Minh Châu khuyến cáo.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những giao dịch ngoài luồng này tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi người mua không thể xác minh nguồn gốc vàng, không có giấy tờ đảm bảo và dễ gặp phải vàng giả, vàng pha tạp. Một số trường hợp còn bị tráo đổi vàng kém chất lượng khi giao dịch vội vàng ngay trên vỉa hè.

Vàng giả được làm nhái gần giống vàng thật của Bảo Tín Minh Châu. Ảnh chụp màn hình

Vàng giả được làm nhái gần giống vàng thật của Bảo Tín Minh Châu. Ảnh chụp màn hình

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia về tài chính - ngân hàng cho hay, người dân có nhu cầu mà không mua được vàng đã dần dần hình thành thị trường “chợ đen”, buôn bán ngầm xảy ra giữa các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, theo quy định, người dân chỉ được phép giao dịch ở những điểm mua bán vàng được Nhà nước cấp giấy phép mua - bán vàng. Ông cảnh báo rằng, việc mua bán vàng trên những kênh không chính thống tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn đối với nhà đầu tư.

“Việc mua vàng từ các nguồn không rõ ràng có nguy cơ cao về hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời đặt người mua vào tình huống pháp lý phức tạp nếu giao dịch không tuân thủ quy định. Do đó, các nhà đầu tư và người tiêu dùng cần lựa chọn những cơ sở kinh doanh vàng uy tín, có chứng nhận rõ ràng để đảm bảo quyền lợi và tài sản của mình” - vị chuyên gia khuyến cáo.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) - cho hay, hiện nay, việc kinh doanh vàng cần phải có giấy phép và đáp ứng những điều kiện khắt khe. Các cửa hàng kinh doanh vàng không có giấy phép mua bán vàng nếu phát hiện ra sẽ bị xử lý rất nặng nhưng vẫn bất chấp làm vì lợi nhuận và biến động giá tăng mạnh.

Hoạt động này có nét tương đồng với việc mua bán trái phép USD, vì vậy họ làm chui mà không dám công khai, minh bạch. Ngoài người bán, người mua sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn như việc có thể bị tịch thu toàn bộ số vàng hay xử phạt nặng nếu bị phát hiện.

“Các nhà buôn vàng không được cấp phép thường tạo ra các mức giá chênh lệch để người dân cảm thấy có lợi khi mua vàng miếng tại các cơ sở này. Nhưng thực tế, việc mua bán vàng bên ngoài như vậy ẩn chứa không ít rủi ro, thiếu an toàn, tưởng lãi mà hóa lỗ. Đặc biệt, nếu không cẩn thận có thể mua - bán phải vàng giả, vàng nhái, vàng kém chất lượng” - ông Long nhấn mạnh.

Hiện, cả nước có 22 ngân hàng thương mại và 16 doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Các doanh nghiệp vàng trang sức mỹ nghệ không được cấp phép nhưng vẫn giao dịch vàng miếng với người dân, hoặc người dân tự mua bán với nhau là trái quy định. Các giao dịch này sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.

Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng nêu phạt cảnh cáo các hành vi mua bán vàng với đơn vị không có giấy phép, phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu tái phạm nhiều lần.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/vang-that-gia-lan-lon-tren-cho-mang-nguoi-dan-can-trong-375347.html
Zalo