Vàng son Thồ Lồ, Ma Dú… (kỳ 1)

Từ đốm lửa hồng chiếu rọi những năm 30/ Vàng son Thồ Lồ, Ma Dú, La Hiên hùng thiêng…

Đó là những câu mở đầu của bài hát “Bài ca Phú Yên” được nhạc sĩ Văn Chừng sáng tác năm 1989, khi tỉnh Phú Yên tái lập. Bài hát vô cùng sống động với những địa danh là căn cứ cách mạng của quê hương Phú Yên trong suốt hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Trong đó, Thồ Lồ, Ma Dú được nhắc đến đầu tiên, như một miền đất huyền thoại, là căn cứ bất khả xâm phạm của cách mạng. Nơi đây 99,7% đồng bào Ba Na, Chăm sinh sống.

Kỳ 1: Lần theo câu hát tìm về miền đất huyền thoại

Sau 50 năm giải phóng, Thồ Lồ xưa, Phú Mỡ nay đã có nhiều đổi thay, phát triển. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản được đầu tư đến tận thôn, buôn: điện, đường, trường, trạm… Đời sống bà con không ngừng được nâng lên, 100% các em nhỏ ra lớp đúng độ tuổi.

Đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và già làng Ma Nghĩa mừng nhau ngày gặp mặt, kể chuyện thời kháng chiến. Ảnh: TRẦN QUỚI

Đồng chí Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy và già làng Ma Nghĩa mừng nhau ngày gặp mặt, kể chuyện thời kháng chiến. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bài hát theo nhịp bước quân hành vô cùng khoáng đạt, mạnh mẽ, đầy khí phách đã nhanh chóng đi vào đời sống của tất cả người dân Phú Yên và trở thành nhạc hiệu của Đài tiếng nói nhân dân Phú Yên, là bản “Phú Yên ca” đi cùng năm tháng.

Câu hát mở đầu như một lời hiệu triệu, dẫn lối chúng ta trở về miền đất Thồ Lồ, nơi từng là căn cứ địa cách mạng kiên cường, nơi ghi dấu bao chiến công oanh liệt và cũng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.

Và thật may mắn, khi thực hiện đề tài này tôi có được một tư liệu quý, đó là tập bút ký “Miền đất huyền thoại”, tác giả Văn Công - Cao Xuân Thiêm, người chiến sĩ cộng sản, ông đã đến và bám trụ với vùng đất Thồ Lồ, bộ tộc Thồ Lồ để cùng bà con nơi đây làm cách mạng - sau giải phóng ông là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh. Bà con Thồ Lồ xem ông như đứa con của buôn làng, còn ông xem Thồ Lồ như quê hương ruột thịt.

Miền đất huyền thoại

Thồ Lồ xưa, nay thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), là một vùng đất giữa đại ngàn, nơi rừng xanh bạt ngàn và sông Bài Đài, Kỳ Lộ quanh co, suối nguồn trong vắt. Tên gọi Thồ Lồ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần bất khuất, tình đoàn kết keo sơn của đồng bào trong cuộc chiến đấu bảo vệ buôn làng, bảo vệ quê hương, là căn cứ địa hiểm trở che chở cho các chiến sĩ cách mạng.

Nơi đây, dãy núi La Hiên hùng thiêng, thuộc dãy Trường Sơn, có độ cao trên 1.300m, chạy thành hình vòng cung bao bọc lấy buôn làng nhưng một lòng chảo khổng lồ. Người dân Thồ Lồ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na, Chăm, sống hòa mình với thiên nhiên.

Trước Cách mạng Tháng Tám, ở vùng núi non hiểm trở này, người Thồ Lồ có cuộc sống hoang dã tự do, vẫn còn rất nhiều quan điểm, hủ tục. Người Pháp đặt chân đến, gieo rắc vào đầu người dân sự đố kỵ, làm cho sự lạc hậu trở nên lạc hậu và hà khắc hơn. “Bọn thực dân Pháp và Nam triều phong kiến tìm cách chinh phục Thồ Lồ bằng trăm phương ngàn kế hòng đặt ách áp bức bóc lột lên các dân tộc miền Thượng nặng nề hơn, man rợ hơn. Hệ thống cai đồn, hương lý, chánh phó tổng ngày càng vượt xa hệ thống “trấn quan thổ hào” về mức độ thâm độc xảo trá”(*).

Tội ác lớn nhất và âm mưu thâm độc nhất của kẻ thù là chia rẽ dân tộc, gây hằn thù giữa các dân tộc anh em, với chiêu bài “đất Thượng của người Thượng” để dễ bề cai trị và bóc lột. Nhưng họ đâu biết rằng, đồng bào Thồ Lồ trong thẳm sâu đã sẵn lòng yêu nước và giác ngộ cách mạng, từng là căn cứ khởi nghiệp của phong trào Tây Sơn, là địa bàn rộng lớn cho nữ tướng Bùi Thị Xuân lập nên đội tượng binh thiện chiến, góp phần giữ vững Tây Sơn trung đạo trên đất Phú Yên. Trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương chống thực dân Pháp, Thồ Lồ, Ma Dú tiếp tục là căn cứ địa của các sĩ phu Võ Trứ, Nguyễn Hào Sự...

Cách mạng Tháng Tám thành công, xác định vùng Thồ Lồ, Phú Mỡ có vị trí quan trọng “yết hầu” của miền Tây Phú Yên giáp ranh với Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Định, Tỉnh ủy Phú Yên gấp rút xây dựng miền núi này trở thành căn cứ cách mạng, quyết định cử đội vũ trang xây dựng cơ sở (Đội công tác 250), trong đó có tác giả bút ký nổi tiếng “Miền đất huyền thoại” - Văn Công (Cao Xuân Thiêm). Mảnh đất Thồ Lồ, Ma Dú in đậm dấu chân chiến sĩ cộng sản: Cao Xuân Thiêm, Nguyễn Tô Sâm, Hạc Lĩnh, La Chí Noa (Đội công tác 250) trong công cuộc tuyên truyền giác ngộ cách mạng và đoàn kết đồng bào cùng hướng về Bác Hồ, sự lãnh đạo của Đảng, tham gia kháng chiến góp phần vào thắng lợi to lớn của cả dân tộc.

Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thồ Lồ - Phú Mỡ trở thành căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Phú Yên. Những địa danh như Thồ Lồ, Ma Dú, La Hiên không chỉ là những cái tên, mà còn là những biểu tượng của lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu kiên cường. Người dân nơi đây, với lòng trung thành và dũng cảm, đã không ngại hy sinh, đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đường về Phú Mỡ hôm nay, miền đất huyền thoại Thồ Lồ xưa. Ảnh: TRẦN QUỚI

Đường về Phú Mỡ hôm nay, miền đất huyền thoại Thồ Lồ xưa. Ảnh: TRẦN QUỚI

Nghĩa tình đồng bào

Những ngày tháng tư nắng vàng rực rỡ, trong niềm hân hoan cùng cả nước mừng kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, chúng tôi trở lại xã Phú Mỡ, Thồ Lồ xưa. Con đường bê tông phẳng phiu, rộng rãi, uốn lượn qua những cánh rẫy, cây cầu bắc qua suối từ trung tâm thị trấn Lai Hai đến trung tâm xã Phú Mỡ chỉ mất chưa đầy 40 phút đi xe máy. Điều mà cách đây chừng vài thập kỷ không thể mơ tới, phải mất ít nhất cả ngày đường.

Chúng tôi đến nhà già làng Ma Nghĩa, biểu tượng sống của Phú Mỡ. Ma Nghĩa tên khai sinh là Lê Mo Tư, sinh năm 1937, năm nay đã qua 88 mùa rẫy, những trông ông vẫn chắc khỏe, còn lên rẫy, đan gùi. Từ nhỏ ông đã tham gia cách mạng, lớn lên đi bộ đội, cả nhà ông là cơ sở cách mạng; ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba.

Từ năm 1952, Đội công tác 250, với những trí thức và đảng viên ưu tú của tỉnh đã bám trụ, cùng ăn cùng ở, cùng làm với đồng bào, đã trở nên thân thiết, gắn bó như những người con của vùng đất này, từ đó tuyên truyền cách mạng, làm cho người Thồ Lồ hiểu rõ hơn bản chất cách mạng, về Đảng, Bác Hồ. Những trưởng làng như Ma Quân, Ma Kham, Ma Tý, Ma Gâm, Ma Đớ... cùng lũ làng lần lượt đứng lên, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ kháng chiến giải phóng dân tộc, giành lấy độc lập tự do. Một khi người đồng bào đã tin là làm, là không lay chuyển, từ già làng đến lũ làng thanh niên, trai gái hăng say lao động, chiến đấu dũng cảm và đặc biệt là tình nghĩa sâu nặng với cán bộ. Trong những năm tháng khó khăn nhất, họ đã chia sẻ từng gùi lúa, từng chén muối để nuôi cán bộ cách mạng, che chở và bảo vệ cán bộ trước sự truy lùng của kẻ thù.

Thồ Lồ không chỉ là địa danh, mà còn là biểu tượng. Biểu tượng của tinh thần đoàn kết, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, đồng cam cộng khổ.

Cha Lê Mo Tư là Ma Ngoe, người được ông Cao Xuân Thiêm và Đội công tác 250 giác ngộ trở thành đảng viên, lãnh đạo buôn làng làm cách mạng. Ma Nghĩa hồi tưởng cuộc giải thoát Ma Pốp - Cao Xuân Thiêm, cách đây gần 70 năm.

Ma Nghĩa kể: Từ cuối năm 1956, cứ mỗi tháng, có khi dày hơn, lính bảo an ở La Hai (Đồng Xuân) và Vân Canh (Bình Định) lại lên Thồ Lồ. Chúng lùng sục, dọa dẫm, quyết lùa cho được dân Thồ Lồ xuống đồng bằng để nhốt vào ấp chiến lược. Tháng 1/1957, cuộc họp chi bộ bí mật vừa giải tán, cha tôi - Ma Ngoe - rủ Ma Pốp (Văn Công) về nhà ăn cơm. 8 giờ tối, miền núi trời tối đen, lại một cơn mưa ập đến, thêm lạnh. Cha tôi và Ma Pốp ngả lưng nằm nghỉ sau một ngày rã rời, mệt mỏi. Cả hai đêm nay muốn ngủ lại nhà, vì nghĩ mưa lạnh thế này bọn lính không mò lên. Nhưng không ngờ chính ngay đêm ấy một đại đội bảo an từ Vân Canh xuyên rừng đi thẳng lên đóng tại buôn Ma Kheo, mà không ai báo tin. Một tiểu đội lính thọc thẳng vào buôn Ma Quân. Tiếng chó sủa râm ran, mỗi lúc mỗi gần. Lại cả bước chân người rậm rịch đi lại, gọi nhau í ới. Nguy rồi!

Hơ Ngoe, chị gái của tôi mới cưới chồng, hé cửa nhìn ra ngoài thì bọn lính đã tới rất gần. Cả nhà hoảng hồn, cha tôi cũng chưa biết tính thế nào, nếu nhảy ra rừng lúc này thì quá nguy hiểm, thế nào cũng bị chúng bắn chết. Hơ Ngoe kêu mí dập tắt bếp lửa, rồi kêu mọi người nằm ngủ như chẳng hay biết gì, còn Hơ Ngoe thì kéo Ma Pốp vào chỗ ngủ của mình như hai vợ chồng đang ngủ say. Hơ Ngoe tính, nếu lính tới thì chị sẽ xuống nhà để chúng tán tỉnh, tạo thời cơ cho cha và Ma Pốp lách cửa hông vọt ra ngoài rừng. Bọn lính bảo an xộc tới, quật đèn pin trên dưới nhà sàn thấy cả nhà ngủ say, nên không nghi ngờ có người lạ nên bỏ đi. Cả nhà tôi mới hoàn hồn trở lại. Ngay đêm hôm đó cha tôi và Ma Pốp phải ra rừng ngay, không dám ở lại nhà…

Câu chuyện Ma Nghĩa kể bằng chất giọng gấp gáp, hoảng hốt trong từng tình tiết khiến chúng tôi nghe mà cũng hồi hộp theo từng nhịp.

Chúng tôi đọc ký sự “Miền đất huyền thoại” tác giả Văn Công cũng ghi lại câu chuyện đúng như vậy. “…Hơ Ngoe nắm lấy tay Ma Pốp giật mạnh, ấn Ma Pốp nằm xuống. Mắt Hơ Ngoe long lanh rực lửa. Tóc Hơ Ngoe quấn quýt, phủ đầy mặt Ma Pốp. Cả nhà nằm im thin thít. Bên ngoài, tiếng dày đinh lộp cộp mỗi lúc mỗi gần. Tim hai người đập như trống, tưởng chừng vọt tung ra khỏi lồng ngực. Bọn lính, không rõ mấy thằng, đứng lại dưới chân cầu thang, quất đèn pin rọi từ dưới gầm nhà lên tới nóc nhà, quét đi quét lại. Mấy con chó sủa rống lên. Một thằng lính nói tiếng Ba Na, dùng tay hất cánh cửa đan bằng mò o nghiêng về một bên, rọi thẳng đèn pin vào nhà. Mấy đứa đứng bên hỏi: Có thấy cái gì không? Ngủ như chết. Chẳng thấy quái gì cả. Ánh đèn pin lại quét từ dưới lên, trên xuống, tạt ngang tạt dọc. Cả bọn lục tục đi xuống, bấm đèn quay sang hướng khác, xộc vào mấy nhà đang ngồi trò chuyện bên bếp lửa. Hôm ấy, may sao Ma Pốp lại đóng khố, đeo cườm, tay đeo còng, y hệt một chàng trai Thượng. Ma Ngoe choàng dậy, rỉ tai vợ: Lũ tao ra chòi rẫy... Ma Pốp cũng vừa tỉnh cơn ác mộng. Từ cõi chết trở về; anh được cứu sống bởi tay một nàng tiên. Nàng tiên đó là Hơ Ngoe, cô gái Ba Na kỳ diệu…”.

Thồ Lồ không chỉ là địa danh, mà còn là biểu tượng. Biểu tượng của tinh thần đoàn kết, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, đồng cam cộng khổ.

Kỳ cuối: Phú Mỡ hôm nay

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/phu-yen-dat-nguoi/202504/vang-son-tho-lo-ma-du-ky-1-4b049cd/
Zalo