Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng miếng SJC duy trì trạng thái đi ngang tại 98,4 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn tiếp tục tăng vượt vàng miếng gần 1 triệu đồng, lên mốc 99 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh họa
Ghi nhận vào phiên sáng nay (27/3), giá vàng SJC giữ nguyên mức giá tại 98,4 triệu đồng/lượng so với thời điểm kết phiên hôm qua.
Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết vàng miếng tại 96,7 – 98,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). DOJI, Phú Quý có mức giá tương tự cho vàng miếng SJC.
Bảo tín Minh Châu, Bảo tín Mạnh Hải là 96,8 – 98,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Chênh lệch hai chiều mua - bán vào khoảng 1,6 triệu đồng/lượng.
Diễn biến giá vàng SJC từ 27/2 - 27/3/2025

Nguồn: Web giá
Trong khi đó, vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh, mức giá cao hơn vàng miếng gần 1 triệu đồng.
Bảo tín Minh Châu và Bảo tín Mạnh Hải có mức giá cao nhất là 97 – 99,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
DOJI có mức giá là 96,7 – 99 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Phú Quý là 96,8 – 99 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Còn Vàng bạc Đá quý Sài Gòn có mức giá cho vàng nhẫn tại 96,7 – 98,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Mức giá có sự phân hóa mạnh giữa các thương hiệu, chênh lệch hai chiều mua – bán là hơn 2 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang giao dịch tích cực khi tăng trở lại vùng 3.033 USD/ounce, tăng 10,4 USD/ounce trong 24 giờ qua.
Diễn biến giá vàng thế giới hiện tại

Nguồn: Kitco
Quy đổi sang VNĐ, giá vàng thế giới đang có mức giá là 94,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC 4,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn 4,2 – 5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng đang biến động mạnh nhờ dự báo mới nhất từ Bank of America về giá vàng trung bình của năm 2025 sẽ vào khoảng 3.062 USD/ounce và tăng lên 3.350 USD/ounce vào năm 2026. Nhân tố để giúp giá vàng tăng lên những mốc như trên nhờ vào nhu cầu nắm giữ vàng từ ngành bảo hiểm Trung Quốc, các ngân hàng trung ương trên thế giới và sự bất ổn kinh tế đang ngày càng gia tăng, thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng.
H2 - H2 - Dự báo giá vàng
Theo các chuyên gia, việc vàng vượt mốc 3.000 USD/ounce không chỉ là một cột mốc giá, mà còn là dấu hiệu nhà đầu tư điều chỉnh vị thế trước bất ổn địa chính trị và kinh tế.
Chiến lược gia thị trường cấp cao của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), Joseph Cavatoni nhận định, vàng đang khẳng định lại vai trò là "tài sản giúp giảm thiểu rủi ro" trong bối cảnh căng thẳng thương mại, lạm phát khó đoán và nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng.
Tính từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 15% từ 2.500 lên 3.000 USD/ounce. Điều này cho thấy, thị trường đã chứng kiến một đợt tăng mạnh chưa từng có. Dù các nhà phân tích xác định vùng 3.040 – 3.050 USD/ounce là ngưỡng cản ngắn hạn nhưng ông Cavatoni vẫn khẳng định nhu cầu cơ bản với vàng vẫn rất mạnh.
Đồng thời ông cho rằng, châu Âu có thể sẽ tăng tốc trong 6 tháng tới nếu triển vọng kinh tế vĩ mô xấu đi hoặc đồng USD suy yếu hơn. Hiện, giới đầu tư đang cố gắng đánh giá xem chiến lược mà chính quyền Mỹ đang thực hiện sẽ có lợi hay rủi ro gì cho nền kinh tế.
Thị trường đang đổ dồn sự quan tâm tới dữ liệu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 28/3 để từ đó có thêm thông tin về lộ trình hạ lãi suất của Mỹ, bởi, việc lãi suất giảm cũng là một nguyên nhân giúp vàng gia tăng.