Vắng người mua, chợ truyền thống ở TP.HCM chật vật khi Tết Nguyên đán đến gần

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán năm 2025, nhưng các chợ truyền thống ở TP.HCM vẫn trong tình trạng vắng khách. Thương mại điện tử bùng nổ cùng sự thay đổi thói quen mua sắm khiến chợ truyền thống thành phố rơi vào cảnh đìu hiu.

Sức mua truyền thống giảm, online tăng

Chợ An Đông (Quận 5), một trong những chợ truyền thống lớn nhất của TPHCM, thời điểm này, lượng khách đến mua bán rất thưa thớt.

Tiểu thương Hòa Ký (35 tuổi) bán mặt hàng bánh, mứt, kẹo tại chợ An Đông cho biết, tình trạng này đã liên tục kéo dài và có dấu hiệu tệ hơn năm ngoái.

Người bán chờ khách (Ảnh: Thùy Liên)

Người bán chờ khách (Ảnh: Thùy Liên)

Trước sức mua giảm mạnh, tiểu thương e dè trong việc nhập thêm hàng và cân nhắc kỹ lưỡng về giá cả, kê khai và niêm yết giá trên mỗi sản phẩm nhằm đảm bảo tính minh bạch, tiện cho khách lựa chọn khi mua hàng.

“Gần đến Tết mà 20% lượng khách cũng không có, trong khi những năm trước dịch vẫn còn khách lai rai, năm nay lại vắng bóng hoàn toàn. Ngay cả người Việt cũng ngại đi vì giờ đã có mua sắm online, nhìn chợ là thấy buồn, đành cầm cự ráng bán. Vì không bán online nên không bán được nhiều nhưng cũng phải trưng bày mặt hàng đầy đủ để khách lựa chọn. Tuy nhiên, lại chẳng thấy khách đến lựa, mẫu nào khách mua nhiều thì mới liên hệ nhập từ công ty, mỗi mặt hàng chỉ lấy 2-3kg. Hy vọng gần cuối khách đi nhiều để mình bán được”, chị Hòa Ký than thở.

Cùng chịu chung cảnh ế ẩm là sạp buôn bán các loại đồ sấy khô của bà Mỹ Châu (80 tuổi, ngụ Quận 1), người có thâm niên bán mặt hàng này. Thời gian gần đây, bà Châu thường xuyên phải đóng cửa từ 3 giờ chiều thay vì 6-7 giờ tối như những năm trước bởi không có người mua.

“Hồi đó khách tỉnh còn mua đem về, bây giờ không ai mua hết. Năm ngoái, thời điểm này người ta đã đi sắm sửa nhưng năm nay họ không mua là hiểu rồi. Cùng kỳ năm ngoái đang bán rầm rộ, năm nay hàng hóa mắc hơn, bình thường mua một lần 5kg mà bây giờ không dám mua nữa. Ngay cả khi nhập hàng từ chợ đầu mối, tình trạng ế ẩm vẫn kéo dài ở cả hai nơi”, bà Mỹ Châu nói.

Hàng giày, dép quần áo dịp Tết này sức mua ở chợ truyền thống rất chậm (Ảnh: Thùy Liên)

Hàng giày, dép quần áo dịp Tết này sức mua ở chợ truyền thống rất chậm (Ảnh: Thùy Liên)

Chợ Bình Tây (Quận 6), nơi chuyên phân phối hàng hóa sỉ lớn nhất TP.HCM, những ngày này, hàng hóa vận chuyển ra vào chợ tấp nập. Ở khu vực thực phẩm đồ khô, như: Tôm khô, chà bông, các loại nấm, đồ chay,... khá đông khách mua sỉ. Nhưng các cửa hàng túi xách, quần áo, giày dép vẫn không thấy bóng dáng khách hỏi thăm.

Tiểu thương Thu Nguyệt đến nhập các mặt hàng quần áo cũng lắc đầu ngao ngán: “Tôi đi mua đồ về bán mà mọi thứ đều chán lắm. Hiện tại vẫn chưa đâu vào đâu, giá nhập không tăng nhưng không có những mặt hàng đẹp, mẫu mã bình thường”.

Khó dự đoán nhu cầu tiêu dùng cận Tết

Việc chợ thưa vắng trong dịp cận Tết, theo người dân, nguyên nhân do lịch nghỉ Tết năm nay sớm hơn năm ngoái nên khách hàng sẽ có xu hướng mua sắm Tết muộn. Kinh tế cũng trong giai đoạn khó khăn nên việc mua sắm ở mức cầm chừng, chủ yếu là mua sắm những mặt hàng thiết yếu phù hợp với gia đình chưa không mua tích trữ thực phẩm như trước đây.

“Chủ yếu là lương thực, cụ thể như bánh chưng, bánh tét, gạo, thịt. Còn bánh kẹo, đồ trang trí trưng bày sẽ hạn chế vì không thực tế. Kinh tế khó khăn hơn nên tất cả đều mua ít lại, tiết chế, cái gì cần thiết mới mua, giờ chỉ đại khái có không khí Tết vậy thôi. Giá thành Tết có nhích lên nhưng không đáng kể”, bà Mụi Mụi (62 tuổi, ngụ Quận 8) cho biết.

Hàng đặc sản miền Tây được khách ưa chuộng mua dịp Tết nhưng nay sức mua ở chợ cũng giảm (Ảnh: Thùy Liên)

Hàng đặc sản miền Tây được khách ưa chuộng mua dịp Tết nhưng nay sức mua ở chợ cũng giảm (Ảnh: Thùy Liên)

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Trưởng ban Ban Quản lý chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, do tình hình kinh tế khó khăn, mức thu nhập giảm nên người tiêu dùng chi tiêu ở mức tối thiểu nhất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng yêu cầu hàng hóa đa dạng nhưng chợ truyền thống chưa đủ sức đáp ứng, do đó cũng hạn chế lượng khách đến mua hàng.

Đặc biệt, kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến, đẩy chợ truyền thống và các cửa hàng kinh doanh vào tình trạng ế ẩm chung, ảnh hưởng dây chuyền đến sức mua dịp Tết.

Trên thực tế, số tiểu thương trẻ tuổi biết sử dụng công nghệ, có điện thoại thông minh và kết nối Internet chỉ chiếm dưới 10%. Tâm lý sợ lừa đảo trên không gian mạng dẫn đến hạn chế việc buôn bán trực tuyến.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung, giờ này mấy năm trước, khách đi chợ gửi xe đông nghẹt, ban quản lý phải sắp xếp người đảm bảo an ninh, trật tự, nhưng giờ này, chợ vẫn rất vắng, tiểu thương cũng chưa trưng bày các mặt hàng Tết.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung dự báo, năm nay lượng sản phẩm Tết nhập về chợ sẽ giảm 50%: “Từ sau đợt dịch trở về tới bây giờ, sức mua càng ngày càng giảm. Tiểu thương thấy được sức mua giảm nhiều nên không dám lấy hàng về, nếu có sẽ lấy rất muộn và lấy ít. Vì họ sợ không có người mua, người dân không đi chợ hoặc nếu có thì cũng sẽ mua ít hơn những năm trước”.

Tết 2025 đang đến gần, nhưng bức tranh ảm đạm tại các chợ truyền thống đã phản ánh một thực tế không thể phủ nhận, đó là thói quen tiêu dùng của người dân đang thay đổi nhanh chóng khi thương mại điện tử mang lại sự tiện lợi và đa dạng về lựa chọn. Nếu các chợ truyền thống không có chiến lược đổi mới, áp dụng công nghệ và thay đổi cách tiếp cận khách hàng, nguy cơ bị tụt lại phía sau sẽ ngày càng lớn.

Lệ Hằng-CTV Thùy Liên/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/vang-nguoi-mua-cho-truyen-thong-o-tphcm-chat-vat-khi-tet-nguyen-dan-den-gan-post1147252.vov
Zalo