Trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ, cửa hàng áo dài truyền thống của nhà thiết kế Đặng Ngọc Hân ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) trở nên đông đúc hơn thường ngày. Tết vốn được coi là mùa cao điểm của kinh doanh áo dài. Trong khi nhà thiết kế (NTK) đảm nhiệm việc lên ý tưởng, vẽ, các khâu còn lại như may, thêu và đính kết được thực hiện bởi đội ngũ thợ may lành nghề.
Dịp này, thời gian thực hiện các sản phẩm có thể bị rút ngắn do nhu cầu gấp gáp từ phía khách hàng. Tuy nhiên, nhà thiết kế sinh năm 1989 khẳng định rằng khoảng thời gian nhanh nhất có thể đáp ứng là một ngày, không thể rút gọn hơn. Áo dài may đo truyền thống cần được thực hiện lâu hơn sản phẩm may sẵn, giá rẻ.
Hàng sản xuất hàng loạt chỉ tốn khoảng nửa ngày hoàn thiện. Trong khi đó, riêng công đoạn may, chưa bao gồm thêu hoa văn và đính kết hạt, của tà áo dài truyền thống diễn ra trong vòng ít nhất một ngày. Sự khác biệt được thể hiện rõ ràng ở phần tà may tay tinh xảo, kỳ công. Thời gian thực hiện kéo dài, kết hợp với quy trình thực hiện cầu kỳ, tỉ mỉ, tạo nên mức giá cao cho các sản phẩm may đo truyền thống.
NTK Ngọc Hân cho biết việc cạnh tranh với các đơn vị sản xuất hàng loạt về giá cả, sản lượng và công suất là điều không thể. Tuy nhiên, mỗi bên có thế mạnh, định hướng riêng, khó đặt lên bàn cân so sánh. Ví dụ, một số thương hiệu truyền thống tập trung vào tính độc bản, bán ra với số lượng hạn chế, đề cao sự tinh hoa, đảm bảo dấu ấn thiết kế riêng. Theo cô, đây chính là lợi thế cạnh tranh của các nhà may đo trong bối cảnh thị trường áo dài ngày càng đa dạng, rộng mở.
Trong những mùa Tết gần đây, Ngọc Hân cũng ghi nhận xu hướng áo dài chất liệu lụa, dáng suông, kết hợp các màu sắc tươi sáng, ngọt ngào và trẻ trung. Sự thịnh hành của các thiết kế dáng suông phần nào giúp hoạt động kinh doanh áo dài trên sàn thương mại điện tử trở nên sôi động hơn, do khách hàng không còn phải đến cửa hàng lấy số đo, thử đồ.
Song, NTK lại hướng đến phân khúc trung và cao cấp, cho biết khách của cô không thích mua hàng trên mạng, mong muốn đến tận nơi ngắm nhìn, trải nghiệm chất liệu, nghe tư vấn và chọn sản phẩm. Đây là trải nghiệm mua sắm mà người tiêu dùng chi trả hàng chục triệu đồng cho một tà áo dài mong muốn nhận được.
Ngoài ra, trong bối cảnh thị trường vắng bóng những tà áo dài trăm triệu đồng, các sản phẩm ở mức giá 20 triệu đồng của Ngọc Hân vẫn được lòng khách hàng. Theo cô, do tình hình kinh tế ảm đạm, nhiều người tiêu dùng ở phân khúc trên trăm triệu đồng thay đổi sự lựa chọn, hướng đến áo dài tầm trung.
Về những sản phẩm “áo dài” dáng ngắn, có nhiều nét tương đồng với sườn xám, Ngọc Hân cho rằng các thiết kế này chỉ mang tính xu hướng thời vụ, khó được hưởng ứng dài lâu. Đây là cái kết từng xảy ra đối với những mẫu “áo dài” kết hợp với váy đụp trong những năm trước. Nhìn chung, NTK quan niệm rằng những sáng tạo không phù hợp với thuần phong mỹ tục sẽ sớm bị đào thải. Chỉ cái đẹp truyền thống mới có khả năng tồn tại lâu dài.
Tuy nhiên, Ngọc Hân cũng cho rằng quan điểm cá nhân của mỗi người về áo dài cần được tôn trọng. Ví dụ, áo dài Le Mur của họa sĩ Cát Tường hồi những năm 1930 được xem là có ý nghĩa quan trọng trong quá trình cách tân trang phục truyền thống. Các thiết kế này lấy cảm hứng châu Âu, có tay bồng, cổ thuyền, thể hiện sự biến chuyển và hội nhập.
Dù trải qua nhiều giai đoạn cách tân, áo dài theo quan điểm của Ngọc Hân phải mang tinh thần thanh lịch. Đây là giá trị cốt lõi của trang phục truyền thống Việt Nam. Cô cho rằng những sản phẩm nhìn vào cảm thấy sượng, kém tinh tế thì không được gọi là “áo dài”.
Linh Vũ - Việt Hà