Vắng bóng áo dài Tết hơn 500.000 đồng
Người tiêu dùng trên sàn TMĐT Việt Nam ưa chuộng áo dài cách tân, dáng suông, giá rẻ, không còn mạnh tay chi hơn 500.000 đồng cho một chiếc áo dài mặc Tết.
Báo cáo Hành vi mua sắm sản phẩm thời trang dịp Tết trên 2 sàn Shopee và TikTok Shop vừa được công ty phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric công bố. Theo báo cáo, 200.000-350.000 đồng là phân khúc giá được ưa chuộng nhất.
Trong 2 mùa Tết Nguyên đán gần đây, bao gồm Tết năm 2023 và 2024, người tiêu dùng Việt Nam cắt giảm chi tiêu cho sản phẩm áo dài trên 500.000 đồng. Ngoài ra, 2-4 tuần trước Tết được xem là thời điểm vàng của hoạt động mua sắm áo dài.
Người Việt chuộng áo dài cách tân, giá rẻ
Theo dữ liệu thu thập từ 9 tuần trước Tết Âm lịch 2024, doanh số sản phẩm áo dài trên sàn TMĐT Shopee đạt 213 tỷ đồng, tăng 242% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng áo dài Tết năm ngoái là 924.000 sản phẩm, đánh dấu mức tăng trưởng 269%.
2-4 tuần trước Tết là giai đoạn ghi nhận nhu cầu mua sắm cao nhất. Trong khi thị trường áo dài năm 2023 chứng kiến doanh số đạt đỉnh ở mốc 3 tuần trước Tết, doanh thu năm 2024 lại chạm đỉnh ở giai đoạn 2 tuần trước Tết.
Về thị phần doanh số của từng phân khúc giá áo dài trong mùa Tết 2024, 36% khách hàng lựa chọn sản phẩm từ 200.000-350.000 đồng, chiếm đa số trên thị trường. Tiếp đến, mức giá 350.000-500.000 đồng cũng được 20% người tiêu dùng ưa chuộng.
Chỉ 9% sẵn sàng chi 500.000-750.000 đồng cho một chiếc áo dài mặc Tết. Tỷ lệ khách hàng dành 750.000 đồng đến 1 triệu đồng và trên 1 triệu đồng cho sản phẩm thời trang này đều là 4%.
Ngoài ra, xu hướng áo dài cách tân dáng suông cũng được ưa chuộng, nhờ sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Mùa Tết Âm lịch năm 2024 đánh dấu sự lên ngôi của áo dài dáng suông, chất liệu lụa trơn.
Tổng quan thị trường thời trang Tết
Báo cáo của Metric cũng chỉ ra doanh thu đến từ ngành hàng thời trang năm ngoái là 17,3 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 109% so với Tết 2023. Sản lượng lên đến 174 triệu mặt hàng, đánh dấu mức tăng 107%.
Dịp giảm giá lớn cuối năm (8-9 tuần trước Tết) và mốc 2-4 tuần trước Tết Nguyên đán chứng kiến nhu cầu mua sắm cao nhất.
Về sản phẩm giày dép, nữ giới gia tăng mua sắm trong giai đoạn 2-4 tuần trước Tết. Trong khi đó, khách hàng nam bắt đầu đưa ra quyết định mua chỉ 2 tuần trước dịp lễ lớn nhất năm.
Đối với sản phẩm ví, túi xách, nhu cầu của người tiêu dùng nữ tăng trưởng trong khoảng 2-4 tuần trước Tết Âm lịch. Ngược lại, nhu cầu của nam giới đối với mặt hàng này không thay đổi nhiều, chỉ tăng nhẹ vào đợt giảm giá.
Phụ kiện thời trang, bao gồm kính mắt, mũ,..., lại chứng kiến nhu cầu mua gia tăng vào giai đoạn 2-3 tuần trước kỳ nghỉ.
Với quần áo, mong muốn sắm trang phục cho cả nam, nữ và trẻ em đều tăng đáng kể trong khoảng 2-4 tuần trước Tết, đạt đỉnh doanh thu vào mốc 2 tuần trước ngày lễ. Trong đợt giảm giá cuối năm trước đó, nhu cầu từ phía khách hàng đối với váy áo tăng nhẹ.