Vận tải tăng chuyến, bến xe hoạt động đến đêm phục vụ khách

Từ sáng 24/1, tại các bến xe của Thủ đô Hà Nội, lưu lượng hành khách tăng cao, nhiều nhà xe tăng chuyến phục vụ người dân từ rạng sáng đến đêm, giá vé một số tuyến đường dài tăng, cao nhất tăng 61% so với ngày thường.

Giá vé xe khách tăng chủ yếu tuyến đường dài

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ sáng 24/1 - ngày làm việc cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, từ rạng sáng, các bến xe tại TP Hà Nội đã hoạt động nhộn nhịp.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, dịp tết Nguyên đán 2025, đa số các doanh nghiệp có phương án tăng giá vé xe khách thuộc các tuyến đường dài, mức tăng cao nhất 61%.

Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, dịp tết Nguyên đán 2025, đa số các doanh nghiệp có phương án tăng giá vé xe khách thuộc các tuyến đường dài, mức tăng cao nhất 61%.

Về giá vé xe khách, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc bến xe Nước Ngầm cho biết, tại bến có 46 đơn vị vận tải nộp phương án tăng giá, chủ yếu là tuyến đường dài từ Hà Nội về các tỉnh phía Nam.

Mức tăng trung bình từ 14% (tức từ 350 nghìn đồng lên 400 nghìn/giường) đến 61% (tức từ 305 nghìn đồng lên - 490 nghìn/giường).

Tại bến xe Giáp Bát, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, có 6 doanh nghiệp vận tải thuộc 2 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng, Hà Nội - Gia Lai tăng giá vé (tăng 60%). Trong đó, giá vé từ Hà Nội đi Đà Nẵng tăng từ 380 nghìn đồng lên 616 nghìn đồng, tuyến Hà Nội đi Gia Lai tăng từ 1 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng.

Tại bến xe Mỹ Đình, ông Trần Ngọc Hòa, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, chỉ có duy nhất một đơn vị vận tải là Công ty Cổ phần Vận tải hành khách Thái Nguyên có phương án tăng giá vé, tăng từ 70 nghìn đồng/ghế lên 80 nghìn đồng/ghế.

Ngoài những tuyến trên, đa số các nhà xe đều giữ nguyên giá vé, thậm chí có nhà xe giảm 10% giá vé dành cho hành khách tất cả các tuyến từ Hà Nội - Thanh Hóa như nhà xe Vân Anh. Giá vé trước đây là 250 nghìn đồng, giảm còn 230 nghìn đồng.

Tuyến Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa, hãng xe G8 Sapa Open Tour giảm 50% cho giá vé cho hành khách là học sinh, sinh viên.

Để phục vụ người dân dịp cao điểm, nhiều doanh nghiệp vận tải tăng chuyến, bến xe huy động 100% quân số trực xuyên đêm.

Để phục vụ người dân dịp cao điểm, nhiều doanh nghiệp vận tải tăng chuyến, bến xe huy động 100% quân số trực xuyên đêm.

Doanh nghiệp tăng chuyến, bến xe hoạt động đến đêm phục vụ khách

Theo ông Lập, bến xe Nước Ngầm chủ yếu hoạt động vào sáng sớm và đêm, do đó, ít ảnh hưởng đến tổ chức giao thông bên ngoài bến xe.

Dịp Tết, bến xe đã sắp xếp đủ phương tiện tăng cường, nhờ chủ động trong sắp xếp, điều tiết phương tiện vào vị trí đón khách hợp lý nên dù có xe tăng cường, mức độ ùn ứ trong bến xe không lớn.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH du lịch và vận tải Vân Anh cho biết, từ 5h sáng 24/1, đơn vị này được bến xe Nước Ngầm tạo điều kiện sắp xếp cùng lúc 10 xe để giải tỏa hành khách có nhu cầu về quê Thanh Hóa đón Tết.

Tính riêng ngày 24/1, đơn vị này vận chuyển 200 chuyến xe, từ 5h sáng đến 24h đêm, dự kiến trong ngày hôm nay (25/1), đơn vị cũng vận chuyển số chuyến tương đương.

Tại bến xe Mỹ Đình, ông Hòa cho biết, trong ngày 24/1 và dự kiến ngày hôm nay (25/1) các doanh nghiệp tăng cường 100 xe/ngày để phục vụ nhu cầu tăng cao của hành khách.

Riêng ngày 24/1, lượng khách tại bến tăng 300% so với ngày thường, từ 5.000 lượt khách/ngày lên 15.000 lượt/khách. Ngay chiều tối qua, khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng, lượng khách đổ dồn về bến xe, đến 2h sáng 25/1, chuyến xe cuối cùng mới chính thức rời bến

Bến xe Mỹ Đình đã huy động 100% quân số trực ở tất cả các vị trí, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tốt nhất.

Trong khi đó, tại bến xe Giáp Bát, lượng khách thấp hơn, chỉ đạt 1/3 so với dự kiến. Đến 20h30 tối ngày 24/1, các chuyến xe cuối cùng trên 4 tuyến: Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình rời bến.

Công ty cổ phần bến xe Hà Nội cho biết, ngày 24/1, tại bến xe Giáp Bát có 79 xe tăng cường, nâng số xe hoạt động lên 833 xe, lượng khách qua bến đạt 8.729 khách (tăng 250% so với ngày thường).

Tại bến xe Mỹ Đình có 103 xe tăng cường, nâng số xe hoạt động lên 886 xe, lượng khách qua bến đạt 15.007 khách (tăng 313% so với ngày thường).

Tại bến xe Gia Lâm có 3 xe tăng cường, nâng số xe hoạt động lên 418 xe, lượng khách qua bến đạt 2.253 khách (tăng 256% so với ngày thường).

Tổng chung các bến xe thuộc Công ty cổ phần bến xe Hà Nội trong ngày 24/1 phục vụ 25.989 khách (tăng 284% so với ngày thường).

Dịp cao điểm, các bến xe đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn đảm bảo hoạt động TTATGT trong và bên ngoài bến xe. Tăng cường công tác kiểm soát, kiểm tra nghiêm ngặt các điều kiện hoạt động của xe khách trước khi rời bến. Tính đến nay, không có khiếu nại về giá vé, chất lượng dịch vụ.

Ông Cao Văn Hiệp, Phó Chánh TTGT Sở GTVT TP Hà Nội cũng cho biết, dịp Tết, mật độ phương tiện tại các bến xe và các tuyến đường tăng cao, để ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT, lực lượng TTGT thường xuyên phối hợp với bến xe kiểm tra điều kiện phương tiện và người lái trước khi xuất bến.

Phía CSGT, ông Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho biết thêm, lực lượng CSGT đã chủ động, có phương án cao điểm để đảm bảo TTATGT trước, trong và sau Tết, trong đó, đặc biệt quan tâm đến ATGT trong hoạt động vận tải.

Ngoài lực lượng cắm chốt phân luồng, điều tiết giao thông trên đường, CSGT TP Hà Nội cũng bố trí cán bộ trực trung tâm chỉ huy điều tiết giao thông, từ đó, kịp thời phát hiện các điểm ùn tắc để khắc phục đảm bảo giao thông thông thoáng từ đầu tuyến đến cuối tuyến.

Đồng thời, kết hợp với cơ quan báo chí, truyền thông để thông tin đến người dân tình hình giao thông trên các tuyến đường, khuyến cáo lộ trình phù hợp cho người dân, tránh các điểm ùn tắc. Nhờ đó, dù lưu lượng phương tiện tăng nhưng tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội được cải thiện đáng kể.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/van-tai-tang-chuyen-ben-xe-hoat-dong-den-dem-phuc-vu-khach-192250125151238406.htm
Zalo