Vận tải Biển Việt Nam (VOS) đón tàu mới 13.500 DWT, sẽ có thêm 2 tàu nữa trong quý 1
Sau khi tiếp nhận tàu dầu/hóa chất mới trọng tải cỡ 13.500 DWT, Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (mã cổ phiếu VOS) cho biết sẽ tiếp tục đón thêm 2 tàu nữa trong quý 1/2025.
Công ty Cổ phần Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã cổ phiếu VOS - sàn HoSE) vừa chính thức nhận bàn giao tàu dầu/hóa chất Đại Quang trọng tải cỡ 13.500 DWT tại Singapore. Qua đó, nâng quy mô đội tàu của công ty lên mức 14 chiếc với tổng trọng tải 447.174 DWT.
Vận tải Biển Việt Nam cũng cho biết công ty sẽ tiếp nhận thêm 2 tàu mới trong quý 1/2025. Qua đó, đánh dấu cột mốc quan trọng góp phần giúp tăng năng lực vận chuyển và sức cạnh tranh cho đội tàu công ty.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 hồi cuối tháng 11/2024, cổ đông Vận tải Biển Việt Nam đã thông qua kế hoạch đầu tư 10 tàu, bao gồm 01 tàu hàng rời cỡ Supramax, trọng tải 56.000 - 58.000 DWT, loại đã qua sử dụng dưới 15 tuổi với giá mua tối đa là 23 triệu USD/tàu; đóng mới 04 tàu cỡ Ultramax với trọng tải 62.000 - 66.000 DWT với giá mua tối đa là 40 triệu USD/tàu; đóng mới 04 tàu dầu sản phẩm cỡ MR với trọng tải khoảng 50.000 DWT với giá mua tối đa là 52 triệu USD/tàu.
Về nguồn tài chính để đầu tư tàu, công ty cho biết, công ty đã thu xếp được nguồn vốn đối ứng và đã làm việc với nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước. Hiện công ty đã nhận được văn bản cam kết tài trợ vốn của một số ngân hàng trong nước.
Đây sẽ là lần mở rộng đội tàu lớn nhất trong lịch sử hoạt động của Vận tải Biển Việt Nam. Con tàu được đầu tư gần đây nhất của Vận tải Biển Việt Nam là Vosco Sunrise, được tiếp nhận vào năm 2013. Từ đó đến nay, công ty chỉ thanh lý các tàu cũ, tuổi cao, tình trạng kỹ thuật kém… và không đầu tư thêm tàu.
Theo Vận tải Biển Việt Nam, việc hạn chế đầu tư tàu là do trong giai đoạn trước dịch COVID-19, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh thấp khiến tình hình tài chính bị hạn chế nên công ty không thể thu xếp được nguồn vốn để đầu tư hoặc thuê tàu. Sau đó, công ty liên tục gặp các vướng mắc về cơ chế mua, đóng tàu mới và giá tàu thường xuyên ở mức cao nên rất khó khăn trong việc đầu tư hoặc thuê tàu.
Trước tình hình đội tàu hiện nay, ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam chia sẻ, so với năm 2013, đội tàu công ty đã giảm mạnh về cả số lượng và năng lực vận chuyển. Với quy mô đội tàu hiện tại, năng lực vận tải của công ty chỉ tương đương với một hãng tàu nhỏ trong khu vực, ban lãnh đạo Vận tải Biển Việt Nam cho biết.
Xét về kết quả kinh doanh, trong 9 tháng đầu năm nay, Vận tải Biển Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 4.239 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế trong kỳ tăng gấp 6,7 lần, đạt 413 tỷ đồng. Qua đó, vượt 74% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.