Vẫn nhớ 'Đây A Nốp' trong phim 'Trên từng cây số'

Yêu lắm cơ gương mặt đẹp trai rất trí tuệ của Đây A Nốp, nhân vật tình báo luôn có nguy hiểm vây quanh vẫn điềm tĩnh tùy cơ ứng biến trong 'Trên từng cây số'.

Deianov là tên nhân vật chính trong bộ phim truyền hình 26 tập của Bulgaria. Khán giả Việt Nam gọi theo phát âm của thuyết minh phim là “Đây A Nốp”, có người gọi là “Đê A Nốp” hoặc “Đi A Nốp” Bộ phim do Đài truyền hình Bulgaria sản xuất ra đời năm 1969 thì năm 1970 đã được ngành phát hành phim Việt Nam nhập về nhanh chóng phát sóng trên truyền hình Việt Nam.

Nhớ lại thời ấy, đến giờ chiếu phim “Trên từng cây số” là cả thành phố như đang “thiền” yên tĩnh lạ thường chỉ có âm thanh của truyền hình trong một số gia đình có điều kiện mới có tivi, đường phố vắng ngơ, nhà nhà, người người bị bộ phim “Trên từng cây số” hút hồn, nếu ăn cơm muộn phải ăn cho nhanh, làm gì cũng nhanh chóng để không bỏ lỡ phút giây đầu chiếu phim “Trên từng cây số”.

Đây A Nốp và Bom Bop. Ảnh: Trâm Nguyễn

Đây A Nốp và Bom Bop. Ảnh: Trâm Nguyễn

Tập một của phim có tiêu đề “Chiếc xà lan” chủ yếu giới thiệu nhân vật, nhân vật Đây A Nốp lúc đó còn nhỏ. Cảnh đầu tiên là cậu bé chứng kiến lính của Đức quốc xã giải một đoàn tù binh khoảng hai chục người trong đó có cha của cậu bé Đây A Nốp đến nhà giam. Việc làm đầu tiên của cậu bé Đây A Nốp là tìm cách cứu cha, Đây A Nốp liều gõ cửa nhà Môn Ka người bạn cùng học là con trai của tên thiếu tá Ka Ra Đi Rép là kẻ quyết định tử hình đoàn tù binh bằng cách nhốt hết trong chiếc xà lan và cho chìm xuống sông, nhưng Đây A Nốp đã uổng công năn nỉ Môn Ka.

Đây A Nốp cùng dân làng chứng kiến tên thiếu tá Ka Ra Đi Rép cho chiếc xà lan chứa đoàn tù binh chìm dần cùng tiếng hát vang lên của họ... trên bờ những người mẹ, người vợ lau nước mắt cùng tiếng nguyền rủa tên thiếu tá phát xít, nhưng không ai biết có một tù binh đã trốn khỏi được chiếc xà lan. Tối hôm đó, sự trả thù đầu tiên của cậu bé Đây A Nốp là ném đá vỡ cửa kính nhà tên thiếu tá Ka Ra Đi Rép… Người đàn ông thoát khỏi xà lan chìm tìm Đây A Nốp và tìm cách liên lạc với nhóm hoạt người Cộng sản bàn bạc đưa ĐâyA Nốp đi khỏi địa phương để cậu bé có cuộc sống khác. Cũng từ tập đầu tiên thấy Đây A Nốp có một bạn thân là Bombov cậu bé bán báo, khán giả thường gọi là Bôm Bốp. Trước đó, Bôm Bốp đã đánh lạc hướng tên lính gác để Đây A Nốp trèo tường vào nhà giam gặp cha.

Đây A Nốp trong tập hai tiêu đề “Hai chiếc đàn ghi ta”. Ảnh: Trâm Nguyễn

Đây A Nốp trong tập hai tiêu đề “Hai chiếc đàn ghi ta”. Ảnh: Trâm Nguyễn

Tập hai có tên “Hai chiếc đàn ghi ta”, Đây A Nốp trưởng thành sau khi được học tập ở nước Nga 14 năm. Đây A Nốp vừa rời khỏi tàu biển lập tức đã bị mật thám theo dõi, từ đây hàng loạt hoạt động của Đây A Nốp được phát triển, phát triển các tuyến nhân vật, phát triển các chuỗi mâu thuẫn, những pha đấu trí kịch tính với kẻ thù khiến cho tim khán giả đập nhanh hơn vì hồi hộp, những cảnh Đây A Nốp giả trang thành con người khác nhau lọt vào các phòng làm việc của Jestapo lấy tài liệu, những pha chiến đấu hấp dẫn làm thót tim người xem. Mỗi khi gương mặt, chân dung nhân vật Đây A Nốp xuất hiện là khán giả thấy như gặp người yêu thương nhất trong ngày. Mỗi tập phim có thời lượng gần 70 phút sau khi kết thúc là ai nấy ngẩn ngơ, đành kiên nhẫn chờ đến buổi chiếu sau, mỗi tuần chỉ chiếu vào tối thứ tư và chủ nhật.

Trong tất cả các tập phim “Trên từng cây số” đều có bài hát mở đầu, nhiều thanh niên, thiếu nhi thuộc luôn cả bài hát bằng phiên âm trên phim cho dù có từ phát âm không đúng. Tan giờ chiếu phim trong “rạp gia đình” mỗi người một ngả về nhà lại vang lên ai đó hát là lá la... theo giai điệu bài hát.

Stefan Danailov trong vai Hoàng tử trong phim Boris. Ảnh: Trâm Nguyễn

Stefan Danailov trong vai Hoàng tử trong phim Boris. Ảnh: Trâm Nguyễn

Yêu lắm cơ gương mặt đẹp trai rất trí tuệ của Đây A Nốp, một nhân vật tình báo luôn có nguy hiểm vây quanh, kể cả khi hoạt động ở Paris, tên thiếu tá Jestapo - Vaise dán ảnh của anh khắp thành phố và phát tận tay hành khách trên tàu hỏa để cung cấp thông tin về anh, Đây A Nốp vẫn điềm tĩnh tùy cơ ứng biến hoạt động chính xác không sơ xuất hành động nào, chính là hiệu ứng tăng lên phần hồi hộp nơi người xem. Cách diễn của Stefan Danailov không căng thẳng, hoàn toàn buông lỏng hình thể và tâm trạng, tâm không để ngoài thân, một chút lãng tử, một chút hài hước là cái vỏ lừa đối thủ chẳng biết anh là ai. Ẩn trong cân não của người tình báo giàu kinh nghiệm, linh hoạt, bản lãnh, đặc biệt đôi mắt ấm nhưng khả năng nhìn xa như đại bàng và nhắm mồi trúng đích.

Cốt truyện phim “Trên từng cây số” đồng cảm với người xem cả thể giới đã từng trải qua chiến tranh Đại chiến thứ II và người xem Việt Nam thời đó vẫn còn đang trong chiến tranh đánh Mỹ, yêu nghệ thuật hóa thân của Stefan Danailov trong vai thiếu tá tình báo Đây A Nốp. Cốt truyện phim, đề tài phim, nghệ thuật diễn xuất của nhân vật đã tạo nên một tác phẩm phim truyền hình kinh điển của Bulgaria, có khán giả Bulgaria nói Stefan Danailov là “Một con người vĩ đại”.

Stefan Danailov trong vai Karabelov trong phim Yulia Vrevska. Ảnh: Trâm

Stefan Danailov trong vai Karabelov trong phim Yulia Vrevska. Ảnh: Trâm

Stefan Danailov sở hữu thể hình đẹp hoàn hảo, phong thái quý tộc nên được các đạo diễn mời vào các vai tính cách khác nhau trong các kịch bản đề tài khác nhau, như vai Hoàng đế trong phim Boris, các phim có đề tài cổ trang, phim lịch sử, phim tiểu thuyết kinh điển, vào cả vai tộc trưởng đều rất hấp dẫn.

Stefan Danailov sinh ngày 9/12/1942 tại Sofia - Bulgaria, khi còn nhỏ tuổi đã phát lộ năng khiếu nghệ thuật, khởi đầu là một diễn viên điện ảnh rồi đóng kịch, dần dà anh viết kịch bản, đạo diễn, sau đó được Nhà nước bổ nhiệm là Bộ trưởng Bộ văn hóa Bulgaria. Chưa hết, Stefan Danailov còn là Nghị sĩ quốc hội mấy khóa liền.

Những Panno có ảnh Stefan Danailov trong các vai diễn trưng bày khắp đường phố vào ngày anh qua đời. Ảnh: Trâm Nguyễn

Những Panno có ảnh Stefan Danailov trong các vai diễn trưng bày khắp đường phố vào ngày anh qua đời. Ảnh: Trâm Nguyễn

Suốt cuộc đời của Stefan Danailov dù ở vai trò nào anh đều vắt hết khả năng của mình để cống hiến, dường như thượng đế đã ban cho anh tài năng làm nghệ thuật, bản thân anh không ngừng thu nạp kiến thức để phục vụ cho nhân loại nên Stefan Danailov như quên luôn chăm sóc sức khỏe bản thân, anh đã mắc vài chứng bệnh nan y, bệnh tật đã đưa anh đi về cõi thiêng lúc 77 tuổi ở tuổi chưa quá già, vì thế đã làm cho triệu triệu khán giả yêu mến Stefan Danailov đã hụt hẫng, với “Trên từng cây số” thương nhớ càng tăng lên cho đến mãi sau này. Đó là lý do mà Fan của Stefan Danailov gọi anh là “Con người Vĩ đại”.

Nguyễn Thị Trâm (CHLB Đức)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/van-nho-day-a-nop-trong-phim-tren-tung-cay-so-361255.html
Zalo