Văn khoa Sài Gòn - một thời hoa lửa
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại học Văn khoa Sài Gòn là một trong những cái nôi của phong trào sinh viên học sinh yêu nước ở miền Nam.
Dưới ngọn cờ tập hợp, đoàn kết của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam quân và dân miền Nam nói chung, sinh viên học sinh Sài Gòn - Gia Định nói riêng, trong đó có sinh viên Văn khoa Sài Gòn với tài năng, nhiệt huyết, khí phách quật khởi của tuổi trẻ đã dốc sức, dốc lòng, kiên cường đấu tranh cho đến ngày toàn thắng.
Nơi ươm mầm hạt giống cách mạng
Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn thuộc viện Đại học Sài Gòn (nay là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TPHCM). Văn khoa Sài Gòn là một trong ba trường đại học lớn trong số 14 trường thuộc Viện Đại học Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ. Thực hiện chủ trương, chiến lược của Đảng xây dựng lực lượng cách mạng, phát động phong trào đấu tranh chính trị, giành quyền làm chủ ở các đô thị miền Nam; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Sài Gòn - Gia Định, từ năm 1962 những hạt nhân cơ sở cách mạng đã được bố trí ghi danh vào học tại Văn khoa. Quá trình xây dựng lực lượng cách mạng ở Đại học Văn khoa trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy với mục đích vạch trần được tội ác của địch, sự suy đồi của một nền văn hóa, giáo dục nô dịch để hướng quần chúng sinh viên đến với cách mạng. Đến giữa năm 1964, khi tình hình đã chín muồi cùng với nhu cầu phát triển Đoàn trong hàng ngũ sinh viên Văn khoa, chi đoàn sinh viên Văn khoa đầu tiên được thành lập với 3 đoàn viên Nguyễn Thị Quế Lan (Ba Đào), Tôn Nữ Quỳnh Trân (Năm Hằng) và Huỳnh Thiện Kim Tuyến (Tư Liên - Bí thư).
Bắt nguồn từ nòng cốt này, Văn khoa đã có một bước tiến trong việc giành vai trò Hội đồng Đại diện cũng như Ban Chấp hành về cho sinh viên tiến bộ nắm. Đến giữa năm 1969, chi bộ Văn khoa được thành lập với mục đích nâng dần ý chí cách mạng trong sinh viên và mời gọi tham gia các phong trào đấu tranh công khai ở trong và ngoài nhà trường. Văn khoa là môi trường để phát hiện, bồi dưỡng, dìu dắt, rèn luyện các sinh viên tiến bộ, ưu tú trở thành các cán bộ lãnh đạo, các thủ lĩnh để đưa vào tổ chức, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên học sinh đô thành Sài Gòn và các vùng phụ cận. Nhiều người trong số họ đã trở thành những hạt nhân lãnh đạo cốt cán của tổ chức, những chiến sĩ cách mạng tài ba, kiên trung, quả cảm đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Từ nơi đây, giảng đường biến thành các diễn đàn hội thảo, các cuộc bãi khóa rồi rầm rập đốt đuốc xuống đường biểu tình, tranh thủ sự ủng hộ của sinh viên các trường, các nước cùng vào trận tuyến. Giặc càng đàn áp, khủng bố thì các cuộc đấu tranh của sinh viên càng quyết liệt, bất khuất.
Nơi hội tụ của những con người tài hoa, quả cảm
Ngay từ khi mới thành lập, Đại học Văn khoa đã là điểm đến, quy tụ nhiều giáo sư, học giả có uy tín ở miền Nam lúc bấy giờ. Đó là những người thầy tiến bộ, mẫu mực, ủng hộ cách mạng và phong trào đấu tranh của sinh viên như: Giáo sư Nguyễn Văn Kiết, Tôn Thất Dương Kỵ, Lý Chánh Trung, Châu Long, Nguyễn Văn Trung… Những anh chị lãnh đạo đã dày công gây dựng, dìu dắt phong trào trong những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách, nguy hiểm như chị Huỳnh Thiện Kim Tuyến, anh Trầm Khiêm, chị Cao Thị Quế Hương…
Anh Nguyễn Thanh Tòng, Trần Văn Long, Nguyễn Tuấn Kiệt, sau khi trở về từ chuồng cọp Côn Đảo đã cùng các sinh viên trường khác dũng cảm đứng ra tố cáo sự dã man, tàn nhẫn của chế độ lao tù đế quốc và cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. Chị Huỳnh Thiện Kim Tuyến (Tư Liên) vừa đi làm, đi học vừa hoạt động cách mạng vừa cơm nước cho cả tổ “Vũ trang-Tuyên truyền” của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng từ mái trường Văn khoa đã xuất hiện những nhạc sĩ, ca sĩ sinh viên tiêu biểu trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” như Trương Quốc Khánh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Trần Long Ẩn, Trần Xuân Tiến… Những con người tài hoa ấy đã sáng tác, hát vang những ca khúc được chưng cất từ ngọn lửa trái tim tràn đầy nhiệt huyết, từ tình yêu đất nước nồng nàn, từ lý tưởng và khát vọng tuổi trẻ làm lay động con tim, tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của thanh niên sinh viên, nuôi dưỡng tinh thần quật cường tranh đấu. Đặc biệt ca khúc “Tự nguyện” của anh Trương Quốc Khánh ra đời tại Văn khoa như một lời hiệu triệu, kêu gọi hàng triệu thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam xuống đường đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, độc lập cho dân tộc.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng thời “hoa lửa” của sinh viên Văn khoa đã góp phần vào bản hùng ca về một thế hệ thanh niên, sinh viên học sinh trong sáng, sôi nổi, nhiệt thành, bản lĩnh, trí tuệ đã “cháy” hết mình cho lý tưởng, sẵn sàng dấn thân vào con đường đấu tranh, dâng hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời là minh chứng cho sức mạnh vô song của tuổi trẻ khi được tập hợp, tổ chức, lãnh đạo để cùng chung sức đồng lòng thực hiện sự nghiệp chung. Truyền thống vẻ vang của sinh viên Văn khoa Sài Gòn nói riêng, của thanh niên sinh viên học sinh nói chung tiếp thêm nguồn cảm hứng, động lực, khơi dậy khát vọng cống hiến của tuổi trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.