Văn khấn cúng Tất niên Tết Ất Tỵ 2025 chi tiết, đầy đủ nhất

Lễ cúng Tất niên là một trong những nghi thức quan trọng của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Đây là lúc để gia đình quây quần, bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên, cảm tạ những gì đã qua và chào đón năm mới với nhiều hy vọng tốt lành.

Văn khấn cúng Tất niên Tết Ất Tỵ 2025 chi tiết, đầy đủ nhất. Ảnh minh họa

Văn khấn cúng Tất niên Tết Ất Tỵ 2025 chi tiết, đầy đủ nhất. Ảnh minh họa

Thời gian tổ chức Lễ cúng Tất niên

Thời điểm thích hợp:

Ngày 29 tháng Chạp (năm thiếu).

Ngày 30 tháng Chạp (năm đủ).

Giờ tốt để thực hiện lễ cúng:

Chọn giờ hoàng đạo trong ngày, như giờ Tỵ (9h-11h), giờ Ngọ (11h-13h), hoặc giờ Mùi (13h-15h).

Tùy thuộc vào phong tục vùng miền và lịch vạn niên để chọn thời gian phù hợp nhất.

Chuẩn bị cho lễ cúng Tất niên đón Tết Ất Tỵ 2025

Lễ cúng Tất niên là một nghi thức truyền thống quan trọng của người Việt vào dịp cuối năm, nhằm tiễn biệt năm cũ và đón chào năm mới. Đây không chỉ là dịp để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, thần linh mà còn là thời gian để gia đình đoàn tụ, chia sẻ niềm vui, hy vọng về một năm mới an khang, thịnh vượng. Lễ cúng Tất niên thường được chuẩn bị trang trọng vào chiều 30 Tết, sau khi gia đình đã hoàn tất công việc vệ sinh nhà cửa, trang hoàng không gian và bày biện bàn thờ. Đặc biệt, mâm cúng Tất niên không nặng về vật chất mà tập trung vào tâm ý và sự thành kính của gia chủ.

Các lễ vật cúng Tất niên cần chuẩn bị

Trái cây: Trái cây tươi ngon được chọn lựa kỹ càng, bao gồm các loại quả như bưởi, cam, quýt, chuối, nho… không chỉ để dâng lên tổ tiên mà còn thể hiện sự trù phú, sum vầy.

Hoa tươi: Thường là hoa cúc, hoa huệ, hoa ly, được sử dụng để bày trên mâm cúng, biểu trưng cho sự tươi mới, thuần khiết và tôn trọng.

Nhang rồng phụng: Loại nhang này thường được chọn trong các dịp cúng lễ quan trọng, với ý nghĩa tôn thờ, vượng khí.

Đèn cầy: Đèn cầy được thắp sáng để tạo không gian trang nghiêm, giúp xua tan bóng tối, thể hiện sự trong sáng và sự soi đường của tổ tiên.

Gạo, muối: Những vật phẩm này mang ý nghĩa cho sự no đủ, bình an, là nguồn sống cho gia đình.

Trà, Rượu, Nước lọc: Được dâng lên tổ tiên và thần linh, thể hiện sự kính trọng và lòng thành của gia chủ.

Giấy tiền vàng mã: Giấy tiền vàng mã là lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng, tượng trưng cho việc dâng lên tổ tiên, giúp họ có thể sử dụng trên cõi âm.

Bánh kẹo: Những món bánh kẹo truyền thống như bánh dẻo, bánh chưng, bánh tét không thể thiếu, tượng trưng cho sự ngọt ngào, đoàn viên.

Trầu cau: Trầu cau thể hiện lòng hiếu thảo, sự gắn kết giữa con cháu và tổ tiên.

Chè, Xôi, Cháo trắng: Những món ăn đơn giản nhưng mang đậm nét truyền thống, thể hiện sự tinh tế trong lễ nghi cúng kiếng.

Tam sên: Thường gồm ba món chính là thịt heo, trứng và tôm, là lễ vật cúng không thể thiếu trong các dịp cúng thần linh, tổ tiên.

Gà ta: Gà ta luộc hoặc quay, thường được chọn vì đây là món ăn đặc biệt, thể hiện sự kính trọng đối với thần linh và tổ tiên.

Heo sữa quay: Đây là món ăn sang trọng, thể hiện sự thịnh vượng, đủ đầy trong gia đình.

Bánh bao: Bánh bao tượng trưng cho sự tròn đầy, may mắn, cầu mong một năm mới an lành.

Bánh chưng/bánh tét: Những chiếc bánh này không thể thiếu trong mâm cúng Tết, biểu trưng cho đất trời, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại.

Chả lụa: Là món ăn truyền thống trong các mâm cúng, thể hiện sự đầy đủ và trọn vẹn.

Bình hoa, Lư nhang: Bình hoa tươi đẹp và lư nhang được sử dụng để tăng thêm không khí trang nghiêm, tôn thờ tổ tiên.

Văn khấn Tất niên theo “Văn khấn cổ truyền Việt Nam”

– Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương.

– Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị tôn thần.

– Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.

– Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương.

– Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.

– Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.

– Con kính lạy chư gia Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, tiên linh nội ngoại họ …

Hôm nay là ngày … tháng Chạp năm Quý Mão

Tín chủ (chúng) con là: …

Ngụ tại…

Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.

Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.

Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khỏe, gia đình hòa thuận.

Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô A-Di-Đà Phật (3 lần, 3 lạy).

Văn khấn Tất niên theo sách “Văn khấn nôm truyền thống”

Nam mô A di Đà Phật

Nam mô A di Đà Phật

Nam mô A di Đà Phật

Kính lạy:

– Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

– Ngài Kim niên đương cai Thái tuế Chí đức Tôn thần.

– Ngài bản cảnh Hoàng Thành chư vị Đại vương.

– Các ngài Ngũ Phương, Ngũ thổ long mạch Tài thần. Bản gia Táo quân cùng tất cả các vị thần linh cai quản ở trong xứ này.

– Chư gia Cao Tằng tổ khảo tỷ tiên linh nội ngoại.

Hôm nay là ngày 30 tháng Chạp năm……………………… tín chủ chúng con là:……………….

Ngụ tại:…………… (địa chỉ nơi ở)

Trước án tọa kính cẩn thưa trình:

Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới. Nay là ngày 30 Tết, chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh vật phẩm hương hoa, cơm canh cụ soạn, sửa lễ tất niên, dâng cúng Thiên địa Tôn thần, phụng hiến tổ tiên, truy niệm chư linh. Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị Tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chủ hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ cho toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng.

Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Những lưu ý quan trọng khi cúng Tất niên

Lựa chọn ngày cúng: Lễ cúng Tất Niên thường được tổ chức vào chiều hoặc tối cuối năm, trước khi đón giao thừa. Thời gian này giúp gia đình kịp tiễn biệt năm cũ và đón chào năm mới.

Vị trí cúng: Mâm cúng nên được đặt ở một nơi trang trọng, sạch sẽ, thường là trên bàn thờ tổ tiên hoặc một nơi trong nhà, nơi gia đình có thể quây quần, cùng nhau cầu nguyện cho một năm mới tốt đẹp.

Khấn đúng và thành tâm: Khi thực hiện lễ cúng, bạn cần đọc đúng bài văn khấn và thể hiện lòng thành kính, không vội vàng, không cẩu thả. Lời khấn nên được đọc với lòng thành kính, đầy đủ tôn trọng đối với các vị thần linh và tổ tiên.

Không khí lễ cúng: Lễ cúng cần có không khí trang nghiêm, mọi người trong gia đình nên tránh những hành động ồn ào, làm mất đi sự tôn trọng trong buổi lễ.

T.Quang (t/h)

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/van-khan-cung-tat-nien-tet-at-ty-2025-chi-tiet-day-du-nhat-407787.html
Zalo