Văn học thiếu nhi Việt Nam đầu thế kỷ 21: Ánh mắt tâm huyết từ Văn Thành Lê
Tác phẩm phê bình văn chương hiếm hoi vừa ra mắt trên thị trường Văn học thiếu nhi Việt Nam đầu thế kỷ 21 - Những điều đọng lại trong con mắt nhắm của tác giả Văn Thành Lê do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Tác phẩm luận bàn văn chương thiếu nhi.
“Cuốn sách thật đáng đọc để có được sự lạc quan về sự chuyển mình của văn học thiếu nhi, đồng thời có thêm sự nghiêm túc, khắt khe với chính mình - từ phía những người viết” - đó là nhận xét từ tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh về tác phẩm mới của nhà văn Văn Thành Lê.
Văn học thiếu nhi là chi?
Là tác giả 17 tựa sách, vừa sáng tác vừa làm sách cho thiếu nhi, nhà văn Văn Thành Lê còn có sự quan tâm và nghiên cứu văn học thiếu nhi Việt Nam suốt hơn 2 thập niên qua. Khi nhìn lại dòng chảy văn học thiếu nhi từ thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21 từ vô số các bài báo đến “thực tế đời sống sinh hoạt văn chương”, tác giả bày tỏ sự “phân vân hoài nghi” trước nhiều hiện tượng vàng thau lẫn lộn, “chưa đủ bao quát và nhìn nhận một cách công bằng với dòng chảy văn học thiếu nhi 25 năm qua”.
Văn học thiếu nhi Việt cần giữ vị trí riêng biệt, với câu chuyện, lời thoại, nhân vật mang phong vị, tâm hồn Việt cho độc giả nhỏ tuổi dễ cảm, dễ chạm, dễ bắt sóng (trang 175).
Vì vậy, nhà văn Văn Thành Lê “nhắm mắt tĩnh lặng nghĩ suy” với mong mỏi hệ thống được sự chuyển động văn học thiếu nhi và giới thiệu tập bài viết luận góp thêm tiếng nói về văn học thiếu nhi. Nỗ lực đáng quý của anh xứng đáng được người đọc đón nhận và trân trọng trên tinh thần cởi mở.
Tác giả cho hay văn học thiếu nhi Việt Nam chỉ thật sự khởi đi từ những năm 1920, đánh dấu bằng tiểu thuyết Quả dưa đỏ của Nguyễn Trọng Thuật in năm 1925 (trang 23). Vậy nên các nhà phê bình, nhà báo xin đừng nên so sánh bất công rằng văn học thiếu nhi trong nước “thua ngay trên sân nhà” so với văn học thiếu nhi thế giới vốn đã là tòa “lâu đài lộng lẫy”.
Sau khi đọc Những điều đọng lại trong con mắt nhắm của Văn Thành Lê, tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh nhận xét: “Một cái nhìn vừa bao quát vừa tỉ mỉ của một người thực sự (chứ không ra vẻ) quan tâm đến văn học thiếu nhi. Người này (tác giả - PV) chịu đọc và đọc kỹ, đọc với tấm lòng trân trọng từng tác giả và giãi bày thẳng thắn về từng tác phẩm đã đọc, bất kể người ấy là ai, một cây bút gạo cội hay người chớm chạm ngõ làng văn viết cho trẻ em. Có những phát hiện, thán phục. Có những nhận xét, tiếc nuối. Có những chia sẻ, mong đợi… Văn Thành Lê vốn hay mở mắt (mơ) nhưng lại bịt tai (nghe) và bây giờ thì nhắm mắt để thấy. Thấy rồi thì có thêm lòng tin, giữ nguyên kỳ vọng”.
“Của tin gọi một chút này”
Tác giả Văn Thành Lê cho rằng văn chương nói riêng hay sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung “vẫn là chuyện, là cuộc đi tự thân của mỗi tác giả”. Ông ghi nhận, phân tích khá tỉ mỉ về sự thay đổi trong quan niệm, chức năng văn học thiếu nhi; chuyển động từ ngành xuất bản, đội ngũ sáng tác, đề tài thể loại; chuyển động của các nhà nghiên cứu, phê bình, truyền thông báo chí và cả mạng xã hội về văn học thiếu nhi cùng công tác khuyến đọc nói chung gần đây.
Tác giả đánh giá 25 năm qua, số lượng tác phẩm dành cho thiếu nhi đọng lại chỉ là số ít gọi ra được đúng tinh thần trẻ em, lời thơ câu chuyện có thể làm bạn với trẻ em hoặc thật sự gợi dẫn đến trí tưởng, niềm mong mỏi và ước muốn của trẻ thơ. Chính vì vậy, Văn Thành Lê rất trân trọng một số tác phẩm tiêu biểu tạo được giá trị và dấu ấn như: Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Nguyễn Ngọc Thuần), Tôi là Bêtô (Nguyễn Nhật Ánh), Con chuồn chuồn đẹp nhất (Cao Xuân Sơn), Ra vườn nhặt nắng (Nguyễn Thế Hoàng Linh), Cà Nóng chu du Trường Sa (Bùi Tiểu Quyên), Cá Linh đi học (Lê Quang Trạng), Thưa ngoại con mới về (Lam)…
“Của tin gọi một chút này”, tác giả Văn Thành Lê gửi gắm một vài lời kết lạc quan như văn học thiếu nhi dần bước ra khỏi “tính giáo dục giáo điều giáo khoa”. Các cuộc vận động, giải thưởng viết cho thiếu nhi ngày càng nhiều hơn. Mảng nghiên cứu phê bình khởi sắc, thoát cảnh “chợ chiều đìu hiu”. Văn hóa đọc lan tỏa và đã xuất hiện thế hệ tác giả trẻ 8X đến 2K dấn thân vào con đường văn chương thiếu nhi một cách rõ ràng với những câu chuyện gắn liền với hơi thở thời cuộc. Thị trường sách được quan tâm hơn và thể loại sách tranh ghi dấu ấn với chất lượng tiệm cận thế giới.