Văn học nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất
Ngày 29/4, Hội thảo 50 năm nền Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) được tổ chức.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên phát biểu tại hội thảo.
Khai mạc hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Long Nguyễn Trung Kiên cho biết, 50 năm qua, hoạt động văn học nghệ thuật tỉnh đã trải qua 3 giai đoạn, tương ứng với quá trình chia tách, tái lập tỉnh gồm: Văn nghệ Vĩnh Long (30/2/1975-2/1976), Văn nghệ Cửu Long (1976-1991) và Văn nghệ Vĩnh Long (1992-2025). Trong bất kỳ giai đoạn nào, hoạt động văn học nghệ thuật luôn được sự quan tâm lãnh đạo, định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện của các ngành, cấp. Cùng với đó, sự tâm huyết, nỗ lực sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ đã giúp hoạt động nghệ thuật của tỉnh không ngừng phát triển. Hội thảo đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình 50 năm nền văn học nghệ thuật Vĩnh Long sau ngày thống nhất đất nước, đồng thời là cơ hội để văn học nghệ thuật tỉnh bước sang một trang mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, góp phần lan tỏa các giá trị, bản sắc văn hóa của Vĩnh Long đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long (đơn vị tổ chức hội thảo) Trần Thanh Sơn cho biết, Hội hiện có 211 hội viên, bên cạnh đó là đông đảo các thế hệ văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn nghệ đã và đang tìm tòi, nghiên cứu, sáng tác để cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Trong 50 năm qua, hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa trên các lĩnh vực. Qua đó, hàng trăm tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được khẳng định, được công chúng đón nhận. Tuy nhiên, hoạt động văn học nghệ thuật 50 năm qua vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là chưa có những tác phẩm ngang tầm với công cuộc đổi mới, phát triển của quê hương, đất nước; đội ngũ văn nghệ sĩ có sự chững lại về sáng tạo.

Quang cảnh hội thảo.
Theo ông Lê Hoàng Nam, Quyền Giám đốc Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long, phong trào văn nghệ quần chúng góp phần rất lớn vào việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Hiện, toàn tỉnh có gần 1.000 câu lạc bộ, đội nhóm, đáp ứng nhu cầu, sở thích và tạo môi trường học tập, trau dồi phát huy năng khiếu của công chúng. Tuy nhiên, khó khăn phong trào văn nghệ quần chúng hiện nay là nguồn kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế so với nhu cầu, cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn; hoạt động văn nghệ quần chúng nhiều nơi còn kém chất lượng, chưa thu hút sự quan tâm của người dân...
Thời gian tới, tỉnh cần nâng chất lượng và số lượng các câu lạc bộ, đội nhóm sở thích để tạo hạt nhân cho phong trào; nâng chất lượng và số lượng các hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng để phong trào ngày càng lan tỏa sâu rộng; chú trọng bồi dưỡng lực lượng nòng cốt của phong trào và lực lượng kế thừa, nhất là các tài năng trẻ có đam mê, nhiệt huyết. Đặc biệt, tỉnh cần nâng cao chất lượng của phong trào từ nội dung đến hình thức, phù hợp với truyền thống dân tộc, gần gũi với hiện thực cuộc sống, phản ánh được ước vọng của nhân dân.

Đại biểu tham quan triển lãm sách, ảnh tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ thành tựu của nền văn học, nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long 50 năm qua trong các lĩnh vực văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, văn nghệ quần chúng...; đồng thời đề xuất, kiến nghị những chủ trương, chính sách, hướng phát triển mới để văn nghệ sĩ phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần đoàn kết, hăng say sáng tạo ra những công trình có giá trị cao, phục vụ nhân dân, đất nước.