Văn học Hàn Quốc thành công do đâu?
Với việc gọi tên Han Kang tại giải Nobel Văn chương 2024 vừa qua, có thể thấy văn chương Hàn Quốc đang ngày càng cất cánh bay xa trên trường quốc tế.
Tuy vậy ít người biết rằng văn chương của đất nước này từng bị “ghẻ lạnh” ở các thị trường lớn một thập niên trước, thậm chí cuốn “Người ăn chay” góp phần rất lớn vào việc vinh danh Han Kang cũng có khởi đầu không mấy dễ dàng trước khi thắng giải Man Booker Quốc tế 2016.
Joseph Lee - Chủ tịch của KL Management, đơn vị giao dịch bản quyền sách văn học có trụ sở tại Hàn Quốc, người đưa tác phẩm nói trên ra thế giới nói tiếng Anh - đã chia sẻ rằng ban đầu không nhà xuất bản lớn nào đồng ý giới thiệu “Người ăn chay” vì nó nặng nề và quá khó đọc. May mắn thay một nhà xuất bản độc lập có quy mô nhỏ (và giờ không còn tồn tại) đã đồng ý, dẫn đến gặt hái được thành công lớn.
Bằng dấu mốc này, những nhà văn Hàn Quốc bắt đầu bước ra thế giới. Cùng thế hệ Han Kang có thể kể đến Kim Young-ha (“Chơi Quiz Show”, “Tôi có quyền hủy hoại bản thân”...), Bae Suah (Ngày và đêm), Jeong You-Jeong (“28”, “7 năm bóng tối”...). Thế hệ lớn hơn có thể kể đến Hwang Sok-yong (Công chúa Bari), Ko Un (Từng bước chân nở hoa). Ngoài thành công bước đầu của Han Kang cũng không thể không kể đến những nỗ lực của LTI - Viện Dịch thuật Văn học Hàn Quốc - trong việc tài trợ, hỗ trợ chi phí cho việc chuyển ngữ các tác phẩm này sang nhiều ngôn ngữ. Thành lập vào năm 1996, đây là cơ quan đắc lực trong làn sóng Hallyu để xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc ra thế giới. Gần 3 thập niên hoạt động không ngừng nghỉ, có thể nói chính tầm nhìn dài hạn và có trọng tâm của các cơ quan quản lý văn hóa đã giúp “xứ sở kim chi” ngày càng quen thuộc với bạn đọc nước ngoài.
Kể từ năm 2022, giải Man Booker Quốc tế mỗi năm đều có sự góp mặt của những nhà văn Hàn Quốc. Nếu năm đầu tiên ghi nhận kỷ lục khi có 2 nhà văn lọt vào đề cử là Chung Bora với tập truyện “Chú thỏ nguyền rủa” và Sang Young Park với “Tình yêu ở thành phố lớn”, thì 2 năm tiếp theo ghi dấu Cheon Myeong-kwan với “The Whale” và Hwang Sok-yong cùng “Master 2-10”. Với chuỗi 3 năm liên tiếp có mặt trong danh sách rút gọn, Hàn Quốc có thể nói đang dẫn đầu châu Á ở thị trường quốc tế về số lượng cũng như sự ghi nhận.
Không dừng tại đó, tính riêng tại châu Á sau đại dịch, thì những tác phẩm “healing” có nội dung chữa lành của xứ sở kim chi cũng đang thống trị Trung Quốc, Thái Lan và các nước khác. Theo đó “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” (Kim Ho-Yeon), “Bách hóa giấc mơ của ngài Dollargut” (Lee Miye), “Tiệm giặt ủi Bon Bon” (Jiyun Kim), “Tiệm nước hoa ký ức” (Jin Seolla)... cũng liên tục dẫn đầu bảng xếp hạng về sách bán chạy, tiếp nối sự nổi tiếng của thị trường này.
Điều này cũng không thể không kể đến sự thành công của những yếu tố song song khác như điện ảnh, truyền hình cũng như ẩm thực. Nếu đồ ăn thức uống Hàn Quốc ngay từ rất sớm đã được người nước ngoài quen thuộc với kim chi, soju, banchan... thì thành công liên tiếp của “Parasite” (Bong Joon ho), “Minari” (Lee Isaac Chung), “Past Lives” (Celine Song) trong điện ảnh và “Squid Games”, “Pachinko”, “Beef”... trong truyền hình cũng góp phần “toàn cầu hóa” nền văn hóa này. Có thể nói thành công của văn chương không thể có nếu thiếu những yếu tố còn lại, khi chính làn sóng cộng hưởng liên tục nói trên đã giúp Hàn Quốc khuấy đảo nền nghệ thuật, giải trí đại chúng khi xu hướng hướng ra quốc tế và yêu thích những nền văn hóa khác lạ trong và sau đại dịch bùng nổ.
Nói về tác phẩm, chính sự giao thoa giữa cái chung - tính hiện đại và cái riêng - bản sắc Hàn Quốc, đã giúp những sản phẩm từ đây không chỉ dễ tiếp thu mà còn có cá tính riêng. Chẳng hạn “Bản chất của người” (Han Kang) và “Master 2-10” (Hwang Sok-yong) là những tác phẩm tái hiện một Hàn Quốc thời quá khứ khốc liệt. Nếu Han Kang đã nói những điều không thể nói về cuộc thảm sát trong Phong trào dân chủ Gwangju diễn ra vào năm 1980 khiến hàng trăm người chết, thì qua 3 thế hệ công nhân đường sắt, bậc thầy văn chương Hwang Sok-yong cũng đã dựng lại một trang sử dài của đất nước này. Với những chìm nổi và các thân phận mong manh, những sự kiện đáng nhớ này bằng sự khốc liệt đã thu hút sự quan tâm của độc giả toàn cầu thứ mà vào thập niên 1970, 1980, điều tương tự cũng đã xảy ra với các nhà văn châu Mỹ Latin.
Ngoài câu chuyện quá khứ, các nhà văn này cũng rất quan tâm đến đời sống đương đại để viết về những vấn đề gần như phổ quát của mọi cá thể trong cuộc sống này. Chẳng hạn trong “Con thỏ nguyền rủa”, Chung Bora đã viết rất nhiều về sự “trả thù” nhằm vào sự đàn áp người phụ nữ và các cách biệt giàu - nghèo, giai tầng xã hội... Hay trong “Người ăn chay”, Han Kang cũng viết về một người phụ nữ biến mình thành cây nhưng thay vì nhận được sự chia sẻ, thấu hiểu, thì những gì cha mẹ và anh chị em ruột làm là bỏ mặc và áp chế cô vào những khuôn mẫu của cuộc sống đương đại... Đây có thể nói là chuyện không của riêng ai, kết hợp với cách sử dụng hình tượng độc đáo, nhiều độc giả đã nhìn thấy mình giữa các dòng văn và sự phản kháng văn chương mang lại - một thứ gần như quyền lực tuyệt vời mà trong cuộc sống thực họ rất muốn có nhưng lại không thể.
Thành công nói trên cũng không thể không nhắc đến những sáng tạo tuyệt vời của các nhà văn. Ở Hàn Quốc, tính cho đến nay thì Han Kang, Bae Suah và Chung Bora chính là tam trụ của “bộ mặt” văn chương Hàn Quốc ở nước ngoài. Được truyền cảm hứng từ các nhà văn tiên phong J.L.Borges, W.G.Sebald... trong các tác phẩm của Han Kang và Bae Suah, tính hậu hiện đại trong việc xóa mờ ranh giới thể loại và trí tưởng tượng lên đến không cùng có thể nói là yếu tố quan trọng nhất để thu hút độc giả.
Trong khi đó Chung Bora với kinh nghiệm trong việc giảng dạy văn học Bắc Âu và các thể loại huyễn tưởng, khoa học viễn tưởng đã đánh thức sự yêu thích những điều mới lạ của người đọc toàn cầu. Cuốn tiểu thuyết “The Whale” của Cheon Myeong-kwan lọt vào danh sách rút gọn giải Man Booker Quốc tế 2023 cũng được ca ngợi vì lối viết hiện thực huyền ảo đặc biệt, gợi nhớ đến Gabriel Garcia Marquez... Do đó không thể phủ nhận chính sự độc đáo trong bút pháp ở đa dạng thể loại cũng là yếu tố quan trọng tạo nên sức hút của nền văn chương này.
Ngược hẳn với điều trên, sự nhẹ nhàng trong dòng văn chữa lành lại là phía trục còn lại thu hút độc giả. Trong các tác phẩm kiểu này, câu chuyện thường được diễn ra trong một không gian công cộng thiếu sự kết nối mang tính cá nhân như hiệu sách, cửa hàng tiện lợi, tiệm giặt ủi, nhà trọ... nhưng bằng những gặp gỡ bất ngờ, họ đã chữa lành, che chở cho nhau khỏi những áp lực và sự tổn thương đến từ bên ngoài. Với văn hóa cố hữu là ít quan tâm đến người xung quanh của phương Tây và sự gần gũi văn hóa với các đất nước láng giềng mà nhiều tác phẩm này đã tạo được thành công lớn. Có một thực tế là ở Hàn Quốc thì các tác phẩm self-help, tản văn, triết học... cũng luôn được tiêu thụ với doanh số khổng lồ, do đó không khó hiểu để luận bàn về thành công của chúng bên ngoài đất nước.
Ngoài ra, một điều không thể không nhắc là thời điểm này ngày càng nhiều các nhà xuất bản Âu - Mỹ quan tâm đến các nền văn học thiểu số. Trong các năm qua, những nhà xuất bản như Tilted Axis Press, Fitzcarraldo Editions, New Directions Pushkin Press... liên tục góp mặt trong các đề cử giải thưởng từ Sách Quốc gia Mĩ, Booker, Booker Quốc tế cho đến đón đầu Nobel Văn chương, qua đó tạo cơ hội cho những nền xuất bản chưa tạo được nhiều dấu ấn ngày càng phổ biến hơn. Vì vậy có thể nói đây là lúc thiên thời, địa lợi, nhân hòa cho văn học Hàn Quốc với những quả trĩu nặng cành đã được vun trồng từ nhiều năm trước. Mô hình thành công của Hàn Quốc nói trên có thể là một điển hình cho các quốc gia khác quan tâm, học tập, từ đó hướng đến một nền văn chương “toàn cầu hóa” hơn, xứng đáng được ghi nhận trên trường quốc tế.