Văn hóa Việt trong hành trình vươn mình ra thế giới
Giữa dòng chảy biến động của thời đại, bài viết 'Vươn mình trong hội nhập quốc tế' của Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược về vai trò của hội nhập trong công cuộc phát triển quốc gia, mà còn gợi mở việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa trong giai đoạn mới.

ĐBQH. Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn hóa là cầu nối để các quốc gia hiểu nhau hơn và cùng hướng tới một tương lai phát triển bền vững. (Nguồn: Quochoi)
Trong thế giới ngày càng phẳng và gắn kết, văn hóa không chỉ là hồn cốt của một dân tộc mà còn trở thành ngôn ngữ chung của nhân loại, là cầu nối để các quốc gia hiểu nhau sâu sắc hơn và cùng hướng tới một tương lai phát triển bền vững. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh trong bài viết: “Hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc, hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan”, một tuyên ngôn đầy bản lĩnh thể hiện tinh thần vừa khai phóng, vừa kiên cường của văn hóa Việt Nam trong hành trình vươn mình ra thế giới.
Đặc biệt, khi đề cập vai trò của văn hóa trong chiến lược hội nhập toàn diện, bài viết khẳng định: “Về văn hóa, hội nhập nhưng phải gắn với bảo tồn, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp nội dung, các sản phẩm, thương hiệu văn hóa có chất lượng và năng lực cạnh tranh toàn cầu".
Vai trò của văn hóa trong chiến lược hội nhập quốc tế
Trong suốt hành trình dựng nước và giữ nước, văn hóa luôn là dòng mạch ngầm nuôi dưỡng bản lĩnh và bản sắc Việt Nam. Ở mỗi bước ngoặt của lịch sử, từ những thời khắc lửa đạn đến những năm tháng hòa bình, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn là điểm tựa để chúng ta vượt qua thử thách, đứng vững trước phong ba. Hôm nay, trong hành trình hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, văn hóa luôn là trụ cột không thể thiếu trong chiến lược phát triển đất nước, là sức mạnh mềm giúp Việt Nam khẳng định vị thế và đóng góp tích cực vào cộng đồng quốc tế.
Trong bài viết mang tính chỉ đạo chiến lược “Vươn mình hội nhập quốc tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Hội nhập quốc tế phải mang tính chất đồng bộ, toàn diện, sâu rộng, trong đó các lĩnh vực phải gắn kết chặt chẽ, bổ sung cho nhau trong một chiến lược tổng thể”. Điều này không chỉ nhấn mạnh vai trò không thể tách rời của các lĩnh vực trong quá trình hội nhập, mà còn gợi mở rằng văn hóa không thể đứng ngoài cuộc, không thể chỉ là “màu nền” cho những hoạt động kinh tế, chính trị, mà phải được nhìn nhận như một cấu phần trung tâm, nơi linh hồn của dân tộc được thể hiện rõ nét nhất.
Văn hóa trong chiến lược hội nhập quốc tế chính là cầu nối vô hình nhưng vững bền nhất giữa các dân tộc. Nếu kinh tế đem lại lợi ích vật chất, khoa học kỹ thuật mở rộng năng lực sản xuất, thì văn hóa chạm vào chiều sâu của tâm hồn, gợi lên sự thấu hiểu, thiện cảm và tôn trọng lẫn nhau. Chính vì vậy, phát triển văn hóa trong hội nhập không chỉ là việc “xuất khẩu” các giá trị truyền thống, mà còn là cách để kể câu chuyện của mình với thế giới một cách chân thành, tự tin và đầy bản sắc.
Nhìn ra thế giới, bài học từ các quốc gia đi trước là minh chứng sống động cho vai trò chiến lược của văn hóa trong hội nhập. Hàn Quốc, từ một đất nước nghèo khó sau chiến tranh, đã vươn mình thành cường quốc văn hóa nhờ chiến lược “quyền lực mềm” hết sức bài bản và kiên trì. Chính phủ Hàn Quốc đã sớm nhận ra rằng văn hóa đại chúng từ âm nhạc K-pop, phim truyền hình, ẩm thực đến thời trang có thể trở thành lực đẩy mạnh mẽ cho du lịch, xuất khẩu và đầu tư. Không chỉ dừng lại ở giải trí, làn sóng Hallyu đã lan tỏa hình ảnh một Hàn Quốc hiện đại nhưng vẫn gìn giữ bản sắc, góp phần gia tăng sự yêu mến và ảnh hưởng của đất nước này trong các mối quan hệ quốc tế.
Trong khi đó, Nhật Bản không vội vàng “chạy đua” với làn sóng đại chúng, mà âm thầm xây dựng một hình ảnh tinh tế, sâu sắc và đầy chiều sâu văn hóa qua các giá trị truyền thống như trà đạo, võ đạo, nghệ thuật cắm hoa, văn học cổ điển, kết hợp với công nghệ tiên tiến, sáng tạo trong anime, manga, game… Chính sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đã giúp Nhật Bản không chỉ trở thành cường quốc kinh tế, mà còn là quốc gia được yêu mến và ngưỡng mộ trên khắp thế giới.
"Phát triển văn hóa trong hội nhập không chỉ là việc 'xuất khẩu' các giá trị truyền thống, mà còn là cách để kể câu chuyện của mình với thế giới một cách chân thành, tự tin và đầy bản sắc".
Trung Quốc, với tham vọng khẳng định vị thế cường quốc toàn cầu, đã kiên định xây dựng hình ảnh đất nước thông qua việc phát triển hệ thống Viện Khổng Tử - một mạng lưới toàn cầu nhằm truyền bá tiếng Trung và văn hóa Trung Hoa. Đồng thời, nước này đẩy mạnh sản xuất phim ảnh, xuất bản sách, tổ chức các lễ hội văn hóa quốc tế như phương tiện kết nối thế giới bằng “câu chuyện Trung Quốc”. Dù gây tranh cãi về mặt ý thức hệ, không thể phủ nhận rằng văn hóa đã trở thành một trong những “vũ khí mềm” hữu hiệu của Trung Quốc trong thế trận toàn cầu.

Văn hóa phải trở thành linh hồn của chính sách hội nhập. (Nguồn: VGP)
Từ những kinh nghiệm trên, có thể thấy không có quốc gia nào vươn lên tầm vóc quốc tế mà thiếu vắng chiến lược văn hóa. Văn hóa không chỉ là biểu tượng của bản sắc dân tộc, mà còn là nguồn lực phát triển, là “chất keo” gắn kết lợi ích quốc gia với cộng đồng quốc tế, giúp nâng tầm vị thế, gây dựng lòng tin và hình thành những mối quan hệ bền vững hơn bất kỳ hợp đồng kinh tế nào.
Với Việt Nam, tiềm năng văn hóa là vô tận. Từ kho tàng di sản vật thể và phi vật thể, nghệ thuật dân gian, âm nhạc truyền thống, ẩm thực đa dạng, cho đến lối sống nhân ái, đoàn kết, yêu chuộng hòa bình, tất cả đều là những giá trị quý giá mà thế giới đang cần và mong muốn được hiểu thêm. Tuy nhiên, để văn hóa trở thành một trụ cột thực sự trong chiến lược hội nhập, chúng ta cần một bước chuyển tư duy mạnh mẽ hơn, đầu tư bài bản hơn, cần một chiến lược đồng bộ kết nối văn hóa với các ngành kinh tế mũi nhọn, với ngoại giao, giáo dục và truyền thông quốc tế.
Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh; hợp tác để đấu tranh và đấu tranh để hợp tác”. Ở đây, văn hóa chính là mặt trận mềm mại nhưng sâu sắc nhất, nơi Việt Nam có thể khẳng định lập trường, truyền cảm hứng và lan tỏa các giá trị tích cực của mình mà không cần tranh luận gay gắt hay xung đột. Khi các quốc gia hiểu nhau bằng ngôn ngữ văn hóa, sự khác biệt không còn là trở ngại, mà là điều khiến thế giới thêm phong phú và nhân văn.
Văn hóa trong hội nhập còn là hình ảnh của một dân tộc đang trưởng thành về nhận thức, bản lĩnh và khát vọng. Khi thế giới nhìn vào Việt Nam, họ sẽ không chỉ thấy một quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng, mà sẽ thấy một đất nước có chiều sâu văn hóa, có lòng bao dung, có bản sắc riêng biệt giữa một thế giới đang ngày càng đồng hóa. Chính điều đó làm nên giá trị bền vững, giúp Việt Nam đứng vững và tỏa sáng trong một thế giới đầy biến động.
Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần xác lập lại vị trí của văn hóa trong chiến lược quốc gia. Không chỉ là lĩnh vực riêng biệt, văn hóa phải trở thành linh hồn của chính sách hội nhập, trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong hoạch định đối ngoại, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch, giáo dục, và đặc biệt là xây dựng thương hiệu quốc gia. Đó là con đường để Việt Nam không chỉ hội nhập thành công, mà còn chạm đến trái tim thế giới bằng chính tâm hồn và tinh thần Việt Nam.
Giữ gìn bản sắc dân tộc không phải "đóng cửa, thu mình"
Trong thế giới ngày càng hội nhập, nơi ranh giới giữa các nền văn hóa ngày một mờ nhạt, giữ gìn bản sắc dân tộc không chỉ là một yêu cầu văn hóa, mà còn là một sứ mệnh chiến lược bảo vệ linh hồn của dân tộc trong dòng chảy toàn cầu. Hội nhập không đồng nghĩa với đánh mất mình. Trái lại, chỉ những ai hiểu rõ mình là ai, mình có gì, mình muốn gì… mới có thể bước ra thế giới với tư thế đĩnh đạc và tầm vóc trưởng thành.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã thể hiện tinh thần ấy một cách nhất quán và sâu sắc khi nhấn mạnh: “Hội nhập nhưng vẫn giữ bản sắc dân tộc, hội nhập, hòa nhập chứ không hòa tan". Đây không chỉ là một chỉ đạo về nhận thức, mà còn là lời nhắc nhở mang tính bản lĩnh, rằng trong mọi cuộc giao lưu, hợp tác, Việt Nam phải giữ mình để không đánh mất mình.

Tôn vinh và hiện đại hóa lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian, di sản phi vật thể để giới trẻ không chỉ biết mà còn tự hào và gắn bó. (Nguồn: NLĐ)
Trong nhiều thế kỷ, Việt Nam từng đối mặt với những thử thách sống còn để gìn giữ văn hóa dân tộc. Chúng ta đã tiếp thu Phật giáo từ Ấn Độ, Nho giáo từ Trung Hoa, Công giáo từ phương Tây nhưng chưa bao giờ đánh mất cốt cách Việt. Trong chiến tranh, dù gian khó đến đâu, câu ví dân gian, lời hát ru, mái đình, cây đa vẫn sống mãi trong lòng người. Trong hòa bình, khi cửa ngõ được mở ra, Việt Nam vẫn kiên định xây dựng một xã hội văn minh mà vẫn giữ được những phong tục, tập quán đầy nhân văn, một dân tộc “đói cho sạch, rách cho thơm”, giàu lòng nhân ái và trọng nghĩa tình.
Ngày nay, thách thức lớn nhất không đến từ bom đạn, mà đến từ nguy cơ “xâm lăng văn hóa” và “tự chuyển hóa” như Tổng Bí thư đã cảnh báo một cách thẳng thắn. Khi các giá trị ngoại lai tràn ngập qua mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử, chúng ta không còn đứng trước một cuộc xung đột vũ lực, mà là một cuộc chiến vô hình trong nhận thức, thị hiếu, lối sống và thẩm mỹ. Nếu không có một hệ miễn dịch văn hóa đủ mạnh, bản sắc rất dễ bị bào mòn.
Chính vì thế, giữ gìn bản sắc không phải là đóng cửa, thu mình hay khước từ hiện đại, mà là chủ động chọn lọc biết tiếp nhận cái mới, nhưng không để cái mới phủ lấp cái cũ; biết hòa nhập để lớn lên, nhưng không hòa tan để biến mất. Như Tổng Bí thư đã nêu: “Hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh; hợp tác để đấu tranh và đấu tranh để hợp tác". Trong cuộc chiến văn hóa, đây chính là phương châm hành động để mỗi bước tiến ra thế giới là một lần khẳng định bản sắc Việt.
Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ kinh nghiệm các nước. Hàn Quốc, trong khi xuất khẩu hàng triệu album K-pop và phim truyền hình, vẫn kiên quyết giữ gìn và truyền bá Hanbok, Hanok, ẩm thực truyền thống, thậm chí xây dựng cả ngày lễ “Hàn ngữ” nhằm củng cố tiếng mẹ đẻ. Nhật Bản dù đi đầu về công nghệ và lối sống hiện đại, vẫn giữ nguyên vẹn nghi lễ trà đạo, nghệ thuật gấp giấy origami và sự tôn kính trong giao tiếp. Trung Quốc dù thúc đẩy toàn cầu hóa mạnh mẽ, vẫn lấy Hán tự, thi thư, tư tưởng Khổng Tử làm trung tâm trong các chiến lược ngoại giao văn hóa.
Việt Nam cũng cần bước đi tương tự, xây dựng văn hóa như một “bức tường mềm” bao quanh tinh thần dân tộc, để mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài đều là cơ hội soi chiếu lại mình, làm giàu thêm giá trị nội sinh. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của cả hệ thống: Từ nhà nước với chính sách hỗ trợ bảo tồn và sáng tạo văn hóa, đến doanh nghiệp đồng hành cùng nghệ sĩ, quan trọng nhất là người dân trở thành chủ thể gìn giữ văn hóa trong đời sống thường nhật.
Cụ thể, chúng ta cần nâng cao vị thế của ngôn ngữ tiếng Việt trong hệ thống giáo dục, truyền thông và không gian mạng. Cần phục dựng, tôn vinh và hiện đại hóa lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian, di sản phi vật thể để giới trẻ không chỉ biết mà còn tự hào và gắn bó. Cần đưa bản sắc văn hóa vào trong thiết kế sản phẩm, kiến trúc, du lịch, thời trang, ẩm thực để văn hóa không nằm trong bảo tàng, mà hiện diện sống động giữa đời sống hằng ngày và cả trên thị trường quốc tế.
"Khi các giá trị ngoại lai tràn ngập qua mạng xã hội, phim ảnh, âm nhạc, trò chơi điện tử, chúng ta không còn đứng trước một cuộc xung đột vũ lực, mà là một cuộc chiến vô hình trong nhận thức, thị hiếu, lối sống và thẩm mỹ. Nếu không có một hệ miễn dịch văn hóa đủ mạnh, bản sắc rất dễ bị bào mòn".
Không ai khác, chính giới trẻ - thế hệ “vươn mình” mà Tổng Bí thư nhắc tới phải là những người truyền lửa, giữ hồn cho văn hóa dân tộc. Muốn thế, cần trao cho họ một nền giáo dục không chỉ dạy chữ, mà còn dạy gốc rễ văn hóa, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần trách nhiệm công dân trong thời đại toàn cầu. Để khi bước ra thế giới, họ có thể nói tiếng Anh lưu loát, sử dụng công nghệ điêu luyện, hợp tác linh hoạt nhưng trong tim vẫn là tiếng mẹ đẻ, là câu ca dao, là bóng dáng của quê hương.
Giữ gìn bản sắc văn hóa trong giao lưu quốc tế là để giữ lấy chính mình, không để tan biến trong muôn trùng sóng gió hội nhập. Hơn thế, là để từ cái riêng ấy, ta có thể đóng góp vào cái chung, để văn hóa Việt Nam không chỉ sống, mà tỏa sáng giữa đại dương nhân loại, như một ngọn lửa nhỏ nhưng vững vàng, âm ỉ cháy trong đêm dài, chờ thời khắc bừng sáng cùng thời đại.
Với tầm nhìn chiến lược, với tinh thần “vươn mình” đầy khát vọng mà Tổng Bí thư đã vạch ra, chúng ta tin rằng: Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia không chỉ mạnh về kinh tế, vững về an ninh, mà còn giàu bản sắc, hấp dẫn và truyền cảm hứng trong mắt bạn bè năm châu. Đó không chỉ là giấc mơ, mà là con đường cả dân tộc đang cùng nhau bước tới, với hành trang là niềm tin, là trí tuệ, là văn hóa bền bỉ, sâu sắc và trường tồn.