Văn hóa giao thông: Kiến tạo từ mỗi nếp nhà
Bàn về văn hóa giao thông, nhà văn Phạm Việt Long từng cho rằng: 'Nếu con người có ý thức tạo cho mình những thói quen tốt khi tham gia giao thông thì anh ta sẽ trở thành con người có văn hóa. Ngược lại, quen chen lấn, giành đường vượt ẩu, anh ta sẽ trở thành người thiếu văn hóa. Nếu được giáo dục tốt, có nhân cách tốt, thì tất yếu, khi tham gia giao thông, con người cũng biết tự trọng mà chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông'.
Những ngày cuối năm, những tác động mạnh mẽ tích cực của Nghị định 168 đã khiến câu chuyện kiến tạo văn hóa giao thông cho mỗi cá nhân, cho mỗi nếp nhà Việt lại một lần nữa được đặt ra.
Vượt đèn đỏ là hành vi mà người tham gia giao thông cố tình không dừng lại khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, tiếp tục điều khiển phương tiện đi qua ngã tư hoặc giao lộ. Đây là một hành vi vi phạm rõ ràng các quy định của Luật Giao thông đường bộ và có thể dẫn đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tuy nhiên, điều kì lạ là tại Việt Nam, không biết tự bao giờ, vượt đèn đỏ đã trở thành một… thói quen rất tự nhiên của rất nhiều người tham gia giao thông. Cách đây 3 năm, một đơn vị truyền thông đã thực hiện khảo sát và đưa ra con số làm ngỡ ngàng dư luận. Theo đó, họ đã đếm trong một nhịp đèn tín hiệu giao thông (khoảng hơn 90 giây) tại ngã tư Nguyễn Khang - Trần Duy Hưng (Hà Nội) có 87 phương tiện xe máy và ô tô vượt đèn đỏ.
Thành phần vượt đèn đỏ cũng đa dạng và phong phú, từ người già, trung tuổi, thanh niên, học sinh, người đi bộ. Tình trạng vượt đèn đỏ phổ biến tới mức khiến nhiều người quên rằng đó là hành động… vi phạm luật. Hoặc với nhiều người dù biết vượt đèn đỏ là sai, nhưng vẫn cố tình… vượt vì tiếc vài giây, vì thấy người khác… cũng vượt và đôi khi chỉ là vì… không có cảnh sát giao thông.
Nhưng trong cái hỗn loạn của bức tranh giao thông, đặc biệt tại các đô thị lớn trong những thời khắc lưu thông cao điểm, không chỉ có “thói quen vượt đèn đỏ”. Chỉ cần đứng quan sát một vài tiếng trên các cung đường lớn ở Hà Nội, TP.HCM, không khó bắt gặp những chiếc xe máy vô tư vi phạm Luật Giao thông đường bộ như chở hàng cồng kềnh, không đội mũ bảo hiểm, vừa lái xe vừa hút thuốc, nghe điện thoại, đi ngược chiều, chở quá người quy định, leo lên vỉa hè để lạng lách, di chuyển...
Và cái giá phải trả cho sự “vượt đèn đỏ như một thói quen”, của cái sự “tiếc một vài giây” hay “người khác vượt tôi cũng vượt”, “người khác đi ngược chiều tôi cũng đi”... là những hệ lụy khủng khiếp không gì đo đếm được, bởi, chúng được trả giá bằng máu, bằng tính mạng của những người cùng tham gia giao thông.
Trong con số 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 9.954 người, bị thương 16.044 người trong năm 2024 vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, có 3.065 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện đi không đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định làm chết 1.423 người, bị thương 2.764 người; 360 vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện không chấp hành tín hiệu đèn giao thông (vượt đèn đỏ), làm chết 122 người bị thương 301 người; 143 vụ tai nạn giao thông do phương tiện giao thông đi ngược chiều làm chết 38 người, bị thương 141 người…
Rất nhiều những vụ tai nạn giao thông vô cùng thương tâm đau xót chỉ từ nguyên nhân… vượt đèn đỏ. Như sự vụ ngày 12/9/2024, trên đường ĐT784 ấp Thuận Hòa, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. Ông Huỳnh Tuấn K (sinh năm 1978, ngụ ấp Thuận Hòa) điều khiển xe mô tô chở theo cháu Trần Trung Hiếu (sinh năm 2014, ngụ ấp Tân Mỹ, xã Phú Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) lưu thông từ hướng Trà Võ - Đất Sét về hướng đường ĐT784, vượt đèn đỏ tại ngã tư Đất Sét gây tai nạn với xe ô tô tải biển số 62H-033.38 do anh Trần Văn Được (sinh năm 1994, ngụ ấp 1, xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) điều khiển, lưu thông trên đường ĐT784 theo hướng xã Cầu Khởi đi xã Truông Mít. Ông Huỳnh Tuấn Kiệt tử vong sau vụ tai nạn.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, rất nhiều bài báo đã đặt ra câu hỏi: Vì sao những hiện tượng giao thông xấu xí như vượt đèn đỏ có cơ hội lan rộng, phổ biến đến như vậy? Vì chế tài chưa đủ mạnh, lực lượng chức năng chưa làm hết trách nhiệm hay việc tuyên truyền, giáo dục văn hóa giao thông còn đơn điệu, nặng tính hình thức, thiếu hiệu quả?
Cho đến những ngày tháng 1 vừa qua, câu trả lời thực sự thỏa đáng dường như mới thực sự xuất hiện sau những tác động ngày càng rõ rệt từ khi Nghị định 168/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 168) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Như một sự hóa giải thần kỳ, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin, chỉ sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Đặc biệt giao thông ngày càng đi vào nề nếp khi tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều… đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn. Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, việc tăng nặng mức phạt tiền với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc giao thông, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ và kèm theo đó là các hình thức xử lý nghiêm khắc như: tịch thu phương tiện, tước giấy phép lái xe có thời hạn, trừ điểm giấy phép lái xe quy định tại Nghị định 168 chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bằng luật pháp. Từ đó có cơ sở để giảm thiểu vi phạm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.
Tác động tích cực tới bức tranh giao thông từ Nghị định 168 đã rất rõ ràng. Nhưng mục tiêu lớn nhất của Nghị định 168 có dừng lại ở đó? Giải đáp câu hỏi này, đại diện Cục CSGT đã chia sẻ rất rõ: “Cơ quan chức năng, lực lượng thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đều xác định mục tiêu không phải để tăng mức thu tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước mà để quyết tâm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”.
“Bước sang năm 2025, với những quy định nghiêm khắc của pháp luật, với sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội, Cục CSGT mong muốn người tham gia giao thông, nhất là người điều khiển phương tiện cần tuân thủ các quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và tạo dần cho mình các thói quen tốt như: dừng xe lại khi đèn đỏ; không vượt ẩu; phóng nhanh; không điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu bia…”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, Cục CSGT thông chia sẻ.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT cũng cho biết, quan điểm của lực lượng CSGT là nâng mức xử lý vi phạm hành chính để răn đe, giáo dục một bộ phận người tham gia giao thông có ý thức chấp hành chưa tốt. Đồng thời, khích lệ động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông. Đã đến lúc phải thay đối những thói quen xấu khi tham gia giao thông vì nó làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước khiến đối tác, du khách nước ngoài đánh giá thấp hoặc lo sợ khi đi ra đường, làm giảm nhu cầu đầu tư nước ngoài.
“Mỗi người tham gia giao thông chỉ cần hình thành thói quen chấp hành như: Tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, không vượt ẩu, không lái xe khi đã uống rượu, bia... thì sẽ giảm tai nạn và luôn nhớ nhà là nơi để về” - Phó Cục trưởng Cục CSGT chia sẻ.
Trong bài toán giao thông đô thị, còn rất nhiều mệnh đề cần được hóa giải, trong đó có câu chuyện cơ sở hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, đó là những câu chuyện dài cần thêm nhiều nỗ lực và thời gian. Trong khi đó, ý thức và văn hóa giao thông của người Việt, thiết nghĩ lại là điều có thể làm ngay. Làm như thế nào, thiết nghĩ “kênh” hiệu quả nhất không gì hơn là từ sự giáo dục, từ nếp văn hóa ngay từ mỗi gia đình. Liệu đã đến lúc nào đó, tất cả những người làm cha làm mẹ trong số chúng ta, nghĩ thông suốt được được rằng, trong rất nhiều điều chúng ta dạy dỗ, uốn nắn con trẻ hôm nay, ngoài câu chuyện hiếu - nghĩa còn cần cả việc ứng xử văn minh nơi công cộng, trong đó có văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông.
Trui rèn văn hóa giao thông nên chăng cũng nên được xem là một nội hàm của rèn nhân cách công dân thời đại mới? Về điều này, nhà văn Phạm Việt Long từng nhìn nhận: Mỗi người cần tự xây dựng thói quen tốt khi tham gia giao thông. Ðiểm này thuộc về văn hóa cá nhân, tức là nhân cách của con người. Nếu con người có ý thức tạo cho mình những thói quen tốt khi tham gia giao thông thì anh ta sẽ trở thành con người có văn hóa. Ngược lại, quen chen lấn, giành đường vượt ẩu, anh ta sẽ trở thành người thiếu văn hóa. Nếu được giáo dục tốt, có nhân cách tốt, thì tất yếu, khi tham gia giao thông, con người cũng biết tự trọng mà chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông. Cần kiên trì xây dựng cho từng cá nhân, cho cả xã hội một cơ sở văn hóa vững chắc - văn hóa pháp luật. Trên cơ sở ấy, mọi hành vi của con người sẽ nhất quán theo “nền” văn hóa ở mỗi người.
Văn hóa giao thông, kiến tạo vì mỗi nếp nhà Việt, có lẽ là vì vậy. Có văn hóa giao thông, ấy là tạo dựng sự an toàn cho cộng đồng và cả cho chính bản thân mình. Để mỗi người tham gia giao thông đều có cơ hội trở về ngôi nhà của chính mình mỗi ngày…