Văn hóa đọc chuyển mình: Sinh viên tìm lại niềm đam mê sách trong thời đại số

Trong thời đại mà công nghệ số và mạng xã hội bùng nổ, nhiều người lo ngại rằng thói quen đọc sách dần bị thay thế bởi những hình thức giải trí nhanh như video ngắn, trò chơi điện tử,.. Tuy nhiên, một xu hướng bất ngờ đang diễn ra: các bạn trẻ dần quay trở lại với sách, không chỉ tái khám phá giá trị của việc đọc mà còn phát triển đa dạng hóa hình thức tiếp cận giúp văn hóa đọc lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng sinh viên.

Sự hồi sinh của văn hóa đọc

Theo thống kê, trung bình một người Việt Nam chỉ đọc khoảng 4 cuốn sách mỗi năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, như vậy, trung bình một năm người dân Việt Nam đọc khoảng 1,2 cuốn sách khác.Thế nhưng cho đến năm 2023, theo thông tin từ Bộ TT&TT, số bản sách bình quân tại Việt Nam đã đạt 6,1 bản/người, tăng đáng kể so với mức 1,4 bản/người trước đây. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm, nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của việc đọc sách đã tăng lên, nhất là thế hệ trẻ khi những năm gần đây, nhiều sinh viên đã bắt đầu tìm đến các tác phẩm văn học, khoa học và kỹ năng sống để mở rộng kiến thức và phát triển bản thân.

Văn hóa đọc trong cộng đồng sinh viên những năm gần đây đang có những dấu hiệu khởi sắc ( nguồn ảnh: Dạ khúc tháng tư)

Văn hóa đọc trong cộng đồng sinh viên những năm gần đây đang có những dấu hiệu khởi sắc ( nguồn ảnh: Dạ khúc tháng tư)

Tạ Thị Kim Oanh, sinh viên năm 4 trường Đại học Thương mại) chia sẻ rằng, dù bận rộn với lịch học, cô vẫn dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để đọc sách. “Trước đây mình hay lướt mạng xã hội trước khi ngủ, nhưng dần dần nhận ra điều đó khiến giấc ngủ không sâu và tinh thần kém minh mẫn vào ngày hôm sau. Thế là mình thử thay bằng việc đọc sách, và thực sự hiệu quả. Đọc sách không chỉ giúp mình thư giãn mà còn học hỏi được nhiều điều thú vị” Oanh bộc bạch.

Việc bắt đầu hình thành thói quen đọc sách đã giúp Kim Oanh mở mang được nhiều kiến thức bổ ích ( Ảnh NVCC)

Việc bắt đầu hình thành thói quen đọc sách đã giúp Kim Oanh mở mang được nhiều kiến thức bổ ích ( Ảnh NVCC)

Đa dạng hình thức trong văn hóa đọc thời đại số

Trong kỷ nguyên số, văn hóa đọc của sinh viên đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Nếu như trước đây, sách in giữ vị trí độc tôn, thì ngày nay, sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều hình thức tiếp cận tri thức mới như ebook, audiobook, báo điện tử và các nền tảng học tập trực tuyến. Thay vì ngồi hàng giờ trong thư viện với những trang sách dày cộp, sinh viên giờ đây có thể tiếp cận kho tri thức khổng lồ chỉ bằng một cú chạm trên màn hình điện thoại hay máy tính bảng.

Sách điện tử và audiobook trở thành lựa chọn phổ biến, giúp sinh viên tiếp cận tri thức một cách linh hoạt. Các nền tảng như Kindle, Waka, Voiz FM, Fonos cho phép người đọc có thể đọc hoặc nghe sách mọi lúc mọi nơi, từ lúc di chuyển trên xe buýt đến những khoảng thời gian rảnh rỗi trước khi đi ngủ.

Đặng Nguyễn Anh Thư sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: "Mình thích đọc sách nhưng không phải lúc nào cũng có thời gian để ngồi đọc một cuốn sách giấy. Nhờ có audiobook, mình có thể tranh thủ nghe sách khi đang đi bộ hoặc làm việc nhà, giúp mình tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng hơn mà không cần phải luôn mang theo sách giấy."

Anh Thư thích thú với tính tiện lợi của hình thức đọc hiện đại qua audiobook (Ảnh NVCC)

Anh Thư thích thú với tính tiện lợi của hình thức đọc hiện đại qua audiobook (Ảnh NVCC)

Bên cạnh đó, trào lưu đọc sách trên mạng xã hội cũng đang phát triển mạnh mẽ. Các video review sách trên TikTok, YouTube hay các hội nhóm đọc sách trên Facebook ngày càng thu hút sự quan tâm của giới trẻ, biến những cuốn sách kinh điển như Tư duy nhanh và chậm, Đắc nhân tâm, Cha giàu cha nghèo thành những hiện tượng được săn đón, giúp việc đọc trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với giới trẻ. Những nội dung này không chỉ giới thiệu sách mà còn tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi, thúc đẩy tinh thần học hỏi và kết nối những người yêu sách.

Hoàng Ánh Ngọc, sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: "Mình không có thói quen đọc sách, nhưng sau khi xem một số video review, mình thấy tò mò và bắt đầu thử. Giờ đây, mình duy trì thói quen đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tháng." Ngọc hào hứng.

Ánh Ngọc đã khơi dậy được cảm hứng với việc đọc sách nhờ một số video review trên mạng xã hội (Ảnh NVCC)

Ánh Ngọc đã khơi dậy được cảm hứng với việc đọc sách nhờ một số video review trên mạng xã hội (Ảnh NVCC)

Công nghệ - Cơn gió mới cho văn hóa đọc

Chia sẻ về vấn đề này, Ths. Lưu Huyền Trang, giảng viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định rằng sự phát triển của công nghệ đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong văn hóa đọc của sinh viên. “Chính sự kết hợp giữa công nghệ và văn hóa đọc truyền thống đã giúp sinh viên tiếp cận tri thức nhanh hơn, tiện lợi hơn. Từ đó hình thành một thế hệ độc giả trẻ năng động và mở ra cơ hội cho tương lai phát triển của văn hóa đọc.Tuy nhiên bên cạnh những cơ hội mà công nghệ đem đến là không ít thách thức. Sinh viên có xu hướng đọc nhanh, đọc lướt, ưu tiên nội dung ngắn gọn thay vì đọc toàn văn, đọc sâu dẫn đến sự suy giảm khả năng tập trung, ghi nhớ và tư duy phản biện. Tiếp nhận thông tin quá nhanh mà không có thời gian phân tích, chọn lọc khiến việc đọc trở nên hời hợt, thiếu chiều sâu. Ngoài ra, sự gián đoạn từ tin nhắn, thông báo trên thiết bị số càng làm giảm khả năng tư duy độc lập” cô cho biết.

ThS. Huyền Trang cho rằng sách điện tử và audiobook tiện lợi nhưng không thể thay thế sách giấy, vì các nghiên cứu chỉ ra rằng đọc sách giấy giúp tập trung, ghi nhớ sâu và ít phân tán tư duy hơn. (Ảnh NVCC)

ThS. Huyền Trang cho rằng sách điện tử và audiobook tiện lợi nhưng không thể thay thế sách giấy, vì các nghiên cứu chỉ ra rằng đọc sách giấy giúp tập trung, ghi nhớ sâu và ít phân tán tư duy hơn. (Ảnh NVCC)

Ths.Huyền Trang cũng khuyến nghị rằng việc đọc sách trong thời đại số cần đi kèm với tư duy chọn lọc. Không phải mọi cuốn sách được chia sẻ trên mạng xã hội đều có giá trị thực sự. Vì vậy, việc xây dựng thói quen đọc có định hướng, biết cách tìm kiếm và đánh giá nguồn sách uy tín là điều vô cùng quan trọng. Dù lựa chọn đọc sách theo phương thức truyền thống hay hiện đại, điều quan trọng nhất vẫn là duy trì thói quen học hỏi và trau dồi tri thức. Công nghệ không thay thế được giá trị của việc đọc sâu, nhưng nếu biết kết hợp hợp lý, sinh viên có thể tối ưu hóa việc tiếp cận tri thức, phát triển bản thân một cách toàn diện.

Diệu Yến

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/van-hoa-doc-chuyen-minh-sinh-vien-tim-lai-niem-dam-me-sach-trong-thoi-dai-so-post1731338.tpo
Zalo