Văn hóa doanh nghiệp: Lạt mềm buộc chặt

Nhiều doanh nghiệp lựa chọn xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững mạnh dựa trên năng lực lãnh đạo làm gương thay vì kỷ luật hà khắc.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt, văn hóa doanh nghiệp đã trở thành yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển bền vững của mỗi tổ chức.

Không chỉ là một khái niệm trừu tượng, văn hóa doanh nghiệp hiện đang được nhiều nhà lãnh đạo cấp cao xem như một công cụ chiến lược quan trọng, giúp duy trì hoạt động và phát triển ổn định.

Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến hạnh phúc của nhân viên. Ảnh: Vạn Đắc Phúc

Các doanh nghiệp ngày càng quan tâm đến hạnh phúc của nhân viên. Ảnh: Vạn Đắc Phúc

Cũng vì tầm quan trọng của nó mà từ năm 2016, Chính phủ đã quyết định chọn ngày 10/11 hàng năm là "Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam" nhằm tôn vinh và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nền văn hóa bền vững, giúp tạo ra sự gắn bó giữa người lao động và doanh nghiệp.

Theo McKinsey, có bốn đòn bẩy quan trọng giúp lãnh đạo xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp bền vững và hiệu quả, trong đó việc lãnh đạo làm gương giữ vai trò then chốt.

Thay vì sử dụng các biện pháp kỷ luật hà khắc, nhà lãnh đạo cần thể hiện các giá trị cốt lõi qua hành động và quyết định hàng ngày, qua đó khơi dậy tinh thần tự giác, sáng tạo và cam kết từ phía nhân viên.

Cách tiếp cận này không phải là điều mới mẻ, mà đã được đề cao từ lâu trong triết lý Á Đông với câu “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Lãnh đạo làm gương giúp xây dựng một môi trường làm việc tôn trọng và đoàn kết, từ đó tạo nên sự tự nguyện tuân thủ thay vì áp đặt.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đưa các hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp vào báo cáo thường niên, Techcombank hướng đến một môi trường văn hóa “phẳng” linh hoạt tại Techcombank Agile Center, nơi không có khoảng cách cấp bậc giữa nhân viên và lãnh đạo.

Một trong các giá trị cốt lõi của Techcombank là cộng tác hiệu quả vì mục tiêu chung và trên tinh thần agile đó, ban lãnh đạo không có phòng làm việc riêng mà đều làm việc chung ngay cạnh nhân viên tại tòa nhà này.

Từ năm 2013, Techcombank đã triển khai chương trình "Hành trình văn hóa" với 16 liên quân, gồm các hoạt động như WeKaizen, First Hand Day và chương trình kèm cặp/khai vấn. Những hoạt động này nhằm mục tiêu hiện thực hóa chiến lược phát triển đã đề ra, đồng thời gắn kết các nhân viên trong một tinh thần chung.

Hay như tại FPT, văn hóa doanh nghiệp được định hình trước hết bởi văn hóa ứng xử, nơi mỗi thành viên trong tổ chức đều hướng tới ba giá trị cốt lõi: tôn trọng cá nhân, đổi mới, và đồng đội.

Với lãnh đạo FPT, văn hóa này đặt ra yêu cầu cao về ba phẩm chất quan trọng: chí công, gương mẫu và sáng suốt. Lãnh đạo phải là người thể hiện rõ nét nhất về về giá trị của ba chữ “tôn - đổi - đồng” trong tinh thần của FPT. Nhờ đó, FPT đã tạo dựng nên một tổ chức vững mạnh và không ngừng phát triển.

Ngoài yếu tố lương và thu nhập, người lao động còn mong muốn làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, cởi mở, thân thiện và có cơ hội phát triển bản thân. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ cạnh tranh về thị trường sản phẩm mà còn trên thị trường lao động, bằng cách xây dựng một văn hóa doanh nghiệp bền vững.

Align Technology Việt Nam là một hình mẫu về xây dựng niềm tin và sự minh bạch tại nơi làm việc. Được biết đến như hãng sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới, Align Technology cam kết xây dựng một văn hóa làm việc mà trong đó đạo đức kinh doanh cùng tinh thần trách nhiệm, đề cao sự minh bạch là những tiêu chí hàng đầu để vận hành doanh nghiệp.

Đồng thời, ban lãnh đạo cũng đảm bảo truyền đạt đến từng nhân viên kỳ vọng, định hướng của công ty thông qua các chính sách và quy trình được thiết kế cụ thể, bắt đầu bằng "Bộ quy tắc ứng xử toàn cầu".

Ông Sandeep Padubidri, Giám đốc Thương mại của Align Technology Việt Nam, nhấn mạnh rằng tinh thần đoàn kết tại Align Technology Việt Nam được thúc đẩy bởi cam kết của công ty dựa trên sự tin cậy, tính minh bạch và tầm nhìn rõ ràng. Bằng việc xây dựng một môi trường nơi niềm tin được đặt lên hàng đầu, ban lãnh đạo công ty đảm bảo rằng mọi nhân viên đều cảm thấy giá trị đóng góp của mình và sự gắn bó.

“Sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh và trong cả quá trình ra quyết định của chúng tôi không chỉ thúc đẩy niềm tin mà còn nuôi dưỡng t inh thần cởi mở giữa nhân viên. Không những vậy, tầm nhìn rõ ràng của chúng tôi giúp kết nối tập thể theo một sứ mệnh chung”, ông Sandeep cho biết.

Thông qua những nguyên tắc này, Align Technology Việt Nam không chỉ gia tăng sự hài lòng của nhân viên mà còn thúc đẩy đổi mới và hợp tác trong toàn tổ chức.

“Mỗi cá nhân trong công ty chịu trách nhiệm thực hiện công việc của mình một cách đúng đắn, ở bất cứ đâu và bất kỳ thời điểm nào. Làm việc với sự chính trực đảm bảo cho sự phát triển bền vững cũng chính là nền tảng xây dựng lợi thế cạnh tranh vững vàng”, ông Sandeep chia sẻ.

Từ tốt đến vĩ đại

Mô hình 5 cấp độ lãnh đạo

Mô hình 5 cấp độ lãnh đạo

Jim Collins, trong cuốn sách "Từ tốt đến vĩ đại", đã đưa ra mô hình năm cấp độ lãnh đạo giúp xây dựng đội ngũ lãnh đạo với nền tảng vững chắc.

Mỗi cấp độ là một bước tiến trong sự phát triển cá nhân của người lãnh đạo, đồng thời là cơ sở giúp doanh nghiệp đạt được sự bền vững.

Cấp độ thứ nhất là cá nhân có năng lực. Nền tảng của mọi nhà lãnh đạo là kỹ năng chuyên môn và khả năng làm việc hiệu quả.

Cấp độ thứ hai là đóng góp cho tập thể. Nhà lãnh đạo phải biết làm việc nhóm và góp phần vào thành công chung của tổ chức.

Cấp độ thứ ba là lãnh đạo quản lý. Quản lý hiệu quả giúp tổ chức tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo hoạt động suôn sẻ.

Cấp độ thứ tư là lãnh đạo dẫn dắt. Lãnh đạo cần có khả năng tạo ra tầm nhìn và truyền cảm hứng để tổ chức phát triển bền vững.

Cấp độ thứ năm là lãnh đạo vĩ đại. Đây là đỉnh cao của lãnh đạo, khi nhà lãnh đạo kết hợp sự khiêm nhường với ý chí mạnh mẽ để xây dựng một tổ chức vĩ đại và để lại di sản lâu dài.

Mô hình Phong cách xã hội của TRACOM đã được BriteMind áp dụng thành công để xây dựng những nhà lãnh đạo cấp độ 5 - những người không chỉ điều hành tổ chức mà còn phát triển và nâng cao giá trị của nhân viên.

Một vài ví dụ về những nhà lãnh đạo doanh nghiệp thành công đã khắc họa rõ nét phong cách xã hội đặc trưng của họ trong khi thể hiện các phẩm chất của những nhà lãnh đạo cấp độ 5 như sau:

Một công ty nhiều năm liền được công nhận là "Công ty tốt nhất châu lục" với vị CEO có tầm nhìn dài hạn đã thực hiện chuyển đổi toàn diện để tổ chức đạt tới mức tuyệt hảo. Vị lãnh đạo này luôn chú trọng đến việc phát triển từng cá nhân, trao quyền cho họ để họ tự chứng minh năng lực của mình và đạt được các mục tiêu sự nghiệp.

Ông cũng có phong cách lãnh đạo biểu cảm (Expressive), luôn hướng tới "bức tranh lớn" và song song đó, thúc đẩy sự phát triển của con người.

Phong cách biểu cảm của nhà lãnh đạo cấp độ 5 này tương ứng với những gì Jim Collins đã mô tả: tập trung vào việc truyền đạt trí tuệ (mentoring) và quy hoạch lực lượng kế nhiệm (succession planning) nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của tổ chức.

Bên cạnh đó, phong cách Phân tích (Analytical) của những nhà lãnh đạo như Satya Nadella, CEO Microsoft cũng nổi bật với quyết định dựa trên dữ liệu và tư duy chiến lược. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là Nadella không chỉ dựa vào phân tích khô khan mà còn chuyển đổi văn hóa nội bộ từ cạnh tranh khép kín (siloed) sang nhấn mạnh hợp tác và đồng cảm.

Sự kết hợp giữa dữ liệu và yếu tố cảm xúc này đã giúp Microsoft xây dựng văn hóa lãnh đạo cấp độ 5, tạo nên sự khác biệt lớn trong quản trị doanh nghiệp.

Một yếu tố khác không thể thiếu của lãnh đạo cấp độ 5 chính là phong cách Thúc đẩy (Driving). Những nhà lãnh đạo thuộc phong cách này luôn là người tiên phong chịu trách nhiệm toàn diện, từ đầu đến cuối, đối với mọi diễn biến trong tổ chức.

Họ làm chủ công việc, kiên định dẫn dắt đội ngũ đạt được các mục tiêu đề ra, đồng thời nuôi dưỡng và thúc đẩy văn hóa làm chủ công việc, tạo dựng niềm tin và sự chính trực.

Trong khi đó, phong cách hài hòa (Amiable) là mạch nước ngầm giúp nuôi dưỡng sự gắn kết nội bộ. Những lãnh đạo này ưu tiên sự thành công của đội ngũ hơn là vinh quang cá nhân. Họ xây dựng đội ngũ và trao quyền cho các thành viên, khuyến khích tinh thần làm chủ và ra quyết định tự chủ.

Một ví dụ đáng học hỏi là Inamori Kazuo, người đã vực dậy thành công Japan Airlines (JAL) từ bờ vực phá sản, bằng cách sử dụng phong cách lãnh đạo gần gũi, lắng nghe, và cầu thị.

Những câu hỏi đơn giản nhưng thấm thía như “ai là người chịu trách nhiệm về việc này”, “bạn đã làm tốt điều gì hôm nay” hay “bạn có thể làm điều gì tốt hơn” đã giúp khơi dậy tinh thần làm chủ trong từng nhân viên.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, văn hóa doanh nghiệp không chỉ quyết định sự phát triển của tổ chức mà còn là lợi thế cạnh tranh dài hạn. Như Peter Drucker cây đại thụ trong lĩnh vực quản trị từng khẳng định "văn hóa doanh nghiệp xơi trọn chiến lược trong một nốt nhạc".

Chính vì vậy, việc xây dựng và duy trì một nền văn hóa bền vững, dựa trên năng lực lãnh đạo làm gương, chính là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp vươn xa và đứng vững trên thương trường.

Hà Minh Châu

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/van-hoa-doanh-nghiep-lat-mem-buoc-chat-d37508.html
Zalo