Văn hóa, con người - nền tảng phát triển bền vững, bài 5: Phát huy sức mạnh nội sinh
Tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước' (NQ 33), tỉnh Thái Nguyên đã rút ra nhiều bài học lớn, có ý nghĩa. Nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, tỉnh đề ra nhiều giải pháp khoa học, đồng bộ, hướng mạnh vào mục tiêu tiếp tục chấn hưng văn hóa, phát triển con người thực sự là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, tạo động lực quan trọng xây dựng tỉnh phát triển bền vững, chủ động hội nhập quốc tế…
Phát triển văn hóa gắn với Quy hoạch tỉnh
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3-2023 khẳng định quan điểm xuyên suốt: “Kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Thái Nguyên, truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ và bền vững của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên”, nhằm đạt được mục tiêu “xây dựng tỉnh Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, là nơi đáng sống, đáng đến, phát triển và thịnh vượng”.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Thái Nguyên luôn kiên trì, quyết tâm, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để xây dựng tỉnh thành một xứ sở của hạnh phúc, người dân có đời sống vật chất ngày càng sung túc, đời sống tinh thần phong phú; mọi người đều được hưởng thụ cuộc sống văn minh và thân thiện...
Nội dung cơ bản của Quy hoạch tỉnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên.
PGS.TS, Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Chủ nhiệm Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên, nhìn nhận: Giải pháp căn bản được tỉnh đề ra thời gian tới chính là phát triển văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển kinh tế nhanh, bền vững...
Gần đây, thông qua các diễn đàn, hội nghị bàn thảo các quyết sách lớn tại nhiều hội nghị, các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh cũng đã có sự thống nhất, khẳng định, quá trình thực hiện Quy hoạch tỉnh sẽ tập trung xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao. Nhất là tăng cường đầu tư của Nhà nước; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo tồn phát huy giá trị văn hóa, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo đột phá dựa trên nguồn tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên đặc thù của Thái Nguyên với sự tham gia của cộng đồng...
Ưu tiên các nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa
Trên cơ sở nhận định thực hiện NQ 33 là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong giai đoạn tới, Thái Nguyên đặt mục tiêu và giải pháp căn cốt là tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa. Đồng thời đưa nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực văn hóa vào quy ước, hương ước của xóm, tổ dân phố; gắn phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các cuộc vận động, tạo thành phong trào thi đua chung của toàn xã hội.
Qua khảo sát thực tế tại cơ sở chúng tôi nhận thấy, từ chủ trương, định hướng lớn này, từng địa phương, đơn vị lại có cách làm thiết thực tạo hiệu quả trong triển khai thực hiện NQ 33. Như TP. Thái Nguyên ứng dụng chuyển đổi số trong thực hiện tra cứu các thông tin về di tích lịch sử, văn hóa, phục vụ công tác tuyên truyền, du lịch; huyện Phú Lương tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể quốc gia múa Tắc Xình cho 100% học sinh, giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn…
Nổi bật là Phổ Yên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh đã đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư để phát triển đô thị. Thành phố đã triển khai 6 dự án có tổng vốn đầu tư 906 tỷ đồng (trong đó ngân sách thành phố 509 tỷ đồng). Đến nay, thành phố có 2 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó có Dự án xây dựng Quần thể văn hóa - thể thao - công viên cây xanh. Tổng số 80 công trình do UBND thành phố quyết định đầu tư, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng 32 công trình, với tổng giá trị 1.054 tỷ đồng… góp phần xây dựng đô thị ngày càng hiện đại, văn minh.
Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch từ văn hóa, tỉnh Thái Nguyên đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm xem xét, tạo điều kiện thúc đẩy việc phát huy giá trị của Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Khu du lịch hồ Núi Cốc; nâng hạng Khu di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt.
Gắn chuyển đổi số với đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thái Nguyên đang không ngừng phát triển và giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, đạt vị trí dẫn đầu 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Quá trình này, tỉnh luôn xác định tăng cường nguồn lực của Nhà nước, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho xây dựng, phát triển văn hóa, con người. Trong đó đặc biệt quan tâm giáo dục, nâng cao nhận thức xây dựng những con người số có tri thức, phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Phát huy truyền thống, khía cạnh “Thủ đô Gió ngàn” như một đặc sắc văn hóa của Thái Nguyên, tỉnh cần tăng cường cộng hưởng vai trò của một trung tâm hội tụ văn hóa, có ngành công nghiệp văn hóa phát triển với sức hấp dẫn của một trung tâm công nghiệp lớn, khẳng định vị thế đặc biệt trong sơ đồ phát triển của vùng...
GS. TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, chia sẻ: Cùng với chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, tỉnh cần có ưu đãi hơn các hoạt động khoa học - công nghệ (như về thuế; khen thưởng; giải thi sáng tạo). Đồng thời tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học có tầm chiến lược, hoạt động giao lưu các vùng trong nước và quốc tế; đẩy mạnh việc tổng kết đánh giá các chiến lược, chuyên sâu về khoa học - công nghệ, khơi gợi tiềm năng, khát vọng cống hiến của các nhà khoa học.
Bên cạnh đó, xác định hội nhập, hợp tác, giao lưu văn hóa quốc tế có vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá hình ảnh, con người, văn hóa tới du khách trong và ngoài nước.
Về chủ đề này, theo ông Nguyễn Đình Việt, Giám đốc Sở Ngoại vụ: Sở sẽ tham mưu, đề xuất các biện pháp, chính sách về ngoại giao văn hóa phù hợp với tỉnh, thực hiện mục tiêu chung của đối ngoại và phát triển văn hóa Việt Nam. Trước hết là tham mưu triển khai hiệu quả các thỏa thuận quốc tế đã ký kết và tham mưu ký kết các văn bản mới liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục... nhằm thu hút nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
Cần nhấn mạnh bài học quan trọng, được rút ra từ nhiều hội nghị, hội thảo, tổng kết nội dung công tác, đó là: Để NQ 33 cùng các chương trình hành động thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, đòi hỏi vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền phải tiếp tục được phát huy hơn nữa.
Công tác vận động của MTTQ và các tổ chức quần chúng phải tiếp tục phát huy hiệu quả. Các phong trào thi đua được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và đổi mới để khơi dậy truyền thống, phát huy dân chủ, huy động sức mạnh của dân tộc trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người...
Thái Nguyên đang hiện thực hóa mục tiêu là tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Theo đó, du lịch văn hóa con người phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, truyền thống, lợi thế quý giá vốn có. Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần đưa Thái Nguyên trở thành một đô thị tỏa “ánh sáng đặc thù vùng Đông Bắc”, tạo nên sức hấp dẫn của một trong những trung tâm du lịch, văn hóa lớn của đất nước...
Mục tiêu Thái Nguyên đề ra đến năm 2025 trong phát triển du lịch là đón trên 3,2 triệu lượt khách, doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng/năm; đến năm 2030 đón 5,6 triệu lượt khách, doanh thu đạt 6.600 tỷ đồng/năm. Phấn đấu đến năm 2030 tỉnh sẽ trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của khu vực.