Văn hóa, con người - nền tảng phát triển bền vững, bài 1: Động lực, sức mạnh nội sinh từ văn hóa

Quá trình triển khai các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa, con người, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về 'Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước' (NQ 33) đi vào cuộc sống đã tạo luồng sinh khí mới trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Quá trình này cũng đặt ra những yêu cầu, thách thức cần được giải quyết, gắn với mục tiêu xây dựng tỉnh Thái Nguyên luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển.

Thái Nguyên luôn quan tâm xây dựng văn hóa, con người và những điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Thái Nguyên luôn quan tâm xây dựng văn hóa, con người và những điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Phát huy lợi thế là một trung tâm kinh tế của vùng Trung du, miền núi phía Bắc, cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội (KT-XH) giữa vùng Trung du, miền núi với vùng Đồng bằng Bắc Bộ, gắn với mục tiêu phát triển giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là NQ 33, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó góp phần xây dựng nền văn hóa có diện mạo và sắc thái mới, song vẫn thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, đại chúng...

Chủ động, linh hoạt đưa nghị quyết vào cuộc sống

Trong quá trình phát triển KT-XH, tỉnh Thái Nguyên luôn quán triệt, vận dụng sâu sắc quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng: “Phát triển KT-XH là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững…”.

Đây cũng chính là quá trình Đảng bộ tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện, phát triển đồng bộ cả bốn trụ cột chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội. Tỉnh đặc biệt coi trọng nghiên cứu, tổng kết, phát huy những kết quả và bài học kinh nghiệm đạt được sau gần 30 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Điều đó được thể hiện ở việc tỉnh vận dụng, triển khai đồng bộ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương trên địa bàn; ban hành, thực hiện nhiều chính sách đặc thù nhằm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện NQ 33. Các chương trình, đề án, kế hoạch đã và đang được các cấp, ngành triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH - văn hóa của Thái Nguyên.

Nổi bật là năm 2014, Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Chương trình hành động về thực hiện NQ33 và nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nghị quyết này, như: Tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa, các chương trình, kế hoạch, đề án, trong đó có Kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án hỗ trợ hoạt động quản lý và đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021-2025; Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên...

Lãnh đạo Tỉnh đoàn khen thưởng đoàn viên có thành tích học tập tốt tại Trường THPT Lương Ngọc Quyến.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn khen thưởng đoàn viên có thành tích học tập tốt tại Trường THPT Lương Ngọc Quyến.

Xây dựng văn hóa gắn với phát triển kinh tế

Phát huy lợi thế về cộng đồng dân cư phong phú, hạ tầng giao thông đồng bộ, thiết chế văn hóa đa dạng, nhiều di sản văn hóa đặc sắc, Thái Nguyên đã và đang coi trọng giải quyết mối quan hệ văn hóa trong phát triển. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng; xây dựng cơ chế, chính sách; tạo môi trường thuận lợi khuyến khích, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào các hoạt động dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch. Nổi bật, năm 2018, tỉnh tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút được 64 dự án của 45 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 114 nghìn tỷ đồng; trong đó có 16 dự án siêu thị, thương mại, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, văn hóa - thể thao.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 214 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký đạt 11,18 tỷ USD. Trong đó có các dự án thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch công nghệ cao, như: Sân golf hồ Núi Cốc; Khu du lịch sinh thái Đông Tam Đảo; Công viên cây xanh kết hợp sân tập golf Cao Ngạn... Đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, như: Không gian văn hóa trà Tân Cương, Làng nhà sàn dân tộc, sinh thái Thái Hải (TP. Thái Nguyên); Trung tâm thương mại và du lịch Dũng Tân (TP. Sông Công)...

Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị với Trung ương quan tâm dành nguồn kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử cách mạng, thiết chế văn hóa và kịp thời giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Trong xu thế, nỗ lực khai thác hợp lý những tài nguyên du lịch sẵn có, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm có tính liên vùng, nhằm thu hút khách du lịch, các nhà đầu tư, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về đất và người Thái Nguyên; tham gia các hội nghị, hội chợ xúc tiến, quảng bá đầu tư du lịch trong và ngoài nước.

Tỉnh đã và đang coi trọng, tập trung phát triển một số lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa như: Phát thanh - truyền hình; truyền thông, quảng cáo; xuất bản; du lịch văn hóa; giải trí. Hiện, toàn tỉnh có gần 100 cơ sở kinh doanh hoạt động quảng cáo được cấp phép, hoạt động theo quy định của pháp luật...

Thiếu nhi tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa - văn nghệ tại Nhà thiếu nhi Thái Nguyên.

Thiếu nhi tham gia các hoạt động vui chơi, văn hóa - văn nghệ tại Nhà thiếu nhi Thái Nguyên.

Nhân tố quan trọng trong hệ thống chính trị

Từ thực tiễn cho thấy, triển khai thực hiện NQ 33, Đảng bộ tỉnh đã tập trung xây dựng văn hóa từ trong Đảng bộ, bộ máy chính quyền và các đoàn thể chính trị, gắn liền với mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm gương mẫu trong công việc, trọng dân và trọng pháp.

Đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Tỉnh ủy đã chỉ đạo 100% đảng bộ trực thuộc xây dựng và ban hành chương trình, kế hoạch hành động thực hiện NQ 33 gắn với phát triển văn hóa, KT-XH tại các địa phương; đặc biệt là nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng và phân loại, đánh giá đảng viên hằng năm.

Đảng bộ tỉnh hiện có 16 đảng bộ trực thuộc, với trên 98 nghìn đảng viên. Giai đoạn 2021-2023, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 96% (vượt chỉ tiêu đề ra 16%); tỷ lệ đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trung bình là 95% (vượt chỉ tiêu 15%). Cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện đạo đức công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong sáng.

Kết quả, tỉnh đã triển khai và đạt nhiều thành tựu trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Nổi bật là năm 2023, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của Thái Nguyên xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ nhất trong số 14 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc.

Qua tổ chức thực hiện NQ 33, các cấp ủy đảng chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, nghiêm túc đến cán bộ, đảng viên, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân được giải quyết ngay từ cơ sở; một số vụ việc tồn đọng kéo dài đã được tập trung giải quyết dứt điểm, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh...

Từ phong trào học tập và làm theo Bác đã có nhiều mô hình hay, tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu có những việc làm, hành động tác động mạnh mẽ tới cộng đồng, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, khơi dậy tình cảm, động lực, tinh thần cống hiến, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

* Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên phân bổ 4.562 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho 70 công trình, dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chiếm gần 18% tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn của tỉnh.

* Trong nội dung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm của tỉnh, số chỉ tiêu về phát triển văn hóa - xã hội luôn chiếm trên 40% tổng số chỉ tiêu.

(Còn nữa)

Nhóm P.V

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202408/van-hoa-con-nguoi-nen-tang-phat-trien-ben-vung-bai-1-dong-luc-suc-manh-noi-sinh-tu-van-hoa-3471338/
Zalo