Văn hóa cà phê Việt: 'Đậm' cả vị lẫn cách thưởng thức
Thương hiệu cà phê Việt được tạo nên từ hương vị đậm đà, pha chút đắng, hậu ngọt, chua nhẹ hòa cùng cách thưởng thức chậm rãi, thư giãn, vừa uống, vừa trò chuyện.
Thưởng thức một tách cà phê sánh đặc không chỉ khiến mọi người say mê mà còn là "sợi dây" văn hóa gắn kết con người với nhau.
Từ hương vị đậm đà
Từ thế kỷ XIX, hạt cà phê Arabica và Robusta dần du nhập vào Việt Nam và được trồng ở khu vực miền Bắc, miền Trung. Đến đầu thế kỷ XX, cây cà phê dần lan rộng đến các cao nguyên, đồn điền tại Tây Nguyên và trở thành thức uống được nhiều người yêu thích. Cho đến ngày nay, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới.
Một trong những điều đặc biệt của cà phê Việt chính là vị đắng đặc trưng, thường được pha đậm đặc, hòa quyện cùng các thành phần khác như đường, sữa đặc, sữa tươi, kem, trứng,...
Hiện nay, cà phê thường được pha bằng phin hoặc pha máy với các loại hạt như Arabica, Robusta, Moka,... Tùy theo từng nhu cầu mà người uống có thể gia giảm độ đắng, ngọt, béo.
Trong khi ở những quốc gia khác ưa chuộng pha cà phê bằng máy, người Việt Nam lại chọn cách pha phin. Các phin nhôm giúp giữ được vị nguyên bản của cà phê. Người uống đợi cà phê ngấm nước sôi, nở đều rồi nhỏ giọt từ từ vào ly để thưởng thức.
Là người ưa thích cà phê nhưng ít có thời gian ra ngoài, ông Lê Văn Bình (phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) thường tự pha cà phê để thưởng thức tại nhà. Ông thường uống 2 ly cà phê mỗi ngày vào buổi sáng và chiều.
Chia sẻ về thói quen của mình, ông Bình cho biết: “Tôi dùng cà phê đen pha phin truyền thống vì nó có độ đậm đà, mùi thơm hơn các loại cà phê bột pha sẵn. Đặc biệt, vào buổi sáng, chỉ cần uống một ly cà phê thì tinh thần sẽ sảng khoái, minh mẫn hơn”.
Theo anh Nguyễn Thanh Tú - chủ xe cà phê trên Quốc lộ 1, phường 2, TP.Tân An, mỗi ngày, anh bán từ 30-40 ly cà phê, chủ yếu là cà phê đen và cà phê sữa. Thông thường, người ghé tiệm chủ yếu là khách vãng lai nên anh Tú chỉ bán cà phê vào buổi sáng khi có nhiều người qua lại trên đường.
Chỉ vào chiếc máy pha cà phê trên quầy, anh Tú tâm sự: “Tôi gắn bó với nó được 2 năm rồi. Khách đến mua ít khi ngồi lâu mà cần một ly cà phê để tỉnh táo hơn. Tôi thường pha cà phê đen đậm đà, đắng mạnh để khách cảm nhận được vị nguyên bản. Còn đối với cà phê sữa thì có vị ngọt vừa phải, không quá gắt”.
So với các vị cà phê nguyên bản, chị Lê Nguyễn Thiên Ngọc (phường 4, TP.Tân An) lại dành tình yêu đặc biệt với món cà phê trứng trong một lần thăm Thủ đô Hà Nội. Tuy không phải là "tín đồ" cà phê nhưng sau khi được bạn bè giới thiệu, cô gái Long An hoàn toàn bị chinh phục bởi thức uống này.
Chị Ngọc bộc bạch: “Lần đầu tiên được thưởng thức cà phê trứng ở Hà Nội, tôi thực sự bất ngờ. Tôi thích sự kết hợp độc đáo giữa vị đắng của cà phê và vị ngọt béo của trứng gà. Cà phê trứng không quá ngọt cũng không quá đắng, tạo nên một hương vị rất riêng”.
Đến cách uống đậm chất việt
Cà phê Việt gắn liền với hình ảnh mọi người vừa chậm rãi thưởng thức ly cà phê, vừa rôm rả trò chuyện tại các quán ven đường. Một ly cà phê ngon phải hội đủ cả hương vị lẫn cách thưởng thức.
Người Việt không thích uống cà phê một cách qua loa mà phải chậm rãi, nhấp từng ngụm nhỏ để cảm nhận vị nguyên bản của cà phê. Có người gắn bó với cà phê vì hương vị, có người vì khung cảnh nơi thưởng thức thức uống đặc biệt này.
Cuộc sống của ông Nguyễn Trọng Bảng (xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa) gắn bó với những chuyến xe tải đường dài, đi sớm về khuya. Để tiết kiệm thời gian, ông thường lựa chọn những gói cà phê pha sẵn tiện dụng. Nhưng đối với ông, không gì bằng khoảng thời gian thưởng thức cà phê cùng bạn bè.
Sau thời gian bận rộn, ông Bảng trông chờ vào một buổi sáng sớm hay chiều muộn để cùng bạn bè thư giãn bên ly cà phê. Ông Bảng kể: “Những lúc mệt mỏi, ngồi lại cùng anh em chia ngọt sẻ bùi, kể về những việc không vui sẽ giúp tôi cảm thấy yêu đời, lạc quan hơn. Tôi cũng được tiếp thêm năng lượng từ các trải nghiệm thú vị của các tài xế khác”.
Ngày nay, văn hóa cà phê Việt là văn hóa thưởng thức cả phần vị và phần nhìn. Mọi người “đi cà phê” không chỉ để uống nước mà còn có nhiều hoạt động khác như gặp gỡ bạn bè, trao đổi công việc với đối tác, làm việc qua mạng, chụp ảnh, check in,... Vì vậy, các mô hình kinh doanh quán cà phê kết hợp ra đời, trở thành điểm đến thường nhật của mọi người.
Chị Phạm Ánh Tuyết (phường 3, TP.Tân An) thường cùng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp gặp gỡ, trao đổi tại quán Cà phê Sách trong Khu di tích lịch sử Nhà Tổng Thận. Chị Tuyết cho biết: “Ban đầu, tôi được bạn bè giới thiệu về quán nên đến đây uống thử. Không gian quán rất thoáng đãng, các bàn được bố trí cách xa nhau nên có thể thoải mái trò chuyện mà không lo ảnh hưởng người khác”.
Hiện tại, vợ chồng chị Tuyết làm công việc tư vấn bán hàng trực tiếp nên phải thường xuyên gặp gỡ khách hàng, đối tác. Quán cà phê này là nơi lý tưởng cho các buổi họp nhóm của chị. Có khi tụ họp hơn 10 người, nhóm chị sẽ chọn các chòi nghỉ để bảo đảm sự riêng tư.
“Ở đây, tôi không chỉ được thưởng thức cà phê ngon mà còn có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc độc đáo của Nhà Tổng Thận. Đó là khoảng thời gian để tôi thư giãn, suy ngẫm và tìm lại cân bằng cho cuộc sống” - chị Tuyết chia sẻ.
Nắm biết nhu cầu của giới trẻ, anh Nguyễn Võ Gia Cát cùng các cộng sự chú trọng xây dựng quán Bling Coffee (phường 6, TP.Tân An) với thức uống đa dạng, thơm ngon, cà phê chuẩn vị cùng không gian văn phòng hiện đại, sang trọng. Theo đó, khâu chọn nguyên liệu phải kỹ lưỡng, ưu tiên các loại cà phê, trà thơm ngon hay các loại trái cây từ chính quê hương Long An.
Anh Gia Cát chia sẻ: “Chúng tôi dùng tranh ảnh về phong cảnh Việt Nam để trang trí quán. Tôi còn có ý định tạo quầy triển lãm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của tỉnh tại đây. Tôi muốn Bling Coffee không chỉ là một nơi để thưởng thức cà phê mà còn là một không gian để mọi người gặp gỡ, giao lưu và cảm nhận được vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam”.
Hương vị cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Việt. Từ những quán "cóc" giản dị đến không gian sang trọng, cà phê giúp mọi người gắn kết với nhau. Với cách pha chế và thưởng thức đa dạng, cà phê Việt không chỉ là một thức uống mà còn là một nét văn hóa độc đáo, mang lại sự thân thiện và ấm áp, sẻ chia cho mọi người./.
Hương vị cà phê là một phần không thể thiếu trong cuộc sống người Việt. Từ những quán "cóc" giản dị đến không gian sang trọng, cà phê giúp mọi người gắn kết với nhau. Với cách pha chế và thưởng thức đa dạng, cà phê Việt không chỉ là một thức uống mà còn là một nét văn hóa độc đáo, mang lại sự thân thiện và ấm áp, sẻ chia cho mọi người.
Cà phê có thể bảo vệ gan?
Cà phê là thức uống quen thuộc của nhiều người dân Việt Nam. Thế nhưng không phải ai cũng biết những lợi ích hay tác hại của cà phê đối với sức khỏe và cách uống cà phê tốt nhất.