Văn hóa Bình Phước: Đánh thức những giá trị tinh hoa

Là tỉnh có 41 dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước đến sinh sống, lập nghiệp nên Bình Phước có nền văn hóa hội tụ, giao thoa, đa dạng; có sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa truyền thống của các dân tộc từ nhiều vùng, miền trong cả nước.

Trong những năm qua, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đạt nhiều kết quả quan trọng. Môi trường, nếp sống văn hóa có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau hội nghị văn hóa và sự ra đời kịp thời của Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Phát huy nguồn lực nội sinh

Tháng 8-2023, lần đầu tiên sau hơn 26 năm tái lập, tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị văn hóa với sự tham gia của các chuyên gia văn hóa hàng đầu trong cả nước, nhằm xác định các nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng văn hóa, con người Bình Phước thời kỳ đổi mới. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với 193 điểm cầu, gần 13.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn tỉnh tham dự. Đây là hội nghị văn hóa có quy mô lớn, mang tính chiến lược và được đánh giá để lại dấu ấn đậm nét nhất năm 2023.

Tổ chức thành công Hội nghị văn hóa tỉnh Bình Phước lần thứ 1 là điểm nhấn ấn tượng của công tác văn hóa năm 2023 - Ảnh: Ngọc Bích

Ông Nguyễn Khắc Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau hội nghị văn hóa toàn quốc, Bình Phước là một trong số ít các tỉnh, thành trên cả nước tổ chức thành công hội nghị văn hóa cấp tỉnh. Hội nghị đã phác họa rõ nét hơn về bức tranh văn hóa toàn tỉnh Bình Phước từ khi tái lập tỉnh đến nay. Đó là cơ sở để tỉnh định vị lại vai trò, vị thế văn hóa của Bình Phước trong không gian văn hóa khu vực, từ đó có những quyết sách phát huy ưu thế riêng, đồng thời liên kết với các địa phương khác trong phát triển văn hóa.

Sau hội nghị văn hóa, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước. Như được tiếp thêm động lực, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc nhằm “đánh thức” những giá trị văn hóa “ngủ quên”. Từng được biết đến với bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, sau Nghị quyết số 14, nhiều thành tựu văn hóa của huyện Bù Đăng như truyền thống đánh giặc cứu nước, những di tích, danh lam thắng cảnh độc đáo như Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng… càng được phát huy. Nổi bật nhất trong năm là huyện Bù Đăng đã tổ chức thành công lễ hội Kết bạn cộng đồng của người M’nông giữa 2 thôn Sơn Hòa - Sơn Tùng (xã Thọ Sơn) và Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số năm 2023 với chủ đề “Bù Đăng - Vùng đất đỏ, nơi hội tụ những thanh âm”. Những hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc này cùng với những “tài nguyên riêng có” đã giới thiệu quê hương Bù Đăng đến với mọi miền đất nước.

Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Trong ảnh: Nhân viên thuyết minh tại các khu, điểm du lịch và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hớn Quản tham gia lớp bồi dưỡng, truyền dạy sử dụng nhạc cụ đàn đá - Ảnh: Cẩm Liên

Nhạc sĩ Trần Cao Vân, Chánh chủ khảo Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số huyện Bù Đăng năm 2023, chia sẻ: “Tôi đã đến Bù Đăng 3 lần để thực tế sáng tác. Mỗi lần như vậy tôi luôn dành nhiều thời gian tìm hiểu con người, văn hóa và âm nhạc S'tiêng và đã gặt hái khá nhiều thành công. Nhưng lần này trở lại, tôi cảm thấy thực sự choáng ngợp trước sự phong phú, đa dạng, đa màu sắc văn hóa... của các tiết mục nghệ thuật tham gia liên hoan. Tôi mê mẩn với những sắc màu văn hóa trên sắc phục thổ cẩm và trang phục của các đội văn nghệ. Và điều tôi thực sự ấn tượng là làn điệu dân ca của các dân tộc ít người ở huyện Bù Đăng, nhất là của dân tộc M’nông. Chuyến đi lần này khiến tôi có cảm giác Bù Đăng như một nước Việt Nam thu nhỏ”.

... trở thành động lực đột phá

Nghị quyết số 14 như một luồng sinh khí mới thổi vào đời sống, làm cho đất và người như được tiếp thêm động lực để trở mình vươn lên. Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn và phát huy, nhiều huyện, thị xã trong tỉnh đã viết nên những câu chuyện văn hóa thú vị nhằm quảng bá hình ảnh đất và người, để thu hút khách đến với Bình Phước ngày càng nhiều hơn. Ông Vũ Đức Hoàng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Đăng chia sẻ: Chúng tôi xác định người dân là chủ thể của văn hóa. Vì vậy, chúng tôi lấy người dân là mục tiêu, cũng là đích đến để tập trung nguồn lực phát triển văn hóa.

Thời gian tới, chúng tôi quan tâm xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp xã hội số và công dân số, thông qua đó để đưa thông tin, dữ liệu đến người dân, để người dân hiểu và tự hào về văn hóa đặc trưng của đất và người Bù Đăng. Từ đó khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển quê hương phồn vinh, hạnh phúc. Có như thế thì văn hóa mới thực sự thấm sâu vào mỗi con người, mỗi trái tim người dân và họ sẽ cùng Đảng, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu văn hóa.

Ông VŨ ĐỨC HOÀNG, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bù Đăng

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao ở Bình Phước càng về cuối năm càng sôi động và nhanh chóng được lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội. Cùng với thành công của Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ I, hình ảnh người Bình Phước nói chung và TX. Phước Long mến khách, yêu thể thao với những cung đường chạy độc đáo đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong mắt hàng ngàn runners của 45 tỉnh, thành trong cả nước về tham dự giải. Đặc biệt, ở bộ môn thể thao vua, sau 7 mùa giải ở sân chơi chuyên nghiệp hạng nhất quốc gia, mùa giải năm 2023-2024, được sự hỗ trợ của Tập đoàn Trường Tươi, Câu lạc bộ Bóng đá Bình Phước đã khoác lên mình diện mạo mới. Cầu thủ thi đấu nỗ lực hơn, khát khao hơn, sân vận động chật kín khán giả, người hâm mộ bóng đá trong cả nước biết đến Bình Phước nhiều hơn… Đây là minh chứng cho việc Bình Phước đã và đang mạnh mẽ thực thi các giải pháp nhằm cụ thể hóa nội dung của nghị quyết về phát triển văn hóa, con người Bình Phước vào thực tế.

Trảng cỏ Bù Lạch ở huyện Bù Đăng là một trong những điểm dừng chân thú vị được du khách tìm đến khi nghe những câu chuyện văn hóa về đất và người nơi đây

Trảng cỏ Bù Lạch ở huyện Bù Đăng là một trong những điểm dừng chân thú vị được du khách tìm đến khi nghe những câu chuyện văn hóa về đất và người nơi đây

Nghị quyết số 14 xác định lấy chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp làm trọng tâm, lấy nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức giữ vai trò quan trọng. Nhà văn Bùi Thị Biên Linh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng, Nghị quyết số 14 ra đời, văn nghệ sĩ Bình Phước rất phấn khởi, vì đây là một trong những quyết sách văn hóa có tính chất định hướng, mở đường nhưng lại thiết thực và rất gần gũi. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của tỉnh với văn nghệ sĩ nói chung, bà đã nỗ lực sáng tạo với mong muốn được cống hiến những điều ý nghĩa nhất cho Bình Phước. Nổi bật, năm 2023, bà đã biên tập lại bài thơ “Ngọn núi tình yêu” và bài thơ được tuyển chọn đưa vào sách giáo khoa lớp 11 chương trình giáo dục địa phương. Tiểu thuyết “Lính Miền Đông” cũng gây tiếng vang và được Nhà xuất bản Quân đội đánh giá khá cao…

Thời gian qua, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của quê hương và các di sản văn hóa của tỉnh luôn được kế thừa, bảo tồn và phát huy, các thiết chế văn hóa từng bước được quan tâm đầu tư. Ý thức tự cường, trách nhiệm công dân, tinh thần đoàn kết của người Bình Phước được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trên nhiều mặt làm phong phú thêm đời sống tinh thần trong nhân dân. Từ đó, ngày càng xuất hiện nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, địa bàn. Những “bông hoa” này đã và đang góp phần hình thành và phát triển các giá trị văn hóa mới, phù hợp với sự phát triển từng ngày của Bình Phước.

Phương Dung

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/152434/van-hoa-binh-phuoc-danh-thuc-nhung-gia-tri-tinh-hoa
Zalo