Văn hóa biển, đảo Quảng Ngãi: Nguồn lực cho phát triển bền vững (Kỳ 2)

(Báo Quảng Ngãi)- Lý Sơn không chỉ là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc, mà huyện đảo này còn sở hữu nhiều di sản vật thể và phi vật thể độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc sắc miền biển, đảo. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những bằng chứng lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Những mô hình thuyền câu và hình nhân thế mạng được thả trôi ra biển ngay sau Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Những mô hình thuyền câu và hình nhân thế mạng được thả trôi ra biển ngay sau Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (Lễ khao lề) ở Lý Sơn được xem một mạch nối về chủ quyền biển, đảo từ quá khứ đến hiện tại, là thông điệp khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Nghi lễ thiêng liêng này đã được bảo tồn, duy trì suốt hơn 400 năm qua. Vào ngày 16/3 âm lịch hằng năm, người dân tập trung đến đình làng An Vĩnh để cùng nhau tổ chức lễ khao lề nhằm tưởng nhớ những binh phu trong Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã tuân lệnh vua, ra quần đảo Hoàng Sa khai thác sản vật, cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Bàn cúng gồm bài vị những phu binh đã gặp nạn ở Hoàng Sa, chiếc thuyền câu mô hình và hình nhân thế mạng, cùng các lễ vật thịt heo, gà, rượu...

Ông Lê Hổ thực hiện nghi thức thổi ốc u trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: KIM NGÂN

Ông Lê Hổ thực hiện nghi thức thổi ốc u trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Ảnh: KIM NGÂN

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, nguyên Giám đốc Sở VH-TT&DL giải thích cụm từ "lễ khao lề": Khao là khao quân, còn lề nghĩa là lệ. Khao lề là lễ khao quân được tổ chức theo lệ. Trước đây, lễ khao quân được tổ chức trước khi Đội hùng binh Hoàng Sa ra khơi theo lệnh vua ban. Để thực thi nhiệm vụ tại Hoàng Sa, người lính phải lênh đênh trên những chiếc thuyền câu nhiều tháng ròng, nhiều người đi không trở về. Chính vì thế, lễ khao quân được tổ chức như lễ tế sống, xem như họ đã “chết một lần”, để những phu binh yên tâm ra biển và người ở nhà cũng yên lòng.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đình làng An Vĩnh (Lý Sơn). Ảnh: THANH PHƯƠNG

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đình làng An Vĩnh (Lý Sơn). Ảnh: THANH PHƯƠNG

Khi xưa, mỗi lần binh phu ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, luôn có người thổi ốc u để làm hiệu lệnh. Cư dân Lý Sơn ngày nay vẫn lưu truyền câu ca dao: “Ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”. Nghệ nhân Lê Hổ là truyền nhân thổi ốc u trong lễ khao lề ở Lý Sơn cho biết, người bác đã mất của ông tên Võ Chú là người thổi ốc u giỏi nhất đảo một thời. “Lúc còn sống, bác luôn dặn tôi phải cố gắng học để thành người kế tiếp thực hiện nghi thức thiêng liêng trong lễ khao lề. Nhiều người trên đảo thổi được ốc u, nhưng thổi theo điệu, theo bài, ngắn dài, giục giã, ngân vang thì không phải ai cũng làm được”, ông Hổ cho hay.

Lễ khao lề gắn liền với lịch sử ra đời và hoạt động của đội Hoàng Sa, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc trên Biển Đông. Trưởng Ban khánh tiết đình làng An Vĩnh Trần Cường cho biết, trước ngày tổ chức lễ, người dân tập trung về đình làng, cùng nhau dọn dẹp, trang hoàng nơi thờ cúng thật tươm tất. Các tộc họ trên đảo tổ chức lễ khao lề nhằm góp phần khơi dậy lòng yêu nước, bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp gắn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu.

Hiện các họ tộc ở Lý Sơn còn lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật, những bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Ông Đặng Thanh Hải (74 tuổi), ở thôn Đồng Hộ An Hải cho biết, nhiều năm qua, họ Đặng ra sức gìn giữ tờ lệnh của nhà vua điều binh ra Hoàng Sa vào năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1834). Tờ lệnh là văn bản cổ có giá trị về mặt pháp lý, khoa học khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đã được hiến tặng cho Bộ Ngoại giao vào năm 2009. “Trân trọng công đức của cha ông năm xưa vượt sóng gió ra Hoàng Sa cắm mốc chủ quyền, họ Đặng vẫn lưu giữ bản sao và bản dịch từ chữ Hán của tờ sắc lệnh. Chúng tôi luôn nhắn nhủ con cháu trong tộc họ giữ gìn, trân trọng các tài liệu như báu vật để hiểu về cội nguồn dân tộc”, ông Hải chia sẻ.

Ảnh: THANH TRUNG

Ảnh: THANH TRUNG

Huyện Lý Sơn có 13 dòng họ tiền hiền. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, các dòng họ trên đảo Lý Sơn có công rất lớn trong việc khai hoang, lập làng trên đảo, giữ gìn di sản văn hóa và xác lập chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Nhà thờ tộc Nguyễn Quang ở thôn Tây An Hải còn lưu giữ nhiều trang địa bạ của làng dưới thời nhà Nguyễn. Nhà thờ tộc Dương còn giữ bản văn tự bán đất lấy tiền chi phí cho đội hùng binh Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ. Nhà thờ tộc Võ Văn lưu trữ các tư liệu gắn với các cai đội, binh phu Hoàng Sa như: Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Vũ Văn Hùng... Các nghi thức tế đình, tế thần, lễ hội, đua thuyền, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của các họ tộc trên đất đảo ngày nay.

Ông Phạm Quang Tuấn là hậu duệ của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh còn lưu giữ kỷ vật về Hoàng Sa để ghi nhớ công ơn của cha ông. Ảnh: KIM NGÂN

Ông Phạm Quang Tuấn là hậu duệ của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh còn lưu giữ kỷ vật về Hoàng Sa để ghi nhớ công ơn của cha ông. Ảnh: KIM NGÂN

Tự hào là hậu duệ của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh, ngư dân Phạm Quang Tuấn (52 tuổi) 35 năm qua quyết tâm bám biển, không chỉ để phát triển kinh tế mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. “Việc ra Hoàng Sa ngày càng khó, đối diện nhiều hiểm nguy, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển. Vì đó là ngư trường truyền thống, nơi Đội hùng binh Hoàng Sa từng cắm mốc chủ quyền”, ông Tuấn cho hay.

Tiếp nối truyền thống của cha ông, ngư dân Lý Sơn đã cùng nhau lập nên đội tàu hùng mạnh để vững chải vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Tiếp nối truyền thống của cha ông, ngư dân Lý Sơn đã cùng nhau lập nên đội tàu hùng mạnh để vững chải vươn khơi đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Đội hùng binh Hoàng Sa tiêu biểu cho con người Lý Sơn về truyền thống yêu nước, bám biển, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Ngư dân Lý Sơn hôm nay tiếp tục ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, bảo vệ ngư trường truyền thống. Sau mỗi chuyến hải trình, ngư dân thường mang về nắm cát trắng hay những vỏ ốc của ngư trường Hoàng Sa để cất giữ cẩn thận, xem đó là “tài sản” quý giá. Trong đó, cát Hoàng Sa được nhiều gia đình dùng vào việc duy nhất là thay cát lư hương ngày cuối năm. Với họ, Hoàng Sa là một phần không thể tách rời của Việt Nam. Nơi đó, nhiều cha ông đi trước đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, Những gì thuộc về Hoàng Sa đều đáng được trân quý, giữ gìn.

Đảo Lý Sơn tuy không rộng lớn, nhưng ẩn chứa những di sản văn hóa gắn liền với quá trình cắm mốc chủ quyền biển, đảo của cha ông. Trong đó, thờ cá voi là tập tục truyền thống, có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh. Theo nhiều lão ngư ở Lý Sơn, từ xa xưa, những chuyến hải trình lênh đênh trên biển ở Hoàng Sa, Trường Sa có nhiều bất trắc. Có không ít trường hợp ngư dân trong lúc hiểm nguy đã được thần Nam Hải xuất hiện, giúp đưa vào bờ an toàn. Đến nay cư dân Lý Sơn còn truyền tụng câu ca: “Lăng Ông thánh độ vững như sơn/ Yếu điểm trung tâm nghĩa với nhơn (nhân)/ Một dạ tu bồi hằng giữ pháp/ Hai tay đắp lũy để đền ơn”...

Du khách tham quan Lăng Tân, nơi lưu giữ hai bộ xương cá voi lớn có niên đại 300 năm tuổi. Ảnh: KIM NGÂN

Du khách tham quan Lăng Tân, nơi lưu giữ hai bộ xương cá voi lớn có niên đại 300 năm tuổi. Ảnh: KIM NGÂN

Khi cá Ông “lụy” bờ, cư dân miền biển sẽ làm lễ chôn cất. Sau một thời gian, xương cốt được đưa vào lăng thờ cúng. Huyện đảo Lý Sơn hiện có 7 lăng thờ cá Ông, mỗi nơi thờ hàng trăm bộ "ngọc cốt" tuổi từ vài chục năm đến hơn 300 năm tuổi. Trong đó, có hai bộ xương cá Ông được phục dựng và bảo quản ở Lăng Tân có kích thước lớn nhất và niên đại lâu nhất, được phong tước Đồng Đình Đại Vương và Đức Ngư nhị vị tôn thần. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, huyện đang xác lập hồ sơ, hoàn thiện các thủ tục để trình Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận hai bộ xương cá Ông tại Lăng Tân lớn nhất Việt Nam. Đây là một trong những địa điểm di tích được du khách viếng thăm nhiều nhất khi đến với Lý Sơn.

Một ngôi nhà cổ có tuổi đời 200 năm tuổi ở Lý Sơn. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Một ngôi nhà cổ có tuổi đời 200 năm tuổi ở Lý Sơn. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Ở Lý Sơn, nhiều gia đình vẫn còn gìn giữ hơn 10 ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 150 - 200 năm, được xây dựng theo kiến trúc nhà rường, mái đắp đất. Nhà cổ là nơi diễn ra lễ tế, tri ân công đức tổ tiên những người đã giong buồm, vượt sóng gió đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Phạm Đoàn (80 tuổi), ở thôn Đông An Vĩnh cho biết, ngôi nhà của gia đình đã được gìn giữ gần 200 năm, được dựng theo kết cấu 3 gian, 2 chái với hệ thống kèo, cột nhà kết chặt với nhau.

Nhà thờ lục tộc ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn) thờ 6 vị tiền hiền đã có công mở đất, lập nghề.

Nhà thờ lục tộc ở thôn Đông An Vĩnh (Lý Sơn) thờ 6 vị tiền hiền đã có công mở đất, lập nghề.

Còn ngôi nhà cổ của ông Dương Mới (66 tuổi), ở thôn Đông An Vĩnh cũng được gìn giữ gần 2 thế kỷ. Trong nhà còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối nói về công đức của các vị tiền hiền đã có công khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa. “Để giữ được nguyên trạng cấu trúc ngôi nhà cổ của tiền nhân, mỗi năm tôi đều tu sửa, chỉnh trang những chỗ hư hỏng. Mình là lớp con cháu hậu sinh, phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn những gì tổ tiên để lại”, ông Dương Mới tâm sự.

Đua thuyền truyền thống tứ linh ở Lý Sơn. Ảnh: THANH PHƯƠNG

Đua thuyền truyền thống tứ linh ở Lý Sơn. Ảnh: THANH PHƯƠNG

KIM NGÂN - THANH PHƯƠNG

Trình bày: VÕ VĂN
Kỳ cuối:
Phát huy di sản văn hóa biển, đảo để phát triển du lịch

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/media/emagazine/202406/van-hoa-bien-dao-quang-ngai-nguon-luc-cho-phat-trien-ben-vung-ky-2-46130f3/
Zalo