Vận hành metro số 1 TPHCM: Chạm đến 'giấc mơ' giao thông xanh, hiện đại

17 năm phê duyệt, 12 năm xây dựng với 5 lần lỡ hẹn 'về đích', cuối cùng dự án đường sắt đô thị số 1 TPHCM (metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên) đã vận hành chính thức ngày 22/12. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt lớn khi 'giấc mơ' metro của TPHCM bắt đầu được hiện thực hóa.

Từ tuyến metro số 1, TPHCM đặt mục tiêu hoàn thành 355km đường sắt đô thị vào năm 2035. Cùng với đó, ngành giao thông TP cũng đặt ra mục tiêu “chuyển đổi xanh” trong hoạt động vận tải hành khách công cộng.

Kỳ vọng về một thành phố văn minh, hiện đại, nơi có hệ thống giao thông công cộng xanh, xứng tầm, với nhiều tiện ích dần được hiện thực hóa.

17 năm hành trình metro số 1

Là một đô thị với mật độ dân cư đông đúc, từ những năm 2000, TPHCM đã xác định trọng tâm phát triển hệ thống giao thông công cộng để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Trong giai đoạn ban sơ này, ngành giao thông thành phố đã xác định hệ thống đường sắt đô thị sẽ là “xương sống” của giao thông công cộng.

 Người dân chờ đón đoàn tàu metro số 1 ngày đầu vận hành. Ảnh: Duy Anh

Người dân chờ đón đoàn tàu metro số 1 ngày đầu vận hành. Ảnh: Duy Anh

Từ đó, vấn đề xây dựng tuyến metro đầu tiên của TPHCM được đặt ra. Nhiều cuộc họp, hội thảo đã được diễn ra nhằm xác định hướng tuyến, chiều dài và phương thức xây dựng.

Đầu năm 2006, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Chợ Nhỏ. Đến tháng 10/2006, Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh tuyến đường sắt từ Chợ Nhỏ đến Suối Tiên thành dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự án do Nhật Bản nghiên cứu và tài trợ vốn ODA thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).

Năm 2007, dự án được phê duyệt lần đầu với tổng mức đầu tư dự kiến 17.387 tỷ đồng dựa trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế của Bộ GTVT. Đến năm 2009, liên danh NJPT của Nhật Bản (Tư vấn chung của dự án) đã cập nhật, tính toán lại, nâng tổng mức đầu tư lên khoảng 47.325 tỷ đồng. Nguyên nhân là một phần do việc kéo dài hướng tuyến đến bến xe miền Đông mới (TP Thủ Đức) và cập nhật đơn giá xây dựng, giải phóng mặt bằng.

 Rất đông người dân TPHCM trải nghiệm tàu metro số 1. Ảnh: Duy Anh

Rất đông người dân TPHCM trải nghiệm tàu metro số 1. Ảnh: Duy Anh

Từ việc điều chỉnh vốn đầu tư đã khiến tiến độ dự án kéo dài. Mãi đến tháng 8/2012, dự án mới chính thức được khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành xây dựng vào năm 2017, đưa vào khai thác năm 2018.

Đến năm 2019, UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư tăng lên hơn 43.700 tỷ đồng và lùi tiến độ hoàn thành và khai thác thương mại vào quý IV/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc chậm ký kết phụ lục hợp đồng tư vấn đã khiến dự án tiếp tục trễ hẹn. Đến đầu năm 2021, tuyến metro số 1 vẫn chưa thể hoàn thành mà tiếp tục dời thời gian hoàn thành đến quý IV/2022.

Tháng 10/2022, tuyến metro số 1 lại lùi tiến độ hoàn thành đến cuối quý IV/2023. Vào tháng 6/2024, tuyến metro số 1 TPHCM được phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành thi công để đưa dự án vào vận hành thương mại vào quý IV/2024.

Như vậy, mất 17 năm từ ngày dự án được phê duyệt lần đầu và 12 năm dự án được triển khai thi công, metro số 1 TPHCM mới chính thức đi vào vận hành.

 Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (bên phải) cùng ông ONO Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM trải nghiệm tàu metro số 1. Ảnh: Hữu Huy

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi (bên phải) cùng ông ONO Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM trải nghiệm tàu metro số 1. Ảnh: Hữu Huy

Thực tế, trong năm 2024, với sự nỗ lực từ các đơn vị tham gia dự án, một giai đoạn tăng tiến độ, “bứt tốc” đã được thực hiện một cách ngoạn mục để đưa dự án “về đích” đúng kế hoạch đề ra.

Tại lễ công bố vận hành chính thức vào sáng 22/12, ông Lê Minh Triết - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1, đơn vị vận hành tuyến metro số 1) cho biết, đến nay công ty đã hoàn thành mục tiêu tiếp nhận vận hành tuyến metro số 1.

Trước đó, công ty đã vận hành thử nghiệm tuyến từ ngày 1/10/2024 đến ngày 19/12/2024 với 4.565 lượt tàu và hơn 85.000km, hoàn thành các bài kiểm tra, đánh giá của tư vấn chung NJPT (tư vấn dự án), tư vấn đánh giá ATHT (tư vấn an toàn). Công tác xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế đặt hàng cho việc vận hành tàu, bảo trì bảo dưỡng công trình đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo cơ chế tài chính ổn định lâu dài.

“Việc đưa vào vận hành metro số 1 chỉ là kết quả ban đầu so với kỳ vọng, tâm huyết ấp ủ của lãnh đạo và nhân dân thành phố về hệ thống vận tải sức chở lớn cho giao thông công cộng.

Để đáp ứng với kỳ vọng phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM định hướng trong tương lai với độ phủ mạng dài hơn, rộng hơn, đảm bảo khai thác hiệu quả không gian ngầm, kết hợp chỉnh trang đô thị, và đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thành phố, công ty sẽ phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa”- ông Triết nói.

Hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, dự án metro số 1 đã hoàn tất các điều kiện theo quy định để chính thức vận hành và khai thác ngày 22/12. Công trình này bắt đầu một chương mới trên hành trình phát triển giao thông đô thị hiện đại của TPHCM.

“Công trình này đánh dấu mốc quan trọng trong việc hiện thực hóa quy hoạch hệ thống giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu di chuyển nhanh chóng và hiệu quả của người dân; góp phần giảm thiểu áp lực giao thông, ô nhiễm môi trường. Hành trình này không chỉ là bằng chứng cho sự nỗ lực bền bỉ của chính quyền thành phố, mà còn thể hiện sự đồng hành và hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản”- ông Cường nhấn mạnh.

Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, TP sẽ tiếp tục ưu tiên, tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch giao thông đô thị, phát triển mạnh theo mô hình TOD, nhằm xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, hiện đại, bền vững trong tương lai.

Hiện nay, với việc hoàn thành metro số 1, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã khẩn trương chuẩn bị mặt bằng để khởi công dự án metro số 2 vào năm tới 2025. TP cũng đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ có 355km đường sắt đô thị, đồng nghĩa, khối lượng công việc trong thời gian tới là rất lớn, đòi hỏi sự quyết tâm cao.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, TPHCM nên nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân vướng mắc khiến metro số 1 kéo dài, từ bài học này để triển khai các tuyến metro tiếp theo được tốt hơn, nhanh chóng hơn.

“Về đề án đường sắt đô thị với mục tiêu hoàn thành 355km vào năm 2035, đây là bài toán phức tạp, mấu chốt là ở giải pháp nguồn lực. Năng lực của bộ máy thực hiện phải vượt trội, phải có sự bứt phá”- TS Võ Kim Cương nói.

Ông Phan Công Bằng - Trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) kỳ vọng tuyến metro số 1 sẽ nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân thành phố và khu vực, để có thể phát huy tối đa hiệu quả của dự án.

“Trong thời gian tới, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM sẽ triển khai các dự án đường sắt đô thị tiếp theo với tinh thần đột phá cùng sự quyết tâm cao, góp phần xây dựng một hệ thống giao thông xanh, bền vững, văn minh và hiện đại”- ông Bằng khẳng định.

Ông Nguyễn Quốc Hiển - Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho rằng, bài học từ dự án metro số 1 phải là chuẩn mực để triển khai các dự án metro tiếp theo.

“Vấn đề mặt bằng, nguồn vốn, pháp lý,… phải được chuẩn bị cẩn thận, đó là bài học từ dự án metro số 1, mà hiện nay metro số 2 đang áp dụng và các dự án về sau theo đó mà triển khai”- ông Hiển thông tin.

KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM cho rằng, việc tuyến metro số 1 kéo dài là khó tránh bởi đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM.

“Như những gì chúng ta đã thấy, những khó khăn của metro số 1 đã được tháo gỡ, những bài học này là kinh nghiệm để áp dụng vào các tuyến tiếp theo.

Nhìn về tổng thể trong tương lai, TPHCM sẽ có mạng lưới đường sắt đô thị phát triển. Tuy nhiên, đây là câu chuyện dài, cần tính toán bước đi kỹ lưỡng, phải có nguồn lực đủ mạnh”- ông Khương Văn Mười nêu ý kiến.

Phát triển hệ thống giao thông xanh

Cùng với tuyến tàu điện metro số 1, ngành giao thông TPHCM cũng vừa đưa vào vận hành 17 tuyến buýt điện kết nối. Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông, HĐND TP đã có Nghị quyết từ năm 2020 để thực hiện các cơ chế, chính sách để phát triển hạ tầng cùng với đồng thời phát triển giao thông công cộng. Qua đó, mục tiêu là đưa giao thông công cộng lại gần với người dân.

“Dự án tăng cường kết nối giao thông với tuyến metro số 1 đã được HĐND TP thông qua, ưu tiên nguồn vốn để tập trung triển khai đảm bảo đồng bộ kế hoạch với metro. 17 tuyến xe buýt điện kết nối là kết quả từ quá trình nghiên cứu, rà soát, tái cấu trúc hệ thống xe buýt”- ông Lâm thông tin.

Theo người đứng đầu ngành giao thông TPHCM, từ năm 2019, TPHCM là địa phương đầu tiên đề xuất Chính phủ thí điểm xe buýt điện. Năm 2019, TP đã đưa xe buýt điện vào hoạt động để thử nghiệm về phương tiện, hạ tầng, điều kiện thời tiết. Quá trình thử nghiệm có thể thấy người dân đón nhận và chất lượng dịch vụ tốt, đáp ứng về hạ tầng, khí hậu.

Sắp tới, TPHCM sẽ triển khai đề án kiểm soát khí thải trên cơ sở Nghị quyết số 98, cũng như quyết định của Chính phủ về giảm phát thải, tiến tới năm 2050 phát thải ròng bằng 0 “Netzero”.

Hiện nay TPHCM đang xây dựng mục tiêu từ nay đến năm 2030 là 100% xe buýt sẽ sử dụng năng lượng xanh (xe sử dụng năng lượng điện hoặc sử dụng khí CNG), trong đó ngành giao thông đang ưu tiên và tập trung phát triển xe buýt điện.

Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam

Ông ITO Naoki - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, metro số 1 TPHCM là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Việt Nam, đây dự án vốn vay ODA lớn nhất của Nhật Bản dành cho Việt Nam và là dự án mang tính biểu tượng của hợp tác Nhật -Việt.

“Tuyến số 1 kết nối các khu vực có nhu cầu vận tải cao, và sẽ có sự chuyển dịch lớn trong phương thức di chuyển của người dân từ ô tô, xe máy sang đường sắt đô thị. Những khía cạnh tiêu cực của quá trình đô thị hóa nhanh chóng như ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí đang trở nên rõ nét ở TPHCM và tôi tin tưởng rằng tuyến đường sắt đô thị này sẽ góp phần to lớn vào việc cải thiện những vấn đề trên”- ông ITO Naoki nói.

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, trong “kỷ nguyên mới” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra với mục tiêu đạt tăng trưởng kinh tế cao tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm là cơ sở hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ông ITO Naoki cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.

Mong thành phố có thêm nhiều tuyến metro

Sáng 22/12, tại ga Bến Thành (quận 1), không khí hào hứng của người dân TPHCM càng thêm sôi động khi tuyến metro đầu tiên của thành phố chính thức đi vào hoạt động.

Minh Anh, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Kinh tế TPHCM, đang cùng nhóm bạn trải nghiệm chuyến tàu đầu tiên, chia sẻ: “Mình rất hào hứng vì từ hôm nay sẽ đi học bằng metro, tiện lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều so với trước đây phải đi xe máy trong tình trạng kẹt xe. Đặc biệt là ga Bến Thành rất đẹp, lại có không gian thoáng đãng, nên hôm nay mình cũng tranh thủ check-in một chút”.

Minh Anh cho biết việc metro đi vào hoạt động sẽ giúp sinh viên như cô tiết kiệm thời gian và chi phí, vì không phải lo lắng về việc tìm chỗ gửi xe mỗi ngày: “Mình nghĩ đây sẽ là lựa chọn lý tưởng cho các bạn sinh viên, không chỉ vì sự tiện lợi mà còn vì cảm giác thoải mái khi di chuyển mà không phải lo lắng về ùn tắc. Mỗi lần đi qua các ga, mình có thể vừa ngắm cảnh thành phố từ trên cao, vừa thư giãn và học bài. Hơn nữa, metro cũng là nơi check-in rất đẹp, mình nghĩ sẽ có nhiều bạn thích đến đây để chụp ảnh sống ảo”.

Người dân TPHCM háo hức đi tàu metro Ảnh: Duy Anh

Cùng ngày, chị Mai Lan, 38 tuổi, sống tại Thủ Đức, cùng chồng và hai con nhỏ cũng tham gia chuyến tàu đầu tiên, trải nghiệm cảm giác ngồi trên metro và ngắm thành phố từ trên cao. Chị Lan chia sẻ: “Gia đình tôi và hàng xóm đều tranh thủ đi từ sáng sớm. Đây là lần đầu tiên tôi được đi metro, cảm giác rất thú vị, các con tôi thì rất hào hứng”.

Mặc dù gia đình chị Lan vẫn chủ yếu di chuyển bằng xe máy, nhưng chị kỳ vọng vào tương lai: “Khi các con lớn lên, sẽ có thêm nhiều tuyến metro để các con tự đi học. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giúp các con học cách ứng xử văn minh và có ý thức với cộng đồng”.

Tại ga Bến Thành, chị Ngọc - chuyên viên của tuyến metro, cũng đang làm việc vất vả trong ngày đầu tiên mở cửa đón khách. “Ngày đầu tiên rất đông người, chúng tôi phải làm việc hết công suất. Dù mệt, nhưng tôi rất vui vì chứng kiến sự thay đổi lớn này. Đây là một bước tiến quan trọng, và tôi hy vọng metro sẽ sớm trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân thành phố”- chị Ngọc chia sẻ.

Ông James Hadley, giáo viên tại Trường Quốc tế TPHCM (ISHCMC), cũng tham gia trải nghiệm chuyến tàu đầu tiên cùng con gái. Ông chia sẻ: “Hệ thống tàu điện ngầm là một điều tuyệt vời cho TPHCM. Mặc dù hôm nay còn chút lúng túng trong cách vận hành, nhưng tôi tin rằng đây là sự khởi đầu đầy hứa hẹn. Tất cả chúng ta đều cần thời gian để làm quen với một phương tiện mới. Tôi đánh giá rất cao sự tận tâm của các nhân viên ga tàu trong việc hướng dẫn hành khách”. Ông Hadley cũng tin rằng tuyến metro này sẽ giúp TPHCM trở thành một trong những đô thị hiện đại hàng đầu thế giới: “Metro không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn mang lại một cuộc sống tiện nghi và văn minh cho người dân. Đây là bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của TPHCM”.

Phú Quang

Hữu Huy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/van-hanh-metro-so-1-tphcm-cham-den-giac-mo-giao-thong-xanh-hien-dai-post1703191.tpo
Zalo