Vận hành dự án xanh, chủ đầu tư cần lưu ý gì?

Chuyên gia Savills cho biết, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững xuyên suốt quá trình dự án đi vào hoạt động, chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân cần phối hợp chặt chẽ cùng thực hiện các giải pháp xây dựng và quản lý theo tiêu chuẩn xanh.

Theo ông Trần Ngọc Duy - Phó Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội, để được công nhận là công trình xanh, ngoài đáp ứng các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng.

Việc nắm bắt xu hướng và chuyển đổi xanh sẽ giúp các chủ đầu tư có lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, đạt tỷ lệ lấp đầy nhanh hơn và có thể chào bán, cho thuê với mức chi phí tốt hơn. Bởi các dự án xanh không chỉ phục vụ mục tiêu chung của toàn cầu và Chính phủ về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, mà còn phục vụ nhu cầu thực tế của người dân.

Cùng đó, mặc dù chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cho các công trình xanh có thể cao hơn so với loại dự án truyền thống, việc vận hành bền vững mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn và tiết kiệm hơn. Đặc biệt trong việc giảm chi phí năng lượng tiêu thụ.

Nắm bắt xu hướng và chuyển đổi xanh giúp chủ đầu tư thu hút và giữ chân khách hàng.

“Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững xuyên suốt quá trình dự án đi vào hoạt động, chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân cần phối hợp chặt chẽ cùng thực hiện các giải pháp xây dựng và quản lý theo tiêu chuẩn xanh”, ông Duy nói.

Cũng theo ông Duy, phía chủ đầu tư cùng đơn vị quản lý cần có các phương án vận hành tiết kiệm năng lượng, theo sát các tiêu chí vận hành xanh dựa trên các tiểu chuẩn của những chứng nhận uy tín. Cùng đó, cần tối ưu hóa điện năng và lượng nước tiêu thụ để giúp tiết kiệm chi phí vận hành, bảo đảm tính bền vững cho dự án.

Theo kinh nghiệm quản lý và vận hành các dự án xanh của Savills, đèn hiệu suất thấp được thay thế bằng các loại đèn LED, bóng phản quang và halogen có tuổi thọ cao, bảo đảm mức tiêu thụ dưới 20 watt/m². Hệ thống điều hòa không khí cũng được tối ưu.

Chỉ cần điều chỉnh tăng hoặc giảm 1°C tại khu vực chung có thể giúp tiết kiệm đến 10% năng lượng dùng cho việc làm mát hoặc sưởi ấm tòa nhà. Quản lý nước được triển khai qua nhiều biện pháp tiết kiệm, như điều chỉnh lưu lượng nước tại các vòi xuống khoảng 3,5 lít/phút và tối ưu hóa mức xả bồn cầu ở 4,5 lít/lần, sử dụng hệ thống tái sử dụng nguồn nước thiên nhiên như nước mưa.

Dữ liệu từ Savills cho biết, các giải pháp tối ưu nguồn nước đã giúp các dự án văn phòng tiết kiệm 17% lượng nước tiêu thụ trên mỗi mét vuông diện tích sử dụng. Đối với các dự án nhà ở, con số này đạt mức giảm 3%, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong quản lý bất động sản.

Cùng với các yếu tố điện và nước, chất lượng không khí bên trong tòa nhà được đặc biệt chú trọng. Dự án trang bị hệ thống quạt thông gió cung cấp không khí tươi cùng với bộ lọc không khí được sử dụng để giảm thiểu bụi thô.

Hiện nay, chất lượng không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội đang liên tục rơi vào tình trạng đáng báo động. Chỉ số chất lượng không khí thường xuyên ở mức kém và nồng độ bụi mịn cao hơn gần gấp hai lần mức tiêu chuẩn. Việc các dự án được trang bị hệ thống lọc không khí tốt đáp ứng được tiêu chuẩn xanh và góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân.

Bên cạnh những yếu tố cơ bản trên, công tác quản lý vận hành một dự án xanh còn cần chú trọng đến nhiều khía cạnh khác. Cụ thể là tối ưu hóa vận hành hệ thống kỹ thuật thông qua đánh giá và điều chỉnh thông số hoạt động; xây dựng kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng hợp lý, áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng, phần mềm, cải thiện cách nhiệt cách âm…

“Việc vận hành dự án xanh là quá trình bền bỉ, liên tục, có kế hoạch, phương pháp hợp lý theo các tiêu chuẩn, chứng chỉ uy tín”, ông Duy nhấn mạnh.

Về phía khách thuê, cư dân, đây là nhóm chủ yếu sử dụng dịch vụ tiện ích và tiêu thụ năng lượng chính tại các tòa nhà. Do đó, chủ đầu tư cũng cần khuyến khích đối tượng này tham gia vào chiến lược xanh dài hạn, hướng tới môi trường, xã hội và quản trị (ESG) như hạn chế sử dụng rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn.

Ví dụ, ban quản lý có thể triển khai nhiều phương thức truyền thông trực tiếp, như biểu ngữ hay bảng tin hàng tuần, hoặc trực tuyến thông qua ứng dụng thông minh. Từ đó, khách thuê sẽ dần hiểu được trách nhiệm của bản thân và sẵn sàng phối hợp với tòa nhà để chung tay hành động vì một môi trường bền vững.

Hà Anh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/moi-truong/van-hanh-du-an-xanh-chu-dau-tu-can-luu-y-gi/20241120085335521
Zalo