Vận hành công trình thủy lợi trữ nước trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang)

Ngày 26-12, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết vừa vận hành công trình thủy lợi nhồi tích trữ nước trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công, nhằm đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân trong mùa khô năm 2025.

 Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân trữ nước ngọt để phòng chống xâm nhập mặn

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang khuyến cáo người dân trữ nước ngọt để phòng chống xâm nhập mặn

Thời gian vận hành bắt đầu từ cuối tháng 12-2024. Trong quá trình vận hành tích trữ nước, mực nước trên các tuyến kênh trục chính sẽ dao động ở mức cao (đặc biệt tại khu vực TP Gò Công và huyện Gò Công Đông). Thời gian này, các cống sẽ hạn chế xả nước, chỉ xả nước khi độ mặn phía đồng tại cống lớn hơn 1g/l hoặc bị ô nhiễm.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đề nghị các địa phương có địa hình trũng thấp, khuyến cáo người dân chủ động nâng cao bờ vùng, bờ thửa để hạn chế ngập úng. Đồng thời, thông tin cho nhân dân trong khu vực biết việc vận hành tích trữ nước để chủ động sản xuất.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, dự báo, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ xấp xỉ với mùa khô 2023 – 2024. Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sẽ khai thông dòng chảy, làm thủy lợi nội đồng. Đồng thời, tổ chức vận hành theo hướng ngăn triều cường và trữ nước ngọt tại cống Bảo Định để tăng cường lượng nước cho hoa màu và cây ăn trái, phục vụ sản xuất nông nghiệp trong khu vực.

Song song đó sẽ tăng cường mở cửa để lấy nước ngọt tối đa 7 cống ven sông Tiền: cống Cái Sơn, Mù U, Hai Tân, Cây Cồng (huyện Cai Lậy), cống Phú Phong, Rạch Gầm và cống âu kênh Nguyễn Tấn Thành (huyện Châu Thành) đảm bảo tưới tiêu cho vùng cây ăn trái lớn nhất tỉnh Tiền Giang.

 Ngành chức năng tỉnh Long An khuyến cáo người dân nạo vét kênh mương, khơi thông nội đồng để phục vụ sản xuất

Ngành chức năng tỉnh Long An khuyến cáo người dân nạo vét kênh mương, khơi thông nội đồng để phục vụ sản xuất

* Tại Long An, theo Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, hiện nay, độ mặn đã bắt đầu xuất hiện trên các tuyến sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, thời điểm xuất hiện xâm nhập mặn tương đương so cùng kỳ mùa khô năm 2023-2024 (theo ngày dương lịch) và hiện dao động ở mức từ 0,50 - 6,9 gram/lít (g/l). Dự báo, độ mặn trên các tuyến sông sẽ tiếp tục tăng và lấn sâu.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Long An, tình hình xâm nhập mặn trên hệ thống sông Vàm Cỏ mùa khô năm 2024-2025 (từ tháng 1-2024 đến tháng 6-2025) xuất hiện nhiều đợt mưa trái mùa với lượng mưa phổ biến từ nhỏ đến vừa và kéo dài trong một vài ngày.

Dự báo độ mặn trên 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây trong mùa khô 2024-2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Mực nước đầu nguồn các sông Vàm Cỏ, Rạch Cát, sông Tra, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông Soài Rạp, Vàm Cỏ ở mức cao hơn TBNN.

Tại khu vực Cầu Nổi (sông Vàm Cỏ) không có nước ngọt trong suốt mùa khô kể cả vào lúc triều thấp; trên sông Vàm Cỏ Tây, từ Tân An trở lên có khả năng lấy được nước ngọt đến cuối tháng 1-2025. Trên sông Vàm Cỏ Đông giữa tháng 1-2025 trở đi, nguồn nước chỉ xuất hiện một vài ngày vào lúc chân triều thời kỳ triều kém, thời gian còn lại thì nước mặn. Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 4-2025, không có khả năng xuất hiện nước ngọt; độ mặn trong tháng 5-2025 sẽ nhỏ hơn dự báo nếu có mưa; độ mặn trong tháng 6-2025 tại các trạm giảm dần đến hết tháng.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó xâm nhập mặn, thiếu nước trong mùa khô 2024-2025; đồng thời, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất vụ lúa đông xuân 2024 – 2025, hè thu 2025 và cấp nước sinh hoạt cho người dân, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An đề nghị Trung tâm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Long An phối hợp Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện phía Nam và TP Tân An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn và xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý.

Đồng thời, kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào nội đồng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân.

 Khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước ngọt, tích trữ nước vào kênh, mương

Khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước ngọt, tích trữ nước vào kênh, mương

Khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước ngọt, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng, các trang thiết bị có thể trữ nước (bồn chứa, lu, túi chứa nước,…); sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-hanh-cong-trinh-thuy-loi-tru-nuoc-trong-vung-du-an-ngot-hoa-go-cong-tien-giang-post774932.html
Zalo