Vận động viên sau giải nghệ - Bài 1: Tìm hướng đi chuyển đổi nghề nghiệp
Theo thống kê của Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có khoảng 22.000 vận động viên thuộc các tuyến (bao gồm các đội tuyển quốc gia và các đội tuyển thuộc tỉnh, thành phố, ngành).
Dù được tạo điều kiện và quan tâm hỗ trợ nhưng chỉ có khoảng 15-20% tuyển thủ quốc gia và vận động viên xuất sắc sau khi giải nghệ trở thành huấn luyện viên hay giáo viên thể chất. Sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, có tới 60-70% số vận động viên có thành tích và đẳng cấp, khi chia tay sự nghiệp phải bắt đầu một công việc khác.
Phóng viên TTXVN thực hiện 2 bài viết với chủ đề "Vận động viên sau giải nghệ", phản ánh những nỗi khó khăn, vất vả của các vận động viên sau khi kết thúc sự nghiệp; cũng như đi tìm hướng đi để hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.
Tìm hướng đi chuyển đổi nghề nghiệp
Các vận động viên là những người có tố chất, bản lĩnh và sự cần cù mà không phải người bình thường nào cũng có được. Họ có thể làm việc trong môi trường kỷ luật, chịu được nhiều áp lực. Nếu được định hướng tốt, nhiều vận động viên sau này có thể trở thành những người thành đạt trong cuộc sống. Tuy nhiên việc đào tạo, hướng nghiệp, chuyển đổi nghề đối với vận động viên sau khi kết thúc thi đấu còn gặp khó khăn do trình độ học vấn, kỹ năng của các vận động viên chưa phù hợp với đa số ngành nghề khác của xã hội.
Còn đó nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền
Vận động viên bơi khuyết tật Võ Thanh Tùng (hạng thương tật S5) có gần 20 năm gắn bó với đường đua xanh. Anh từng giành huy chương Bạc cự ly 50m tự do tại Paralympic 2016 (Rio, Brazil); từng giữ vị trí top đầu ở các đường đua ngắn tại nhiều kỳ Asian Para Games. Sở hữu bộ sưu tập hàng trăm tấm huy chương ở các giải thể thao người khuyết tật và nhiều năm liền được bầu chọn là vận động viên khuyết tật xuất sắc toàn quốc… nhưng thu nhập từ nghề vận động viên của Tùng cơ bản không đủ trang trải cuộc sống hiện tại. Gia đình anh hiện đang kinh doanh cửa hàng quần áo ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Vận động viên Võ Thanh Tùng chia sẻ: Sau mỗi giải đấu, anh vẫn phải thường xuyên ở nhà hỗ trợ vợ bán hàng. Nhờ được bà con lối xóm biết đến là một vận động viên nổi tiếng, có nhiều thành tích nên việc kinh doanh của gia đình cũng gặp nhiều thuận lợi hơn.
Khác với các vận động viên bình thường, các vận động viên khuyết tật phải đối diện với vấn đề cơm, áo, gạo, tiền ngay cả khi đang thi đấu cho các đội tuyển quốc gia. Do chính sách và nguồn lực cho các vận động viên khuyết tật còn hạn chế, họ hầu hết chỉ được triệu tập đi thi đấu và được tham gia tập huấn trước mỗi giải đấu quốc tế. Thu nhập từ nghề nghiệp của vận động viên không đủ, đa số họ phải làm thêm để mưu sinh.
Theo thống kê của Ủy ban Paralympic Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 30.000 người khuyết tật tham gia tập luyện thể thao, trong đó gần 1.200 vận động viên khuyết tật tham gia các giải đấu toàn quốc… Tuy nhiên, chỉ có 37 vận động viên người khuyết tật được hưởng chế độ dinh dưỡng, tập luyện theo chính sách của nhà nước - đây là con số còn khá khiêm tốn.
Khác với thể thao thành tích cao, chế độ các vận động viên khuyết tật được hưởng không đủ để giúp họ yên tâm gắn bó, cống hiến cho thể thao. Thông tư 86/2020/ TT-BTC quy định chế độ dinh dưỡng cho vận động viên cũng không có căn cứ ban hành chế độ cho vận động viên thể thao người khuyết tật (chỉ quy định vận động viên thành tích cao, vận động viên thể thao người khuyết tật đạt chuẩn Paralympic mới có chế độ). Sau khi tham gia thi đấu đỉnh cao hay khi giải nghệ, đa số các vận động viên khuyết tật đều phải tự tìm nghề nghiệp kiếm sống ngay cả trước khi tham gia tập luyện và thi đấu.
Theo Tổng Thư ký Ủy ban Paralympic Việt Nam Trần Đức Thọ, với người khuyết tật, dù biết rằng thể thao giúp họ vượt lên chính mình nhưng có quá nhiều khó khăn, nhất là trong việc phải bươn chải mưu sinh, bảo đảm cuộc sống… đã níu chân họ trong việc cống hiến cho sự nghiệp thể thao. Nhiều vận động viên sau khi tập trung tập huấn, thi đấu, quay về với đời sống đời thường bằng nhiều nghề nghiệp khác nhau như: bán vé số, bán hàng online, đi giao hàng, mở tiệm bán nước, sửa đồ điện…
Tại các địa phương, vận động viên khuyết tật đa số đều tập luyện theo mô hình nghiệp dư. Trước mỗi giải đấu lớn họ mới được tập trung ngắn hạn, khiến họ rất khó nâng cao thành tích. Việc xã hội hóa thể thao của người khuyết tật còn gặp vô vàn khó khăn, rất ít địa phương còn duy trì được đội tuyển thể thao người khuyết tật, hoặc có cũng chủ yếu tập luyện, thi đấu trong những điều kiện tối thiểu (không có chính sách đào tạo năng khiếu).
Chuẩn bị mọi điều kiện từ sớm
Từng là vận động viên nam duy nhất giành huy chương Vàng Vô địch châu Á năm 2017 tại Thái Lan, vận động viên Đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia Lê Thanh Tùng (sinh năm 1995) sau khi gặp chấn thương trong quá trình tập luyện, nhờ sự quan tâm, động viên, định hướng của các thầy cô ở đội tuyển, đã dành hơn 6 năm (theo hệ tích lũy) để hoàn thành quá trình học tập tại trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh (năm 2022).
Nhận thấy mình không còn khả năng thi đấu đỉnh cao, Tùng đã chuyển hướng sang học hỏi kinh nghiệm huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh để tiến tới trở thành một huấn luyện viên Thể dục dụng cụ. “Tuy còn nhiều bỡ ngỡ với công việc mới, nhưng việc không phải đi thi đấu xa nhà thường xuyên và được ở gần gia đình cũng giúp em phần nào yên tâm và tập trung hơn cho công việc hiện tại”, Tùng chia sẻ.
Huấn luyện viên Trương Minh Sang (Đội tuyển Thể dục dụng cụ quốc gia) cho biết, các huấn luyện viên luôn nhận thức rõ trách nhiệm phải đôn đốc, nhắc nhở các vận động viên khi các em chuẩn bị kết thúc sự nghiệp thi đấu đỉnh cao cần có bằng đại học phù hợp với việc lựa chọn nghề nghiệp sau này. Về phía Ban Huấn luyện, các thầy cô luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em có thể hoàn thành việc học tập.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội cho rằng: Vấn đề hướng nghiệp, tạo việc làm cho vận động viên sau giải nghệ là cần thiết, để giúp vận động viên ổn định sự nghiệp, cuộc sống sau khi giải nghệ. Nếu không có quá trình chuẩn bị tốt khi còn trong thời kỳ thi đấu, các nhà quản lý không xây dựng được những chính sách phù hợp sẽ là rào cản rất lớn khiến các em khó bắt nhịp với cuộc sống sau khi đã kết thúc thi đấu đỉnh cao.
Khi xã hội phát triển điều kiện kinh tế được cải thiện, việc thay đổi chính sách cho phù hợp với ngành thể dục, thể thao cũng đã mang lại hiệu quả tích cực. Tuy vậy, trong cuộc sống thực tế, một người làm công tác thể dục, thể thao hay các huấn luyện viên, vận động viên nếu không làm thêm công việc khác sẽ không đủ thu nhập chứ chưa nói là dư giả. Nếu có chính sách tốt, thu hút được nguồn lực của xã hội sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao, tạo đà cho thể thao quần chúng, thể thao thành tích cao phát triển bền vững - Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.