Vận động viên nữ và chuyện xuất ngoại

Nữ chủ công Trần Thị Thanh Thúy vừa có những trận đấu ra mắt đầu tiên tại CLB Bóng chuyền Kuzeyboru của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy cùng các đồng đội ở CLB Bóng chuyền Kuzeyboru (Thổ Nhĩ Kỳ)

Chủ công Trần Thị Thanh Thúy cùng các đồng đội ở CLB Bóng chuyền Kuzeyboru (Thổ Nhĩ Kỳ)

Cô là VĐV bóng chuyền Việt Nam đầu tiên chơi bóng tại châu Âu và với việc Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các quốc gia mạnh về bóng chuyền, sự có mặt của Trần Thị Thanh Thúy cũng được các phương tiện truyền thông thế giới liên tục nhắc đến.

Khả năng thành công của VĐV Trần Thị Thanh Thúy vẫn còn chờ sự thể hiện của cô tại giải vô địch quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ khởi tranh vào ngày 5-10 tới.

Tuy nhiên, như những gì mà cầu thủ Huỳnh Như (bóng đá) hay VĐV Nguyễn Thị Thật (xe đạp) đã làm trước đó ở các CLB chuyên nghiệp châu Âu thì người hâm mộ có quyền hy vọng vào tay đập nữ của chúng ta.

Có một điều thú vị đó là những VĐV nữ của Việt Nam lại xuất ngoại thành công hơn các đồng nghiệp nam. Ví dụ như môn bóng đá, có đến 5 lần cầu thủ Việt sang châu Âu chơi bóng nhưng người nhiều lắm cũng chỉ gần 1 năm là quay về và không thể hiện được gì kể cả khi chỉ khoác áo các đội bóng trung bình của Pháp, Bỉ hay Bồ Đào Nha, Hà Lan.

Cho đến nay, chỉ có một VĐV nam từng “xuất ngoại” thành công, đó là trường hợp của Nguyễn Tiến Minh với những chuyến du đấu trong hệ thống Pro Series ở môn cầu lông.

Ngược lại, thể thao nữ của Việt Nam thành công ở các góc độ tập thể lẫn cá nhân khi “mang chuông đánh xứ người”. Đội tuyển bóng đá nữ dự vòng chung kết World Cup, đội nữ bóng chuyền dự vòng play-off World Cup, các nữ VĐV như Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Huỳnh Như (bóng đá), Trần Thị Thanh Thúy (bóng chuyền) hay mới đây là cơ thủ nữ Nguyễn Hoàng Yến Nhi đoạt HCĐ billiards carom 3 băng thế giới…

Đó là chưa nói đến những thành công đặc biệt của các nữ VĐV tại các sân chơi quốc tế ở các môn khó như điền kinh (Bùi Thị Nhung, Quách Thị Lan…), bơi lội (Nguyễn Thị Ánh Viên), Ultra Marathon (Thanh Vũ)…

Nói cách khác, thể thao Việt Nam có lợi thế phát triển ở các nội dung dành cho nữ, thậm chí còn là một ưu thế cho việc “xuất khẩu” VĐV. Điều này cũng có lý do. Thứ nhất là nỗ lực của VĐV nữ luôn cao hơn so với các đồng nghiệp nam do những thiệt thòi mà họ phải đối mặt khi theo đuổi sự nghiệp.

Kế đến, dù có nhiều bất lợi nhưng tại Việt Nam, thể thao dành cho nữ giới không phải chịu những ràng buộc hoặc đối xử thiếu công bằng so với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nghĩa là dù cùng có một đam mê chơi thể thao như nhau, nhưng con đường trở thành VĐV chuyên nghiệp dành cho VĐV nữ tại Việt Nam vẫn thông thoáng nhiều hơn trước. Điều này dẫn đến sự thiếu hụt tài năng nữ và là cơ hội cho VĐV Việt Nam khi sự cạnh tranh sẽ không nhiều như ở các môn thể thao dành cho nam.

Thế nên, từ thành công đã được chứng minh của những nữ VĐV tiên phong, cũng là gợi ý cho các nhà quản lý thể thao Việt Nam khi có thêm “cánh cửa” cho những cô gái chơi thể thao của chúng ta.

ĐĂNG LINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/van-dong-vien-nu-va-chuyen-xuat-ngoai-post759619.html
Zalo