Vận động học sinh dân tộc thiểu số trở lại trường học sau đợt nghỉ Tết

Đối với giáo dục miền núi vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), sau Tết Nguyên đán là thời điểm chính quyền địa phương luôn có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường để tuyên truyền, vận động học sinh trở lại trường học. Tại huyện vùng cao Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, do làm tốt công tác này nên sĩ số học sinh trở lại trường học sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cải thiện hơn rất nhiều so với các năm trước.

Do được tuyên truyền, vận động, sĩ số học sinh đến lớp sau Tết Nguyên đán ở huyện Sơn Tây đạt 97%. Ảnh: Ái Vân

Do được tuyên truyền, vận động, sĩ số học sinh đến lớp sau Tết Nguyên đán ở huyện Sơn Tây đạt 97%. Ảnh: Ái Vân

Sau khi nghỉ Tết Nguyên đán, đã có 97% học sinh của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Sơn Tinh, huyện Sơn Tây đến lớp, không khí học tập trở lại bình thường. Có được sĩ số học sinh như hiện tại, nhà trường đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng gia đình mỗi em học sinh. Mỗi thầy cô giáo đều có trách nhiệm theo dõi từng trường hợp học sinh trong lớp có nguy cơ nghỉ học dài ngày để kịp thời động viên các em và thông báo cho phụ huynh biết.

Cô Hạ Thị Quỳnh Trang, giáo viên Trường TH&THCS Sơn Tinh cho biết: "Giáo viên chủ nhiệm luôn quan tâm sâu sát tới các em học sinh. Tôi cũng lập nhóm phụ huynh học sinh trên zalo để tiện trao đổi với phụ huynh khi có việc cần thông báo của lớp. Sau Tết, chúng tôi đã kết hợp với các trưởng thôn, bản cùng đi đến từng nhà học sinh, vận động các em đến lớp".

Năm học 2024 - 2025, Trường TH&THCS Sơn Tinh có hơn 400 học sinh với 17 lớp, 99% học sinh là người DTTS, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, khi có thời gian nghỉ dài ngày, các em tranh thủ theo cha mẹ đi làm để kiếm thêm thu nhập. Khi nhà trường nắm được thông tin các trường hợp như vậy, việc vận động, tuyên truyền sẽ dễ dàng hơn. Trước khi nghỉ Tết, Ban Giám hiệu nhà trường lên kế hoạch phân công giáo viên phối hợp với các ban thôn, chi bộ các thôn để cùng tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp đúng ngày giờ theo quy định của ngành giáo dục. Ban Giám hiệu nhà trường đã trực tiếp làm việc, trao đổi với các trưởng thôn, thông tin những vấn đề cần thiết để các trưởng thôn hiểu và biết cách chia sẻ với bà con trong công tác tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp sau Tết.

Xã Xuân Vinh gồm 5 thôn, với 19 khu dân cư, gần 700 hộ, 2.400 nhân khẩu, 95% người dân là đồng bào DTTS. Với hơn 400 học sinh TH&THCS, những năm trước, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh chậm đến lớp thường xuyên xảy ra. Để khắc phục tình trạng này, trước Tết Nguyên đán năm nay, UBND xã đã lên kế hoạch chỉ đạo các thôn tìm hiểu những gia đình khó khăn, gia đình học sinh có nguy cơ nghỉ học để công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả. Ông Trần Quý, Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh cho biết: "Trước tình hình nghỉ học sau Tết diễn ra thường xuyên, UBND xã đã họp và quán triệt với nhà trường, các thôn, bản. Trước đó, UBND xã cũng đã tổ chức cuộc họp đề nghị nhà trường cung cấp thông tin những em học sinh thường xuyên nghỉ học để các cô giáo, thầy giáo chủ nhiệm đến từng nhà vận động các em đến lớp. Vì thế, năm nay, tỷ lệ học sinh đến lớp đạt trên 90%".

Ngoài việc phối hợp cùng chính quyền địa phương, trước và trong Tết Nguyên đán, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) TH&THCS Sơn Lập đã tạo điều kiện cho các em học sinh vui chơi văn hóa, văn nghệ dân gian. Đây là những hoạt động thiết thực để giữ gìn bản sắc của đồng bào dân tộc, qua đó, thúc đẩy niềm vui đam mê học tập, khám phá những nét văn hóa của dân tộc mình, giúp các em có được mỗi ngày đến trường là một ngày vui, góp phần hạn chế các em chán học, bỏ học.

Trong các tiết học, thầy cô giáo cũng đã xây dựng các hoạt động vừa học, vừa chơi nhằm khuyến khích ý tưởng sáng tạo học tập của học sinh để các em không bị chán học, bỏ học. Ảnh: Ái Vân

Trong các tiết học, thầy cô giáo cũng đã xây dựng các hoạt động vừa học, vừa chơi nhằm khuyến khích ý tưởng sáng tạo học tập của học sinh để các em không bị chán học, bỏ học. Ảnh: Ái Vân

Ông Trịnh Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH&THCS Sơn Lập cho biết: Trường có hơn 250 học sinh, 99% là học sinh người DTTS, địa bàn xã giáp ranh với tỉnh Kon Tum, đường sá đi lại khó khăn, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, việc vận động học sinh trở lại trường sau Tết Nguyên đán luôn có những khó khăn, trở ngại. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch và lịch làm việc với phụ huynh toàn trường, giúp các em có không khí vui Xuân, đón Tết ở nhà trường cũng như tham gia các hoạt động khác, để phụ huynh thấy được ngoài thời gian học tập, các em còn tham gia nhiều hoạt động để phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân. Với sự nỗ lực, trách nhiệm của thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đã ý thức được việc học của con nên chấp hành đưa con đến trường đúng quy định sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Huyện Sơn Tây có 20 cơ sở mầm non đến trung học phổ thông, quy mô trường lớp, cơ sở vật chất được mở rộng khang trang, với hơn 6.000 học sinh ở các cấp học. Sau Tết Nguyên đán, đã có 97% học sinh TH&THCS trở lại lớp, tỷ lệ này là nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục trong việc chỉ đạo các đơn vị trường học trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Để kịp thời tuyên truyền, huy động học sinh đến lớp sau Tết, UBND huyện Sơn Tây đã có văn bản chỉ đạo UBND các xã, các trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, các tổ chức chính trị trên địa bàn huyện, tăng cường các biện pháp để học sinh đến lớp đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm học 2024 - 2025, trong đó, chú trọng đến việc nắm chắc số lượng học sinh nghỉ học chưa đến lớp, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền huy động học sinh đến lớp.

Ông Đinh Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, UBND huyện đã ban hành các văn bản yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp, chỉ đạo trực tiếp đến các trường trung học cơ sở, tiểu học và mầm non rà soát sĩ số học sinh đến lớp; nắm rõ số học sinh nghỉ học và đề nghị các tổ chức chính trị tham gia vận động, tuyên truyền để sĩ số học sinh đến lớp đạt kết quả cao nhất.

Đời sống của đồng bào DTTS ở huyện Sơn Tây còn gặp nhiều khó khăn, điều đó ảnh hưởng nhiều đến việc học tập của các em học sinh. Vẫn còn những em học sinh tranh thủ ngày nghỉ phụ giúp cha mẹ, chưa thực sự quan tâm đến việc học. Bên cạnh đó, bà con vẫn còn xem nhẹ việc học của con cái, những vấn đề liên quan đến giáo dục đều giao phó cho nhà trường và thầy cô giáo. Do đó,việc tăng cường công tác tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học và chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đối với vùng DTTS là rất quan trọng. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và ngành giáo dục, trong đó, cần chú trọng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, sinh động như sân khấu hóa, các buổi giao lưu văn hóa, thể thao, các hoạt động ngoại khóa... để thu hút sự quan tâm của học sinh và phụ huynh. Đồng thời, vận động các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng tham gia vào công tác làm tuyên truyền, vận động. Có như vậy, việc quan tâm và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công tác giáo dục mới thực sự được nâng lên, tác động trực tiếp đến việc học của học sinh, khi đó, công tác tuyên truyền, huy động học sinh đến lớp sau mỗi kỳ nghỉ Tết mới hiệu quả và thuận lợi hơn.

Ái Vân

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/van-dong-hoc-sinh-dan-toc-thieu-so-tro-lai-truong-hoc-sau-dot-nghi-tet-post486997.html
Zalo