Vấn đề thuốc lá điện tử làm 'nóng' phiên chất vấn nghị trường
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan mong muốn Quốc hội trong kỳ họp này sẽ thông qua Nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác.
Chiều 11/11, các đại biểu Quốc hội chất vấn nhóm lĩnh vực y tế. Nhiều ý kiến đề nghị Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan giải trình về thực trạng và công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe con người, nhất là trong môi trường học đường.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã triển khai được hơn 10 năm qua (năm 2013). Vào thời điểm đó, chưa xuất hiện thuốc lá mới, thuốc lá nung nóng và thuốc lá điện tử. Gần đây Bộ Y tế cũng đã giải trình liên quan việc quản lý các loại thuốc lá này, cũng như điều tra tình hình sử dụng thuốc lá.
Theo đó, tỉ lệ sử dụng đang tăng nhanh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, đặc biệt là đối với giới trẻ. Bộ trưởng dẫn số liệu điều tra tại 34 tỉnh thành vào năm 2020 cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15-24 tuổi, với tỉ lệ 7,3%.
Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi cho thấy rằng, việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với trẻ em gái cũng tăng lên. Nhóm học sinh từ 13 - 17 tuổi tăng 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023; nhóm 13-15 tuổi tăng 3,5% lên 8%; nữ giới từ 11-18 tuổi tăng 4,3%…
Bộ trưởng cho biết, Bộ Y tế đã có báo cáo đánh giá tác động chi tiết để trình Chính phủ, trong đó tổng hợp những nội dung, căn cứ khoa học mà thế giới áp dụng. Báo cáo của Bộ Y tế khẳng định việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng có nhiều chất hại, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cầm trực tiếp trên tay mẫu thuốc lá điện tử, Bộ trưởng nói với các đại biểu Quốc hội rằng: “Ai có thể hình dung đây là hình ảnh một sản phẩm thuốc lá điện tử không? Những sản phẩm này được đưa ra thị trường với tính hấp dẫn, thu hút giới trẻ rất nhiều. Trong khi đã có báo cáo khoa học cho thấy ảnh hưởng của thuốc lá này đến tim, gan, phổi đặc biệt là loạn thần. Năm 2023 có 1234 người liên quan phải điều trị”.
Trong bối cánh một năm có tới 40.000 người mắc bệnh hoặc bị ảnh hưởng tới sức khỏe bởi thuốc lá bình thường, “thì với thuốc lá điện tử sẽ có nguy cơ rất cao đối với sức khỏe của người dân, đặc biệt là giới trẻ”, theo Bộ trưởng.
Tư lệnh ngành y tế chia sẻ thực tế rằng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng vẫn còn trôi nổi trên thị trường dù chưa có quy định bán, là do quảng cáo tiếp thị của các công ty bán thuốc lá và các hãng nhập lậu.
Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam đã tham gia vào công ước khung phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh giảm thiểu tác hại của thuốc lá thông thường, với những hình thức xuất hiện mới của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ngành y tế cũng đã có rất nhiều giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp với ngành giáo dục, các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông và phòng chống tác hại thuốc lá nói chung, trong đó có thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Trước đó, tại phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” (ngày 29/9), 100% các em học sinh tham gia đã đồng ý với đề xuất việc cấm sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và thuốc lá mới khác.
“Nếu Nghị quyết của Quốc hội đưa ra việc đề xuất cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì đây là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe người dân,” Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh.