Vạn dặm yêu thương
Kết nối, xây dựng tình yêu với một người ở gần đã khó. Vậy mà, có những cặp đôi đã vượt qua hàng trăm, hàng nghìn cây số để đến với nhau. Họ cùng nhau viết nên cái kết có hậu cho một mối lương duyên tốt đẹp.
Gia đình anh Hoàng Đức Linh (24 tuổi) và chị Y Khọt (27 tuổi) ở huyện Sa Thầy, Kon Tum là minh chứng cho việc khoảng cách địa lý không thể ngăn trở tình yêu. Được biết, chị Y Khọt sống ở Kon Tum, bị mắc chứng lùn bẩm sinh từ bé, dù đã gần 30 tuổi, nhưng thân hình chị chỉ cao bằng một đứa trẻ 6 - 7 tuổi. Sinh ra với khiếm khuyết về thân thể, chị Y Khọt từng rất tự ti, chị đi học một thời gian rồi nghỉ, sau đó vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tại đây, chị tìm được những người giống mình cùng đồng cảm, chia sẻ. Chị Y Khọt dần yêu đời, lạc quan hơn, ngày chị đi học văn hóa, thời gian rảnh chị học thêm nghề đan lưới.
Vài năm sau, vào năm 2019, chị tham gia một hội nhóm của những người khuyết tật trên mạng xã hội. Tại đây, chị quen anh Hoàng Đức Linh lúc đó đang sinh sống ở tỉnh Hà Giang cách nơi chị Y Khọt sống cả ngàn cây số. Anh Linh là một người bị bại liệt, từ nhỏ cuộc sống của anh đã gắn liền với chiếc xe lăn, nhưng anh vẫn luôn lạc quan trước cuộc sống. Anh gây ấn tượng cho chị Y Khọt nhờ nụ cười hiền hậu, tính cách thân thiện. Nhiều lần nói chuyện ở trên mạng, anh chị tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn và dần cảm mến nhau.
Cuối năm 2019, chị giấu gia đình, gom góp tiền bán những chiếc lưới, một mình bắt xe đến Hà Giang gặp anh Linh. Vượt hơn 1.500 cây số, chị Y Khọt vừa đi gặp người yêu, vừa lo lắng, sợ hãi mình có thể bị lừa. Tuy nhiên, chị vẫn tin tưởng vào quyết định của mình và nhất khoát không bỏ cuộc.
Không phụ lòng tin tưởng của chị Y Khọt, anh Linh chờ chị ở Hà Giang. Hai anh chị bắt đầu ngỏ lời yêu nhau. Đến năm 2020, hai gia đình đã cho anh chị đến với nhau, kết duyên vợ chồng. Sau vài tháng ở Hà Giang, theo tục lệ của người Jaraj, anh Linh về Kon Tum ở rể tại nhà vợ. Tại đây, anh chị được gia đình chị Y Khọt giúp đỡ để xây cất một căn nhà và có mảnh đất để trồng trọt. Chẳng bao lâu, anh chị cũng có một đứa con đầu lòng. Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, nhiều chuyện phải lo toan, nhưng trên khuôn mặt của chị Y Khọt và anh Hoàng Linh không bao giờ thiếu đi nụ cười hạnh phúc.
Hay đó là câu chuyện của cặp vợ chồng trẻ Nguyễn Thị Lệ Thu (29 tuổi, Hiệp Hòa, Bắc Giang) và anh Đoàn Ngọc Bảo (30 tuổi, Hà Nội). Hai anh chị đều là người khuyết tật một chân. Chị Lệ Thu mất chân do ngày còn nhỏ bị máy xúc gây thương tích, còn anh Ngọc Bảo không may bị bệnh chân voi khi bé và phải cắt chân. Cả hai người khá nổi tiếng ở trên mạng trước khi quen nhau.
Chị Lệ Thu hiện đang làm kế toán cho một công ty tại Hà Nội, trên mạng, chị luôn xuất hiện với hình ảnh tươi cười rạng rỡ, hạnh phúc và lạc quan với cuộc sống. Còn anh Ngọc Bảo để lại ấn tượng mạnh khi tham gia một game show thể thao mạo hiểm nổi tiếng trên truyền hình. Năm 2015, anh Bảo tham gia bộ môn trượt tuyết dành cho người khuyết tật trong Thế vận hội Thể thao mùa đông được tổ chức tại Hàn Quốc. Anh đã trở thành vận động viên ParaGames trượt tuyết tại Hàn Quốc, huấn luyện viên dạy patin, là người đầu tiên duy nhất tại Việt Nam có thể trượt patin bằng một chân; anh cũng là người khuyết tật duy nhất tự tin tham gia chương trình Không giới hạn SASUKE Việt Nam.
Qua mạng xã hội Facebook, chị Nguyễn Thị Lệ Thu và anh Đoàn Ngọc Bảo biết đến nhau. Chị Lệ Thu từng nghĩ, chị sẽ không kết hôn với người có cùng hoàn cảnh bởi nếu hai vợ chồng như vậy thì tương lai, con cái sẽ ra sao. Nhưng, khi gặp anh Bảo rồi, mọi hình mẫu tiêu chuẩn trong lòng đều tan biến. Thay vào đó, chị cảm nhận được đây chính là chàng trai mà mình mong muốn được ở bên. Tình yêu và sự đồng cảm, sự ủng hộ của gia đình đã giúp hai người nhanh chóng về chung một nhà.
Vượt trăm cây số “giữ lửa” tình yêu
Vượt qua trở ngại về tâm lý, khoảng cách địa lý để yêu nhau đã khó. Nhưng có những cặp vợ chồng vẫn giữ được mái ấm gia đình hạnh phúc, cho dù công việc khiến họ cách xa nhau cả trăm cây số.
Đó là câu chuyện của anh Hoàng Ngọc Hóa, chị Nông Thị Ve và anh Nguyễn Xuân Đang, chị Lê Thị Hạnh đã vinh dự được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương “Gia đình trẻ Việt Nam tiêu biểu” cách đây một năm.
Sau 6 năm quen và yêu nhau trong xa cách, thời đó, anh Hoàng Ngọc Hóa là học viên Trường Trung cấp Quân y 1 (nay là Trường Cao đẳng Quân y 1 - Học viện Quân y) còn chị Nông Thị Ve là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Kạn (nay là Trường Cao đẳng Bắc Kạn) đã kết hôn vào năm 2012. Tính đến nay, anh chị đã có 11 năm sống bên nhau, vượt qua nhiều thăng trầm.
Chị Ve chia sẻ, trong thời gian chung sống, chị cũng không thể nhớ rõ anh nhận nhiệm vụ xa nhà, xa đơn vị bao nhiêu lần và đi những nơi đâu, chỉ nhớ anh đã từng đến rất nhiều miền quê, thao trường ở những địa danh khác nhau: Cao Bằng, Bắc Giang, Lạng Sơn…
Chị nhớ khi vừa mang bầu được ba tháng, anh Hóa nhận quyết định đi công tác ngoài quần đảo Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Ngày anh lên đường, chị cố giữ bản thân mạnh mẽ để anh an tâm công tác. Thời điểm anh chị mới xa nhau, là lúc chị Ve trải qua nhiều vất vả, khó khăn. Chị Ve “vượt cạn” mà không có chồng ở bên chăm sóc như bao người mẹ trẻ khác. Thương vợ, ngày ngày lúc rảnh rỗi, anh lại ra ngoài, ngắm từng con sóng dạt về bờ, gọi điện thoại về động viên, an ủi vợ. Hơn một năm sau hoàn thành nhiệm vụ trở về gia đình, cô con gái Hoàng Gia Hân của anh chị đã được tròn 6 tháng tuổi. Anh ôm con vào lòng, anh ngượng nghịu xưng ba, cất lời cưng nựng, âu yếm nhìn con lòng ngập tràn yêu thương.
Chị cũng nhớ nhất một lần anh đi công tác ở Bắc Giang gần 3 tháng không có sóng liên lạc điện thoại, xong nhiệm vụ anh được nghỉ phép về thăm nhà. Bước vào cổng, con gái của anh chị nhìn thấy bố liền hét toáng lên với mẹ “Mẹ ơi, có người lạ vào nhà” khiến chị vừa thương con, vừa thương chồng chỉ biết ôm cả hai người vào lòng.
Hiện tại, anh Hoàng Ngọc Hóa đang công tác tại Bệnh viện Quân y 91, Cục hậu cần, Quân khu 1 (Thái Nguyên), chị Nông Thị Ve, đang sống cùng con gái tại xã Cao Tân, Pác Nặm, Bắc Kạn (cách nơi anh Hóa công tác khoảng 200km). Anh Hóa cũng rất thương vợ mình, nghĩ đến cảnh chồng làm quân y nhưng lúc vợ sinh hay khi con ốm lại không thể tự tay chăm sóc, anh không khỏi chạnh lòng. Để bù đắp cho vợ con, những ngày cuối tuần hay khi không có lịch trực, anh Hóa lại đi xe hơn 200km để về giúp vợ chăm chút ruộng vườn, cùng con cái ôn lại bài vở, dạy con gấp chăn, phụ mẹ việc nhà.
Nhờ có hậu phương vững chắc, nhiều năm liền, anh Hoàng Ngọc Hóa luôn đạt danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến, Chiến sĩ thi đua cơ sở, được tặng Giấy khen, Bằng khen của các cấp. Bản thân chị Nông Thị Ve cũng đạt những thành tích đáng khích lệ như “Giáo viên làm tổng phụ trách Đội giỏi”, “Giáo viên dạy giỏi”, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Nữ công giỏi việc trường - Đảm việc nhà”. Năm 2021, chị vinh dự được Đảng bộ huyện khen thưởng danh hiệu “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền”. Con gái anh chị năm cũng thường xuyên tham gia và đạt giải cao tại các cuộc thi kể chuyện Bác Hồ, viết chữ đẹp, vẽ tranh, Hội khỏe Phù Đổng do nhà trường tổ chức, 3 năm học đều đạt học sinh xuất sắc.
Hay câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Xuân Đang (sinh năm 1983) và chị Lê Thị Hạnh (sinh năm 1984) hiện cư trú tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Anh Đang và chị Hạnh sinh ra, lớn lên ở tỉnh Thanh Hóa, hai anh chị trúng tuyển vào trường đại học, đến những nơi khác nhau để học tập. Nhờ cơ duyên bất ngờ, hai anh chị quen nhau vào năm 2007, ba năm sau chính thức về chung một nhà.
Hai anh chị sinh sống ở Đà Nẵng, anh thường xuyên phải đi làm nhiệm vụ xa nhà, chị Hạnh một mình gồng gánh mọi việc trong gia đình. Một kỷ niệm nhớ nhất đối với chị, đó là lần đầu mang thai, chị bị sốt Rubella, không có chồng ở bên phải tự sinh con một mình. May mắn thay, con của anh chị sinh ra không bị dị tật do ảnh hưởng từ sốt Rubella. Sau khi sinh đứa con thứ hai, anh Đang thêm một lần nữa, phải tạm xa vợ, con để chuyển công tác vào Vùng 4 Hải quân (tỉnh Khánh Hòa). Sau thời gian tập huấn, trong 2 năm tiếp theo, anh lần lượt được điều động ra phụ trách công tác kỹ thuật tại đảo Song Tử Tây và đảo Sơn Ca (thuộc quần đảo Trường Sa). Từ đó đến nay, mọi việc dạy dỗ con cái, quán xuyên gia đình đều do một tay chị Hạnh gánh vác. Chị vừa là cha, vừa là mẹ, giúp chồng an tâm cống hiến cho nước nhà. Nhờ có một hậu phương vững chắc mà anh Đang luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, cùng với Ban Chỉ huy làm tốt quan hệ đoàn kết nội bộ, xây dựng cảnh quan môi trường trên đảo.