Vẫn còn tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất

Ngày 24/4, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024.

 Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 24/4. Ảnh: VPQH cung cấp.

Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 24/4. Ảnh: VPQH cung cấp.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí của Chính phủ; ban hành Quyết định số 1764/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 về Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 và nhiều chỉ thị, công điện; nhằm thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo nguồn cải cách tiền lượng, đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo tại phiên họp. VPQH cung cấp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày báo cáo tại phiên họp. VPQH cung cấp.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai, thực hiện quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội (đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra); tạo nền tảng, tạo đà, khí thế mới, tâm thế mới, tạo hi vọng, động lực mạnh mẽ để đất nước ta bước vào năm 2025 với niềm tin hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh nêu rõ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực.

 Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. VPQH cung cấp.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. VPQH cung cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lãng phí như: Tình trạng xin rút, xin lùi khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn diễn ra, một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, chậm đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chậm gửi cho các cơ quan thẩm tra; Công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2024 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2025 và nhiều năm gần đây chưa thực sự sát thực tiễn; Còn tồn tại tình trạng một số Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất: Đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… còn diễn ra ở nhiều nơi. Tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, không rõ trách nhiệm; việc sắp xếp, kiện toàn tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, giảm cấp trung gian còn một số bất cập, đang được xem xét, giải quyết rất quyết liệt.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, thực hiện tốt chính sách tài khóa, kiểm soát chặt chẽ bội chi; có giải pháp hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và đầu tư công; quyết liệt tổ chức triển khai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung làm việc. VPQH cung cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung làm việc. VPQH cung cấp.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các tồn tại, bất cập, hạn chế các năm trước dần được khắc phục; Ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nâng lên một bước.

Tuy nhiên, qua Báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra và ý kiến của Thường vụ cho thấy, vẫn còn những bất cập, hạn chế. Ủy ban Thường vụ đề nghị Chính phủ làm rõ hơn các nguyên nhân gắn với các nội dung của Nghị quyết giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội trong năm 2023. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 Chính phủ đã nêu trong báo cáo và Ủy ban Kinh tế và Tài chính đã nhấn mạnh thêm trong báo cáo thẩm tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tiến hành thẩm tra chính thức để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/van-con-tinh-trang-lang-phi-vi-pham-trong-quan-ly-su-dung-tai-nguyen-dat-176633.html
Zalo