Vẫn còn nhiều thất bại trong nỗ lực cải thiện sức khỏe toàn cầu

HNN.VN - Tổ chức Y tế Thế giới vừa công bố Báo cáo Thống kê Y tế Thế giới 2025, trong đó đưa ra cái nhìn nghiêm túc về những tác động sâu sắc và liên tục của đại dịch COVID-19 đối với sức khỏe toàn cầu.

 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi hành động khẩn cấp để cải thiện y tế toàn cầu. Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính Việt Nam

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi hành động khẩn cấp để cải thiện y tế toàn cầu. Ảnh minh họa: Thời báo Tài chính Việt Nam

Báo cáo chỉ rõ sự suy thoái đáng báo động về tuổi thọ, cũng như nhấn mạnh sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng về sức khỏe và phát cảnh báo rằng trừ khi triển khai hành động phối hợp ngay lập tức, bằng không, thế giới đang đi chệch hướng một cách nguy hiểm trong tiến trình đạt được các mục tiêu sức khỏe quan trọng.

Tuổi thọ suy giảm đáng báo động

Ghi nhận sự đảo ngược chưa từng có của xu hướng sức khỏe toàn cầu, tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới đã giảm 1,8 năm trong giai đoạn từ 2019 - 2021. Sự sụt giảm này đã xóa sạch 1 thập kỷ tăng trưởng tuổi thọ của thế giới. Về hậu quả, sự mất mát không chỉ giới hạn ở tuổi thọ mà còn ở cả tuổi thọ trung bình khỏe mạnh (HALE). Điều này phần lớn là do các vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm, trầm trọng hơn do sự cô lập, sợ hãi và hậu quả kinh tế của đại dịch.

Vẫn chưa đạt được các mục tiêu sức khỏe toàn cầu và tác động của đại dịch

Báo cáo của WHO theo dõi tiến trình thực hiện mục tiêu Triple Billion nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc tốt hơn trên toàn cầu. Trong khi có thêm 1,4 tỷ người được báo cáo là sẽ sống khỏe mạnh hơn vào cuối năm 2024, vượt qua một trong những cột mốc quan trọng, thì đây là điểm sáng duy nhất trong một triển vọng đáng lo ngại.

Sự cải thiện này phần lớn là nhờ giảm sử dụng thuốc lá, không khí trong lành hơn, mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ nước, vệ sinh và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, hai lĩnh vực quan trọng, gồm dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu và bảo vệ con người khỏi các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe đã tụt hậu đáng kể. Cụ thể, chỉ 431 triệu người được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu mà không phải chịu gánh nặng tài chính; chỉ 637 triệu người được bảo vệ tốt hơn trước các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe. Những con số này nhìn chung vẫn còn kém xa mục tiêu của WHO, qua đó làm nổi bật những điểm yếu mang tính hệ thống trong cơ sở hạ tầng y tế toàn cầu.

Sự gia tăng đáng báo động của các bệnh mãn tính và tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động

Báo cáo của WHO nhấn mạnh đến gánh nặng ngày càng tăng của các bệnh không lây nhiễm (NCD), bao gồm bệnh tim, đột quỵ, ung thư và tiểu đường. Những bệnh này hiện là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong sớm ở những người dưới 70 tuổi. Trong đó, thế giới đang đi chệch hướng trong mục tiêu năm 2030 là giảm 1/3 số ca tử vong do các bệnh NCD gây ra.

Về một số ghi nhận khác, tổ chức WHO cho biết, mức độ tiêu thụ rượu trên toàn cầu đã giảm từ 5,7 lít/người vào vào năm 2010 xuống còn 5 lít/người vào năm 2022. Cùng với đó, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm đều đặn. Ô nhiễm không khí vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có thể phòng ngừa được. Sức khỏe tâm thần vẫn là mối quan tâm lớn trên toàn cầu, đồng thời các bệnh liên quan đến căng thẳng cũng làm giảm chất lượng cuộc sống và kìm hãm tiến bộ kinh tế - xã hội.

Một trong những thách thức cấp bách nhất về mặt hệ thống là dự kiến thế giới sẽ thiếu hụt 11,1 triệu nhân viên y tế vào năm 2030. Khoảng 70% sự thiếu hụt sẽ nằm ở khu vực châu Phi và Đông Địa Trung Hải, nơi nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang ở mức cấp bách nhất.

Bệnh truyền nhiễm: Tiến triển hỗn hợp

Trong khi gánh nặng toàn cầu về HIV và bệnh lao tiếp tục giảm, tiến triển giữa các chỉ số về bệnh truyền nhiễm lại không đồng đều: Bệnh sốt rét có dấu hiệu tái phát đáng lo ngại kể từ năm 2015. Kháng thuốc kháng sinh (AMR) vẫn là mối đe dọa lớn khiến các bệnh nhiễm trùng từng có thể điều trị được trở thành bệnh có khả năng gây tử vong. Tỷ lệ tiêm chủng, đặc biệt là các loại vaccine quan trọng như DTP3 (bạch hầu-ho gà-uốn ván) vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch…

WHO cũng lưu ý rằng sự gián đoạn gần đây trong viện trợ quốc tế gây ra rủi ro nghiêm trọng cho việc duy trì và phát triển các thành quả y tế trong quá khứ.

Để ứng phó với tình hình này, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO, đã đưa ra lời kêu gọi đầy cảm xúc:

“Đằng sau mỗi dữ liệu là một con người, một đứa trẻ chưa tròn 5 tuổi, một bà mẹ mất khi sinh con, một cuộc đời bị cắt ngắn bởi một căn bệnh có thể phòng ngừa được. Đây là những thảm kịch có thể tránh được… Mọi chính phủ đều có trách nhiệm hành động với sự cấp bách, cam kết và trách nhiệm giải trình với người dân mà họ phục vụ.”

Nhìn chung, Báo cáo Thống kê Y tế Thế giới 2025 là lời nhắc nhở nghiêm khắc về cả sự mong manh và khả năng phục hồi của các hệ thống y tế toàn cầu. Mặc dù một số thành quả đã được bảo tồn, nhưng vẫn còn quá nhiều sinh mạng bị mất đi vì những nguyên nhân có thể phòng ngừa được và tiến trình vẫn không đồng đều và chậm lại. Thông điệp của WHO rất rõ ràng: Thế giới phải hành động ngay để đảo ngược những thất bại, củng cố các hệ thống y tế và xây dựng một tương lai y tế toàn cầu công bằng và kiên cường hơn.

Đan Lê (Lược dịch từ Devdiscourse)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/the-gioi/van-con-nhieu-that-bai-trong-no-luc-cai-thien-suc-khoe-toan-cau-153725.html
Zalo