Vẫn còn bất đồng trong quan điểm về thuế giữa Nhật Bản và Mỹ
Sau nhiều lần đàm phán về thuế với phía Mỹ nhưng không đạt kết quả nhưng mong muốn, Nhật Bản đã bắt đầu thừa nhận khó khăn của tiến trình này, mặc dù vẫn kiên trì tiếp tục đàm phán.
Trong vòng 5 tuần trở lại đây, Nhật Bản đã 4 lần tiến hành đàm phán với phía Mỹ, kể cả ở cấp cao nhất, để yêu cầu Mỹ điều chỉnh lại chính sách thuế. Trong đó, lần đàm phán trực tiếp đầu tiên ở cấp bộ trưởng diễn ra vào ngày 11/3, tại Washington, giữa Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản Muto Yoji với người đồng cấp phía Mỹ Howard Lutnick, cùng người đứng đầu Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer. Tiếp đó, vào hôm 3/4, ngay trước khi Tổng thống Donald Trump công bố danh sách thuế đối ứng cụ thể dành cho từng đối tác thương mại quốc tế, Bộ trưởng Muto đã có cuộc hội đàm thứ 2 với Bộ trưởng thương mại Mỹ Lutnick qua điện thoại.

Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh bất đồng trong quan điểm về thuế giữa Nhật Bản và Mỹ (ảnh Phủ Thủ tướng Nhật Bản)
Sau đó, vào đêm 7/4, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại đây, hai nhà lãnh đạo thống nhất “sẽ tiếp tục đàm phán ở cấp bộ trưởng”. Theo thỏa thuận này, Nhật Bản cử Bộ trưởng phụ trách phục hồi và phát triển kinh tế Akazawa Ryosei sang Mỹ, với tư cách đặc phái viên đàm phán của Thủ tướng, để thảo luận trực tiếp với đại diện đàm phán thuế của phía Mỹ - Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent vào hôm 17/4. Mặc dù, tại hội đàm có mặt cả Tổng thống Trump và ông Trump khẳng định “Nhật Bản là đối tượng ưu tiên đàm phán”, nhưng kết quả đạt được vẫn chỉ là “thỏa thuận tiếp tục đàm phán để đi đến thống nhất trong thời gian sớm nhất có thể”.
Bản thân Thủ tướng Ishiba đã phải thừa nhận thực tế khó khăn này. Trong phiên họp Hạ viện Nhật Bản hôm nay 18/4, sau khi nghe báo cáo từ Bộ trưởng Akazawa, ông Ishiba nói: “Hiện nay, vẫn còn sự bất đồng trong quan điểm về thuế giữa Nhật Bản và Mỹ. Chính phủ sẽ tập trung toàn lực để giải quyết vấn đề này. Sau khi phân tích kỹ những ảnh hưởng, Chính phủ sẽ đưa ra biện pháp cần thiết, bao gồm cả các bước hỗ trợ về kinh phí, chứ chưa tính đến đối sách kinh tế mới”.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định, có khả năng rất cao Thủ tướng Ishiba sẽ lại đến Mỹ để hội đàm trực tiếp với Tổng thống Donald Trump về vấn đề này, và Nhật Bản đang có trong tay 3 “lá bài” đàm phán bao gồm những khoản đầu tư khổng lồ vào Mỹ, đóng góp cho nền kinh tế Mỹ thông qua tạo việc làm cho công dân Mỹ, vị thế đồng minh an ninh với Mỹ tại châu Á, trong đó có vấn đề liên quan đến chi phí cho Lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản.