Vẫn còn 41,8% số công trình cấp nước sạch nông thôn hoạt động kém bền vững

Cả nước hiện có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn, trong số này vẫn còn 41,8% số công trình hoạt động kém bền vững.

Con số được đưa ta tại Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 15/11, tại Hà Nội.

Đồng bằng sông Hồng điểm sáng của sử dụng nước sạch nông thôn

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lương Văn Anh – Phó cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, tính đến cuối năm 2023, trên toàn quốc có 74,2% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước đạt quy chuẩn, trong đó có 55,1% số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung và 19,1% số hộ sử dụng nước từ cấp nước hộ gia đình.

Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn

Hội nghị toàn quốc công tác nước sạch nông thôn

Trong 07 vùng, vùng Đồng bằng sông Hồng có số hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn cao nhất (91,9%) so với các vùng khác trên phạm vi toàn quốc; vùng Tây Nguyên có số hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất (39,5%).

Vùng miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên có tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp nhất trên toàn quốc và đây cũng là những vùng có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung thấp nhất so với các vùng khác và so với tỷ lệ trung bình toàn quốc.

Mặc dù có 74,2% hộ gia đình nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, nhưng tại một số tỉnh vẫn còn tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung rất thấp trên cả nước như: Hà Giang (7,7%), Gia Lai (7,7%), Yên Bái (11,4%), Cao Bằng (12,6%), Lâm Đồng 12,8%, Điện Biên (13,5%).

Cấp nước nông thôn cũng đã góp phần vào kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới, cả nước có 6.289/8.162 xã (đạt 77,1%) đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 2.146 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 465 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 6.512/8.162 xã (79,7%) đạt tiêu chí về Môi trường và An toàn thực phẩm; trong đó có chỉ tiêu về nước sạch nông thôn.

Cả nước có 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, cấp nước sạch đạt quy chuẩn cho 9.374.264 hộ gia đình nông thôn; trong đó có 32,0% công trình hoạt động bền vững; 26,3% công trình hoạt động tương đối bền vững; 27,0% công trình hoạt động kém bền vững và 14,8% công trình không hoạt động.

Số công trình hoạt động kém bền vững và không hoạt động (41,8%), ảnh hưởng đến khoảng 200.000 hộ (chiếm 1,2% dân số nông thôn), chủ yếu là công trình cấp nước tập trung nông thôn có quy mô rất nhỏ (có công suất 3/ngđ), do UBND xã và cộng đồng quản lý vận hành.

Trong 2.680 công trình cấp nước không hoạt động (14,8%), trên thực tế nhiều công trình chỉ còn danh mục trên sổ sách, dữ liệu kết cấu hạ tầng cấp nước sạch nông thôn. Hiện nay, theo chỉ đạo, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đang tích cực phối hợp với Sở Tài chính thực hiện thủ tục thanh lý, hủy tài sản để đưa ra khỏi danh mục, cụ thể: tỉnh Cà Mau đang tiến hành thực hiện thủ tục hủy và thanh lý 128 công trình; tỉnh Đắk Nông đề nghị thanh lý 133 công trình, tỉnh Bắc Giang đề nghị thanh lý 31 công trình...

Do đặc thù phân bố dân cư, điều kiện địa hình, điều kiện nguồn nước, quy mô công trình cấp nước nông thôn dao động lớn từ dưới 50m3/ngày đêm đến hơn 1.000m3/ngày đêm. Nhóm công trình quy mô rất nhỏ và nhỏ đa phần là các công trình cấp nước tự chảy, tập trung ở khu vực miền núi. Các công trình quy mô lớn tập trung ở khu vực đồng bằng, dân cư tập trung, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.

Phân theo thời gian đưa công trình vào hoạt động thì tỷ lệ công trình trên 22 năm (trước năm 2000) chiếm 4,1%; từ 17÷22 năm chiếm 17,2%; từ 12÷16 năm chiếm 27,5%; dưới 11 năm chiếm 19,4%; công trình không xác định thời gian chiếm 31,8%. Các công trình có thời gian sử dụng trên 22 năm chủ yếu quy mô công suất rất nhỏ và nhỏ.

Do đặc thù của cấp nước nông thôn, có nhiều mô hình quản lý công trình cấp nước tập trung khác nhau. Trong số 18.109 công trình cấp nước tập trung nông thôn, thì đơn vị sự nghiệp quản lý khai thác 1.788 công trình (chiếm 9,9%); doanh nghiệp và tư nhân quản lý khai thác 2.900 công tình (chiếm 16,0%); UBND xã quản lý khai thác 31,5% công trình; cộng đồng quản lý 41,1% công trình và hợp tác xã quản lý 1,6% công trình. Đặc biệt mô hình đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp quản lý khai thác là các công trình có qui mô công suất lớn, tình trạng hoạt động bền vững.

Hệ thống chính sách chưa hoàn thiện

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Hiệp – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – thông tin, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, công tác cấp nước sạch nông thôn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, hệ thống chính sách về cấp nước chưa được hoàn chỉnh, chưa có Luật về cấp nước, các quy định hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, thống nhất, tính hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn chưa cao.

Thứ hai, nhu cầu nguồn lực đầu tư cho nước sạch nông thôn để đáp ứng mục tiêu đến năm 2030 - 80% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch là rất lớn trong khi nguồn lực đầu tư cho cấp nước nông thôn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước lại hạn chế, nguồn lực xã hội chỉ huy động được ở khu vực đồng bằng, tập trung đông dân cư, thiếu giải pháp thỏa đáng để thúc đẩy nguồn lực này cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, mô hình tổ chức quản lý khai thác công trình nước sạch tập trung khu vực nông thôn đa dạng, chưa có quy định cụ thể, thống nhất về mô hình và năng lực đơn vị quản lý khai thác, giá nước thấp, thu không đủ bù chi, thiếu kinh phí hỗ trợ theo quy định... dẫn tới tỷ lệ công trình hoạt động kém hiệu quả, ngừng hoạt động còn cao, chất lượng dịch vụ thấp.

Thứ tư, nguồn nước ngọt đang ngày càng suy thoái cả về số lượng và chất lượng, biến đổi khí hậu làm gia tăng các hình thái thời tiết cực đoan, thiên tai, bão, ngập lụt, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn,… ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, làm cho nguồn nước cấp cho sinh hoạt không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu, nhiều công trình cấp nước phải hoạt động cầm chừng hoặc không hoạt động do thiếu hụt nguồn nước ngọt ảnh hưởng trực tiếp đến việc đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, bền vững cho người dân nông thôn.

Nước đóng một vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, giúp duy trì tính toàn vẹn của môi trường tự nhiên, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của quốc gia. Bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận, sử dụng nước sạch, an toàn là mục tiêu mà Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và mọi người dân nông thôn đều hướng tới.

Do đó, Hội nghị là cơ hội để các đại biểu, các chuyên gia, các nhà quản lý cùng nhìn lại những mặt được, các vấn đề tồn và đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể, đồng bộ để công tác nước sạch nông thôn phát triển bền vững, đảm bảo mọi người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, an toàn với chi phí hợp lý để không ai bị bỏ lại phía sau.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/van-con-418-so-cong-trinh-cap-nuoc-sach-nong-thon-hoat-dong-kem-ben-vung-358949.html
Zalo