Vẫn có người sập bẫy chiêu tuyển dụng 'việc nhẹ, lương cao'

Kẻ lừa đảo thường mạo danh doanh nghiệp để tạo những tài khoản, hồ sơ mạng xã hội giả mạo và đưa các tin, bài quảng cáo tuyển nhân sự 'việc nhẹ, lương cao'.

Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã thống kê các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến phổ biến trên không gian mạng Việt Nam trong tuần qua.

Trong đó, vẫn xuất hiện các chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên online khiến nhiều người dân sập bẫy lừa đảo, đặc biệt là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, không có việc làm ổn định và muốn kiếm thêm thu nhập từ việc bán hàng online.

Cụ thể, kẻ lừa đảo thường mạo danh doanh nghiệp để tạo những tài khoản, hồ sơ mạng xã hội giả mạo và đưa các tin, bài quảng cáo tuyển nhân sự “việc nhẹ, lương cao”.

Khi có người liên hệ tìm việc, chúng yêu cầu ứng viên phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”.

Vẫn có người 'sập bẫy' chiêu thức tuyển dụng 'việc nhẹ, lương cao' - Ảnh: NCSC

Vẫn có người 'sập bẫy' chiêu thức tuyển dụng 'việc nhẹ, lương cao' - Ảnh: NCSC

Nạn nhân sẽ nhận được thanh toán tiền kèm “hoa hồng" ở những đơn hàng đầu có giá trị nhỏ. Tuy nhiên, khi số tiền đặt các đơn hàng của nạn nhân lớn, kẻ lừa đảo sẽ giở đủ chiêu trò để chiếm đoạt.

Với thủ đoạn này, gần đây một phụ nữ ở Hà Nội đã bị lừa gần 200 triệu đồng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước những lời mời tuyển cộng tác viên nhằm thu lợi nhuận cao. Trước khi quyết định làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, hoặc đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin về đơn vị cung cấp.

Cục An toàn thông tin cũng đề nghị người dân không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc mật khẩu trên các website không rõ nguồn gốc.

Mạo danh nhà xe để lừa đảo chiếm đoạt tiền mua vé

Mới đây, Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa phát hiện nhóm lừa đảo trên không gian mạng bằng hình thức đặt vé xe khách tuyến Bắc - Nam.

Theo đó, chúng sử dụng hình ảnh các nhà xe uy tín, xây dựng các trang web giả mạo và lừa khách hàng chuyển khoản đặt cọc tiền vé; dùng các số điện thoại, tài khoản ngân hàng giả mạo để liên lạc và giao dịch.

Sau khi nhận được tiền cọc, chúng chặn mọi phương thức liên lạc. Với hình thức này, từ đầu năm 2024 đến nay các kẻ lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người dân.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân khi có nhu cầu mua vé xe khách, vé tàu hay vé máy bay, cần tìm hiểu kỹ về đại lý bán vé. Trước khi chuyển tiền đặt cọc để mua vé máy bay, vé tàu xe, người dân cần xác minh cụ thể số tài khoản nhận tiền có phải đúng của các đại lý hay không.

Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Nhật Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/van-co-nguoi-sap-bay-chieu-tuyen-dung-viec-nhe-luong-cao-227431.html
Zalo