Vẫn chưa xác định ai đang khai thác 359 ha cao su vô chủ
Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai kiểm tra nhưng vẫn chưa xác định đơn vị nào đã trồng, đang khai thác 359 ha cao su vô chủ.
Ngày 9-7, một nguồn tin xác nhận Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai vừa báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh vụ “Lạ lùng 359 ha cao su vô chủ, không đơn vị nào dám nhận” mà báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh.
Việc kiểm tra, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai được thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh Gia Lai sau khi báo Pháp Luật TP.HCM điện tử phản ánh ngày 22-6 và 26-6.
Thực hiện chỉ đạo trên, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai phối hợp UBND huyện Chư Prông, các đơn vị liên quan kiểm tra thực địa, xác minh các thông tin mà báo phản ánh.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, năm 2019, Thanh tra tỉnh kết luận tổng diện tích đất rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch ở huyện Chư Prông bị lấn chiếm từ năm 2008 đến 2019 hơn 1.228 ha. Trong đó, có 868 ha đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy, 359 ha đất rừng bị một số doanh nghiệp chiếm để trồng cao su.
Đối với diện tích 1.228 ha đất rừng bị mất, lấn chiếm, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến Công an tỉnh Gia Lai để giải quyết theo thẩm quyền.
Đến năm 2021, TAND tỉnh Gia Lai tuyên phạt hai cựu trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch là Nguyễn Thị Hương, Phan Quốc Huy mỗi người ba năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đối với diện tích 543 ha đất rừng bị Công ty Bình Dương thuộc Binh đoàn 15 lấn chiếm để trồng cao su đã được Tòa án Quân khu 5 xét xử hai cán bộ.
Về diện tích 359 ha rừng bị lấn chiếm trồng cao su, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch báo cáo vẫn đang phối hợp Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cung cấp thông tin, xác minh đối tượng vi phạm; đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể.
Về kết quả kiểm tra thực tế, Sở NN&PTNT Gia Lai cho rằng vì diện tích kiểm tra lớn, manh mún, phân bố rải rác trên tám tiểu khu, trong khi thời gian cho phép kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh ngắn nên đoàn kiểm tra thống nhất chỉ kiểm tra ngẫu nhiên ba vị trí đại diện trong tổng diện tích 359 ha đất rừng bị chiếm để trồng cây cao su.
Phương pháp kiểm tra là quan sát bằng mắt thường, đo đạc trực tiếp trên cơ sở sử dụng thiết bị GPS cầm tay. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra xác định một trí trồng cây cao su với ghi nhận là vườn cây có chiều cao trung bình khoảng 8 m, đường kính thân 22 cm; có dấu vết của việc khai thác mủ cao su, trên cây có vết cạo và được trang bị các vật dụng phục vụ khai thác mủ.
Hai vị trí còn lại không trồng cây cao su, được xác định Công ty Cao su Trung Nguyên đã trồng cỏ.
Cũng theo Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã và đang tiến hành điều tra, xác minh đối với 1.228 ha đất rừng bị lấn chiếm; trong đó 868 ha đất rừng bị lấn chiếm làm nương rẫy, 359 ha đất rừng bị lấn chiếm để trồng cây cao su.
Như vậy, kết quả kiểm tra, xác minh, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai vẫn chưa xác định những đơn vị, doanh nghiệp nào trước đây đã phá rừng, trồng trái phép 359 ha cao su trên đất rừng; cũng như chưa làm rõ đơn vị nào đang khai thác diện tích cao su trên, sản phẩm khai thác đi về đâu mà báo chí đặt ra.
Như PLO đã phản ánh, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đang quản lý 359 ha cao su trong lâm phần của mình nhưng không xác định đơn vị nào đã trồng không phép diện tích cao su này trên đất rừng; cũng không hề biết hiện nay ai đang khai thác, nguồn mủ cao su khai thác đi về đâu. Chính quyền địa phương cũng không rõ diện tích cao su này của đơn vị nào trong khi hàng ngày vẫn được khai thác bình thường.
Hiện trên địa bàn xã Ia Puch có hơn 9.000 ha cao su của năm công ty, gồm Cao su Trung Nguyên, Bình Dương, Quang Đức, Quốc Cường Gia Lai, Cao su Chư Prông.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã phục hồi điều tra vụ việc hủy hoại 359 ha rừng để trồng cao su xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.