Vai trò dẫn dắt của người có uy tín ở miền biên viễn
Ở vùng biên cương, nơi phên giậu của Tổ quốc, những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn là lực lượng không thể thiếu trong các phong trào phát triển kinh tế, xóa bỏ hủ tục, bảo vệ bình yên bản làng và đường biên, mốc giới. Họ chẳng quản ngại gian khó, gương mẫu, trách nhiệm với vai trò dẫn dắt cùng Bộ đội Biên phòng chung tay dựng xây cuộc sống mới cho cộng đồng các dân tộc miền biên viễn.

Bộ đội Biên phòng và người có uy tín tới tận nhà người dân để tuyên truyền. (Ảnh: TRANG NHUNG)
“Tôi không sợ vì tôi đã có Đảng, Nhà nước bảo vệ”...
Mường Lát - huyện vùng cao biên giới giáp Lào, cũng là huyện xa xôi, nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa, với khoảng 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, người H’Mông chiếm hơn 43%. Điều kiện sinh sống của bà con nơi đây vốn đã rất khó khăn, lại thêm những hủ tục tồn tại dai dẳng khiến cái nghèo càng thêm chất chồng.
Những đám tang kéo dài cả tuần, người chết không được đưa vào quan tài gây ô nhiễm môi trường, nhiều gia đình nghèo trở nên kiệt quệ, nợ nần vì phải mua trâu, bò làm thịt phục vụ tang lễ.
Hủ tục này những tưởng chỉ diễn ra một ở vài bản vùng cao và đã phải lùi vào quá khứ, thế mà đến tận năm 2013, nó vẫn tồn tại trong cuộc sống của bà con người H’Mông ở Mường Lát.
“Tôi luôn trăn trở và đặt câu hỏi: Tại sao các dân tộc khác khi có người qua đời sẽ được đưa vào quan tài. Còn với dân tộc H’Mông thì cứ để trần như vậy 5-7 ngày! Có đám tang của người H’Mông, các dân tộc khác không dám đi qua. Đến tôi là người H’Mông cũng thấy sợ hủ tục này”, ông Lâu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Mường Lát, nay là người uy tín ở bản Pù Toong (xã Pù Nhi, huyện Mường Lát) nhớ lại nỗi niềm bao năm của mình.
Khi ấy là một thầy giáo vừa chuyển sang giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát, ông Lầu Minh Pó đã quyết tâm tiên phong mở đầu cho cuộc “cách mạng” loại bỏ hủ tục tang ma này.
“Tháng 3/2013, gia đình có ông chú mất. Tôi thấy đây chính là thời cơ, nên quyết định dù thế nào cũng phải đưa bằng được cụ vào quan tài. Lúc ấy những người già trong dòng họ phản đối gay gắt lắm, kể cả bố tôi. Để mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, tôi phải cử cả cán bộ huyện về, người nào không nhất trí không cho đến đám tang. Xong việc, có người bảo: 3 tháng nữa ông cụ sẽ về đưa anh Pó đi thôi, vì đưa cụ vào quan tài đóng kín, người ta làm thịt lợn, thịt gà cúng, cụ không nhận được. Tôi nói, tôi không sợ vì tôi có Đảng, Nhà nước bảo vệ rồi”, ông Lâu Minh Pó kể lại câu chuyện lần đầu tiên phá vỡ hủ tục tang ma này.
Để thay đổi một hủ tục đã ăn sâu trong tiềm thức từ bao đời, là cả một hành trình dài và đầy gian khó. Và niềm vui đã đến với ông Pó, khi tháng 6/2013, lần đầu tiên tỉnh Thanh Hóa ban hành “Đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào H’Mông”. Đây chính là cơ sở pháp lý để ông Pó cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc, kiên trì thực hiện sứ mệnh của mình.
“Tôi mừng lắm, ngay lập tức thành lập Ban vận động và tôi làm Trưởng ban. Xã Pù Nhi trở thành nơi thí điểm đầu tiên. Cứ mỗi tổ gồm 3 cán bộ huyện, 3 cán bộ xã đến từng thôn, bản tuyên truyền. Rồi tôi tổ chức họp, mời hết già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chủ các hộ gia đình tới để tuyên truyền. Dần dà mọi người cũng làm theo. Và sau 1 năm, cuộc vận động được mở rộng trên địa bàn toàn huyện. Bây giờ, đám tang chỉ diễn ra từ 2-3 ngày”, ông Pó chia sẻ.

Ông Lâu Minh Pó (ngoài cùng bên trái) cùng Bộ đội Biên phòng vận động người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống mới. (Ảnh Trang Nhung)
12 năm trôi qua, hủ tục tang ma đã được đẩy lùi, nhưng ông Pó vẫn chưa từng dừng lại công việc tuyên truyền vận động bà con xây dựng nếp sống mới. Kể cả khi về hưu, nhưng với vai trò người có uy tín ở bản Pù Toong, ông vẫn đến từng nhà, vận động bà con bài trừ những tập quán lạc hậu, kéo lùi sự phát triển của người H’Mông, như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, việc lãng phí trong tổ chức tang ma, cưới hỏi…
Pù Toong là bản giáp biên, nên ông Pó cũng thường xuyên phối hợp với Bộ đội Biên phòng tuyên truyền về các chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn biên giới.
Sự gương mẫu, trách nhiệm và vai trò dẫn dắt của ông Lâu Minh Pó cùng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương dần đưa bản Pù Toong đổi thay theo chiều hướng tích cực, trở thành một trong những bản nông thôn mới đầu tiên của huyện Mường Lát, góp phần xây dựng mảnh đất biên cương thêm vững mạnh.
Bảo vệ cột mốc bằng tình yêu quê hương
Không mang quân hàm xanh, cũng chẳng mặc áo lính, nhưng những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm qua vẫn luôn là lực lượng quan trọng, đồng hành cùng Bộ đội Biên phòng trên các cung đường bảo vệ biên giới. Nhiều người được ví như “cột mốc sống” nơi vùng phên giậu của Tổ quốc.
Đồn Biên phòng Xín Cái (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) hiện quản lý gần 24km đường biên giới thuộc 2 xã Xín Cái và Thượng Phùng, nơi địa bàn rừng núi vô cùng khó khăn hiểm trở. Từ ngày triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” đã tạo nên sự đồng lòng, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc.
“Công cuộc bảo vệ chủ quyền biên giới có sự đóng góp rất lớn lao của bà con các dân tộc. Mỗi người dân nơi đây đều như một cột mốc. Đường biên giới thì dài, lực lượng Biên phòng lại mỏng, nên bà con chính là tai mắt, là cánh tay nối dài, vừa báo cáo các vụ việc xảy ra trên địa bàn, vừa trực tiếp cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới”, Đại tá Đào Hồng Hà, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang khẳng định.
Hiện nay, trên địa bàn Đồn Biên phòng Xín Cái quản lý, có 8 Tổ tự quản và 57 hộ gia đình tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới. Những cột mốc dù nằm ở vị trí xa xôi nhất cũng đều được người dân tự nguyện đăng ký bảo vệ.
Kể từ ngày tham gia Tổ tự quản đường biên, cột mốc (năm 1999) đến nay, ông Lò Sìn Phủ vẫn giữ nguyên tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết của người đi đầu trong công tác bảo vệ biên giới.
Ông Lò Sìn Phủ cho biết: “Mỗi tháng, chúng tôi đều tổ chức đi phát quang đường biên, cột mốc do mình phụ trách khoảng 2-3 lần. Các thành viên trong Tổ tự quản cũng thường xuyên tham gia tuần tra biên giới cùng Bộ đội Biên phòng. Ngoài ra, nếu thấy người lạ xuất hiện hay có vấn đề gì bất thường sẽ báo ngay cho cán bộ Biên phòng. Đây là trách nhiệm của mỗi người”.

Một buổi phát quang đường biên, cột mốc của Tổ tự quản thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái. (Ảnh Trang Nhung)
Trước đây, tuyến biên giới do Đồn Xín Cái quản lý được coi là điểm nóng về an ninh trật tự, với nhiều loại tội phạm như: Mua bán phụ nữ, trẻ em; buôn lậu; vượt biên trái phép; mua bán, sử dụng tàng trữ trái phép chất ma túy…
Vậy nên, là người uy tín có tiếng nói trong cộng đồng, ông Lò Sìn Phủ luôn phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong các buổi vận động, tuyên truyền. “Tôi vẫn thường nói với lớp thanh niên trong bản, mảnh đất biên cương này là quê hương. Từ thời cha ông đã sống ở đây, nên biên giới có bình yên thì cuộc sống người dân mới tốt lên được”, ông Lò Sìn Phủ chia sẻ.
Lan tỏa được tình yêu, trách nhiệm đến thế hệ trẻ, nên mỗi năm Tổ tự quản đường biên, cột mốc do ông Lò Sìn Phủ phụ trách đều có thêm thành viên mới tham gia.
Với vai trò dẫn dắt cộng đồng, các già làng, trưởng bản, người có uy tín đã trở thành lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước. Họ cũng chính là nhịp cầu gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân, góp phần nâng cao sức mạnh đoàn kết, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, từ đó giữ gìn bình yên nơi biên cương Tổ quốc.