Vai trò của người có uy tín trong đồng bào Khmer
Trà Vinh là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31%. Thời gian qua Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm, thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nên đời sống của đồng bào dân tộc Khmer được nâng cao, trong đó, công tác vận động, tranh thủ vai trò người có uy tín được lực lượng công an các cấp thực hiện có hiêu quả, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.
Thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng vấn đề dân tộc để thực hiện mưu đồ chính trị, kích động tư tưởng ly khai tự trị, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; các tổ chức, cá nhân bên ngoài tăng cường tán phát tài liệu, vật phẩm nhằm tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, vu cáo địa phương vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp dân tộc, tôn giáo, đòi quyền dân tộc bản địa. Trước tình hình trên, nhằm bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh, Công an tỉnh Trà Vinh đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, qua đó đã chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, không để số đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc để hoạt động gây mất ANTT.
Lực lượng công an các cấp và các ngành chức năng đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác trong đó tập trung tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và là cơ sở để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trực tiếp gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của phật tử, những khó khăn, vướng mắc để kịp thời giải quyết, tháo gỡ.
Thông qua người có uy tín đã hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, giáo dục người dân không nghe theo những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các đối tượng cực đoan; tích cực tham gia các câu lạc bộ, mô hình ở địa phương trong phòng, chống tội phạm; giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tái hòa nhập cộng đồng; có nhiều người uy tín, chức sắc, sư cả các chùa Khmer là chủ nhiệm, thành viên các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả đã được các ngành, các cấp biểu dương, nhân rộng.
Câu lạc bộ “Tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục đối tượng trong cơ sở tôn giáo” tại chùa Bảy Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, cảm hóa các đối tượng vi phạm, từ đó nhiều trường hợp sau khi hoàn lương về địa phương an tâm sản xuất và tự tin làm lại cuộc đời.
Đại đức Giang Sô Thanh, Sư cả Trụ trì chùa Bảy Xào Giữa (xã Kim Sơn, huyện Trà Cú) cho biết: giữa Sư với Ban lãnh đạo Công an huyện và Công an xã thường xuyên phối hợp chặt chẽ để tuyên truyền cho đồng bào Phật tử chấp hành nghiêm pháp luật, giảm bớt tệ nạn và thanh, thiếu niên tụ tập đêm khuya nhằm ổn định ANTT tại địa bàn cơ sở được yên bình và phát triển hơn. Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo Công an huyện, kể cả các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương thường xuyên chia sẻ tài liệu trao đổi cho Sư tuyên truyền đến Phật tử.
Với tinh thần “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ” giữa các dân tộc ngày càng được tăng cường, củng cố và thắt chặt, giúp đỡ nhau để ổn định cuộc sống và góp phần đảm bảo ANTT tại địa phương, người có uy tín trong dân tộc Khmer còn tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, nhất là xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, công tác từ thiện xã hội, vì cộng đồng; nhiều chức sắc, người có uy tín trong Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp đã vận động kinh phí để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh, xây dựng nhiều nhà tình thương, xây dựng cầu, sửa chữa đường giao thông nông thôn, giúp cho đời sống, điều kiện đi lại, sinh hoạt của bà con vùng đồng bào dân tộc được khởi sắc.
Trung tá Sơn Thanh Bạch, Phó Trưởng Công an huyện Trà Cú cho biết: Thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer đang phát huy vai trò, trách nhiệm và là cầu nối đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến gần hơn với bà con đồng bào Khmer thông qua các lễ, hội tại các chùa hoặc các hoạt động xã hội từ thiện tại địa bàn cơ sở, giúp bà con nắm được tình hình ANTT tại địa phương và góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc hơn.
Cùng với đó, lực lượng công an các cấp chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản về ANTT; phát huy tinh thần tự giác, trách nhiệm của người dân, nhất là đồng bào Khmer tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở địa bàn cơ sở. Nhiều chính sách nhà ở, đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… rất thiết thực. Qua đó, đời sống đồng bào Khmer ngày càng được nâng cao. Công an các cấp thường xuyên vận động, phối hợp với người có uy tín trên địa bàn thực hiện chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, qua đó nâng cao vai trò, trách nhiệm và hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân.
Có thể thấy, việc phát huy vai trò người có uy tín tại địa bàn cơ sở đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết và đảm bảo tự do tín ngưỡng trong đồng bào Khmer. Từ đó, tạo tiền đề tích cực vào việc ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.