Vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La
Tỉnh Sơn La có khoảng 2.200 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những hạt nhân quan trọng, cánh tay nối dài trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền tại tỉnh Sơn La. Trong đó, nổi bật là việc Sơn La phát huy tốt vai trò người có uy tín trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng xã, bản ngày một giàu mạnh, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Trong số 2.200 người có uy tín của tỉnh Sơn La được lựa chọn, công nhận theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, có 247 người có uy tín sinh sống tại các xã biên giới của tỉnh Sơn La. Theo chức danh, có 260 người có uy tín đang đảm nhận chức danh bí thư, trưởng bản và 53 người uy tín là Trưởng Ban công tác mặt trận.
Để thấy rõ được vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã vùng cao, biên giới, khó khăn của Sơn La, chúng tôi tìm về huyện vùng cao Bắc Yên. Đây là một trong những huyện có hơn 90% đồng bào dân tộc thiểu số sống tại các xã, bản vùng cao, trong đó gần 50% là đồng bào dân tộc H’Mông.
Đồng chí Nguyễn Đăng Thức, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bắc Yên, thông tin: Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện đã tích cực chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế, như cây sơn tra, trồng lúa ruộng bậc thang...
Đặc biệt, đồng bào còn biết phát triển du lịch cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc H’Mông giảm xuống còn 14,3%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm ổn định và giữ vững. Bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Kết quả đó, có sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín trong cộng đồng các đồng bào dân tộc thiểu số.
Như tại xã vùng cao Hang Chú, huyện Bắc Yên, nơi một thời còn nhiều khó khăn với những hủ tục lạc hậu trong sinh hoạt hằng ngày, vẫn còn tình trạng phá rừng làm nương rẫy, tái trồng cây thuốc phiện, tảo hôn, việc hiếu và việc hỷ còn ăn uống kéo dài, gây ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt thì nay xã đã có nhiều đổi thay…
Đồng chí Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, cho biết: Mấy năm gần đây, diện mạo của xã đã có nhiều đổi thay, chuyển biến mạnh mẽ trong việc phát triển kinh tế. Sự đổi thay đó ngoài việc quan tâm của Đảng, Nhà nước trong đầu tư kết cấu hạ tầng, còn có sự đóng góp của đội ngũ những người có uy tín ở các bản khi họ tiên phong mang những cái mới, giá trị kinh tế cao về cho bà con. Không chỉ là tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế, họ còn là những hạt nhân quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…
Ở xã Hang Chú, đồng bào H’Mông nơi đây đều biết tới ông Giàng A Chu, 75 tuổi, là người có uy tín ở bản Pa Cư Sáng. Ông đã có những hướng đi mới, vận động bà con phá bỏ trồng cây thuốc phiện thay vào đó là trồng cây thảo quả cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, cuộc sống gia đình ông đã ổn định, con cháu của ông được cắp sách đến trường. Bản Pa Cư Sáng được chọn là bản sạch đẹp và giữ rừng tốt nhất trong xã.
Với quyết tâm giúp bà con thoát nghèo, ông Giàng A Chu đã tự mua 15kg giống thảo quả về, mày mò nghiên cứu và hướng dẫn, giúp đỡ người dân xóa đói, giảm nghèo từ mô hình này. Từ 3ha thảo quả đầu tiên của gia đình mình, giờ diện tích trồng thảo quả ở xã Hang Chú đã tăng hơn 300ha, trở thành vùng thảo quả lớn nhất tỉnh Sơn La với thu nhập của các hộ gia đình trồng thảo quả từ 40- 50 triệu đồng/năm.
Ông Giàng A Chu, chia sẻ: Đã 35 năm tuổi Đảng, mình luôn phải nêu gương đối với cán bộ đảng viên và đồng bào của mình. Để bà con nghe theo mình, làm theo mình thì trước tiên mình phải đi trước, làm thật tốt công việc của mình. Trong nhiều năm qua, được bà con tín nhiệm, việc gì của bản tôi cũng đều được mời tham gia, từ phong trào thi đua yêu nước hay các hoạt động làm đường giao thông, tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế hay cho trẻ em trong độ tuổi đến trường.
Tại bản Chiềng Khòng, xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu, khi nhắc tới ông Triệu Văn Dần, người có uy tín dân tộc Dao, ai cũng đều biết. Bởi ngoài là người luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của bản hay tiêu biểu trong phát triển kinh tế, ông Dần còn phối hợp Ban quản lý bản tuyên truyền người dân chuyển đổi từ trồng ngô, sắn trên nương sang trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ông Triệu Văn Dần, nói: Hiện, gia đình tôi trồng hơn 1ha nhãn, na và chuối, nuôi bò sinh sản, lợn thịt, mỗi năm thu nhập hơn 200 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, ngoài tăng thu nhập về kinh tế cho gia đình, còn có nhiều hộ đến học làm theo và đã thoát được nghèo.
Đồng chí Nguyễn Văn Thu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, thông tin: Trong những năm qua, đội ngũ người uy tín trên địa bàn tỉnh Sơn La luôn là lực lượng quần chúng nòng cốt, họ đã và đang giúp các cơ quan trong hệ thống chính trị hoàn thành thắng lợi chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, qua những cánh tay nối dài là người có uy tín, đã giúp các cấp ủy, chính quyền nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân.
Qua đánh giá cho thấy: Trong phát triển sản xuất, nhiều người có uy tín tại các xã, bản ở Sơn La đã gương mẫu đi đầu, tham gia tuyên truyền vận động người dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, phát triển kinh tế hộ gia đình; tích cực thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có nhiều hộ gia đình, cá nhân người có uy tín tiêu biểu, điển hình trong lao động sản xuất kinh doanh. Riêng trong năm 2023 đã có 37 hộ gia đình, cá nhân được biểu dương tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc và tham gia chương trình "Điểm tựa bản làng".
Những đóng góp của người có uy tín tại tỉnh Sơn La trong những năm qua đã và đang giúp cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Sơn La đã giảm từ gần 22% vào năm 2021 xuống còn hơn 11% vào năm 2024; tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 21,34% năm 2021 xuống còn 10,9% vào năm 2024.
Qua đó, góp phần xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; xây dựng khối đoàn kết các dân tộc; củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sơn La với Đảng và Nhà nước.